Có Một Sài Gòn Đang Vì Chúng Ta Mà “Khóc”
Một bộ phận giới trẻ đã và đang khiến cho Sài Gòn trở nên xấu xí với những nét vẽ chằng chịt tại các di tích, địa điểm nổi tiếng. Với họ, đó có thể là một kỷ niệm đẹp, là thú vui tức thời, nhưng tuyệt nhiên sẽ là vết nhơ trong mắt du khách, nghiêm trọng hơn, là “nước mắt” của Sài Gòn…
Khi nói về Sài Gòn, chúng ta vẫn luôn thường nghe đến những danh từ hoa mỹ như “Hòn Ngọc Viễn Đông”, “Sài Gòn hoa lệ”, “mảnh đất phồn hoa”…Sài Gòn – mảnh đất hội tụ con người Việt đến từ muôn phương về đây sinh sống, học tập và làm việc.
Chúng ta không thể nào không nhắc tới những địa điểm quen thuộc đã làm nên tên tuổi và hình ảnh của Sài Gòn: hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, con đường sách, những con đường tấp nập người và xe.
Mỗi một địa danh đã gắn bó với mảnh đất này từ rất lâu, lâu đến nỗi chỉ biết rằng khi sinh ra, chúng ta đã thấy chúng có rồi. Nhìn vẻ mặt hớn hở, thích thú của các du khách đến tham quan Sài Gòn, mới biết rằng Sài Gòn đẹp và quyến rũ vô cùng!
Vậy mà một bộ phận giới trẻ sử dụng Sài Gòn như “sân chơi để sáng tạo nghệ thuật”. Các bạn mặc sức vẽ vời lên bờ tường đường phố, bờ tường nhà thờ, những cây cột tại Hồ con rùa.
Hãy nghĩ về Sài Gòn như một người mẹ lớn, bao năm che chở, gắn bó với những đứa con thân yêu. Nhưng rồi một ngày kia, chính họ lại khiến cho người mẹ ấy mang trên mình những vết sẹo. Sài Gòn có buồn không nhỉ?
Đầu tiên, hãy cùng nhau dạo quanh Hồ Con Rùa. Sẽ chẳng khó để bắt gặp những nét vẽ chi chít trên từng bức tường, từng cây cột đã gắn bó với người dân Sài Gòn từ hàng trăm năm nay: “I love you”, “chứng nhận đã có mặt đây”….
Đến với Nhà Thờ Đức Bà – kiến trúc cổ xưa đã có mặt tại Sài Gòn từ những năm 1877 – mỗi viên gạch là mỗi nội dung “lưu bút” của tình yêu. Tự hỏi rằng những cặp đôi yêu nhau đã ghi tên lên tường nhà thờ có hạnh phúc bền lâu, đầu bạc răng long hay không, trước mắt, chỉ biết rằng, vẻ đẹp của nhà thờ đã bị tàn phá một cách nghiêm trọng và tàn nhẫn.
Nếu việc vẽ vời lên các di tích đã xưa cũ, thì một bộ phận giới trẻ còn mở rộng phạm vi “sáng tạo nghệ thuật” sang các cung đường sài gòn, các cánh cửa nhà dân. Những nét vẽ rối mắt, không có hình thù cụ thể, được tạo nên chủ yếu bằng hàng tá lọ sơn màu chồng chéo lên nhau.
Chúng ta quen lắm, thương lắm một Sài Gòn náo nhiệt, một Sài Gòn không bao giờ “ngủ”, sáng rực và lấp lánh, thương lắm những cung đường tấp nập người và xe, những hàng quán ven đường có thể tấp vào bất cứ lúc nào để thưởng thức những món ăn bình dân mà ngon tuyệt, những chuyến xe buýt ngược xuôi xuôi ngược Sài Gòn cho kịp giờ, những chú xe ôm, cô xe đạp, tất tả trên những ngã đường mưu sinh, những con hẻm nhỏ và sâu hun hút, cái nóng oi bức đến bực mình nhưng rồi những cơn mưa Sài Gòn vội đến, vội đi, bất chợt ùa về như lời xin lỗi, như tưới mát cho thành phố oi ả, như điểm xuyến thêm sự tươi mới trên những tán cây già và thế là chẳng ai nỡ buồn, nỡ giận…
Sài Gòn là thế, luôn gây thương gây nhớ. Đã có biết bao tâm hồn đi xa, chỉ mong mỏi ngày trở về và gặp lại Sài Gòn yêu dấu. Vậy cớ gì, đang ở tại mảnh đất này, chúng ta khiến cho Sài Gòn phải “rơi nước mắt”?
Sài Gòn đẹp lắm. Nên đừng để Sài Gòn phải khóc…
Như Ý - UEHenter.com