Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM
Tiền thân của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ được thành lập vào năm 1957, được hợp nhất từ 4 trường: Trường Cao đẳng Công chánh, Trường Cao đẳng Điện, Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Trường Việt Nam Hàng hải.
Sau ngày thống nhất đất nước, theo quyết định số 426/Ttg ngày 27/10/1976 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trường được mang tên Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM. Hơn 50 năm một chặng đường đầy tự hào, ngôi trường này thật sự là nơi giảng dạy và nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho khu vực phía Nam.
Trên khuôn viên 14,5 ha của tổng Phú Thọ hình thành một trung tâm đào tạo các kỹ sư và cán sự kỹ thuật, với hệ thống bảy tòa nhà hai và ba tầng gồm văn phòng, lớp học (giảng đường), thư viện, các phòng thí nghiệm và các xưởng thực tập.
Trung tâm cũng có khu thể thao, thiết kế ban đầu dành cho 1.600 sinh viên của tất cả các hệ và 200 cán bộ, nhân viên, giáo sư. Muốn vào các trường cao đẳng của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, người học phải có bằng tú tài 2 (trung học đệ nhị cấp), ban B (toán) và phải qua một kỳ thi tuyển. Thời gian học từ 4 đến 5 năm (tùy theo ngành) cho bậc kỹ sư và 2 năm cho bậc cán sự.
Trường hiện có các khoa gồm:
Khoa Cơ khí;
Khoa Công nghệ Vật liệu;
Khoa Điện - Điện tử;
Khoa Khoa học Ứng dụng;
Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính;
Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí;
Khoa Kỹ thuật Giao thông;
Khoa Kỹ thuật Hóa học;
Khoa Kỹ thuật Xây dựng;
Khoa Môi trường và Tài nguyên;
Khoa Quản lý Công nghiệp.
Không chỉ có đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của nhà trường ngày một hoàn thiện với 2 Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 6 PTN trọng điểm ĐH Quốc gia Hồ Chí Minh, 9 trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Hằng năm quy mô đào tạo sau đại học tại trường đều tăng từ 20 – 25%. Trường đã đào tạo 39 ngành thạc sĩ và 41 ngành tiến sĩ. Nhà trường chủ trương đẩy mạnh liên kết đào tạo với nước ngoài trong đào tạo đại học và sau đại học. Trường cũng vừa được Tổ chức Xếp hạng Đại học Thế giới THE (Times Higher Education ) công bố lọt vào danh sách 8 đại học ở Việt Nam mà tổ chức này khuyến khích sinh viên quốc tế theo học.
Trường Đại học Bách Khoa cũng là đơn vị đi đầu trong hệ thống các trường đại học Việt Nam trong việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo môi trường sáng tạo, hỗ trợ các hoạt động Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo không những trong cộng đồng sinh viên và cán bộ của nhà trường mà cho cả sinh viên và thanh niên của TP. Hồ Chí Minh.
Nhà trường cũng lần đầu tiên có Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TP.HCM, là công ty được chuyển đổi từ tổ chức khoa học công nghệ của nhà trường, nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Lĩnh vực đào tạo nổi bật
Khối ngành kỹ thuật