Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là đại học công lập thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thành lập ngày 24/9/1997; đến nay TDTU đã trở thành đại học Top 2 của Việt Nam và trên đường xác lập vị trí trong danh sách các đại học tốt nhất Châu Á.

Tiền thân của Đại học Tôn Đức Thắng (Ton Duc Thang University: TDTU) là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng quản trị do Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố đương nhiệm làm Chủ tịch.

Mục tiêu thành lập TDTU trong giai đoạn đầu là: thực hiện Chương trình 17/TU và Chỉ thị 13 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân Thành phố; phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá; góp phần đào tạo nhân tài, nhân lực, thực hiện nghiên cứu để phục vụ hệ thống sản xuất, xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, để TDTU có pháp nhân phù hợp bản chất thực (là đại học công; phi lợi nhuận; hoàn toàn không có yếu tố tư nhân); ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân và đổi tên TDTU thành Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, sau 5 năm rưỡi là đại học dân lập hoạt động với mục tiêu đào tạo nhân lực, chuyên gia theo mô hình đại học công nghệ-kỹ thuật ứng dụng; bằng quyết định này, TDTU trở thành đại học khoa học ứng dụng đa ngành và không còn pháp nhân dân lập.

Sự phát triển của TDTU tiếp tục nhanh. Để phù hợp nhu cầu mới, Ngày 11/6/2008, nghĩa là xấp xỉ 5 năm rưỡi kế tiếp theo pháp nhân bán công, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa ra Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Trong thời gian này, mục tiêu của Trường được bổ sung thêm là trực tiếp phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực trong công nhân, người lao động để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị Lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng Khóa 10.

Đúng 7 năm sau; Ngày 29/01/2015 tại Quyết định số 158/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017; mục tiêu của Đại học Tôn Đức Thắng được xác định rằng:

“Đại học Tôn Đức Thắng chủ động huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả nhất các nguồn lực của Trường và xã hội (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) để phát triển Trường đại học Tôn Đức Thắng thành một đại học định hướng nghiên cứu có chất lượng trong khu vực và trên thế giới; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của Trường”.

Như vậy, trong 22 năm qua, sự phát triển nhanh của TDTU đã đòi hỏi sự điều chỉnh mục tiêu và pháp nhân của Nhà trường nhiều lần. Đến ngày nay, TDTU là đại học công lập, có Tầm nhìn: trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới; và Mục tiêu trung hạn là: “Trong 20 năm kế tiếp (kể từ 2017), TDTU có nhiệm vụ trở thành đại học nghiên cứu thuộc TOP 60 đại học tốt nhất Châu Á; cũng như là một trong TOP 500 đại học tốt nhất thế giới”.

Martin Luther từng nói: “Khi trường học phát triển, mọi thứ đều phát triển theo”. TDTU sẽ là đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới để phụng sự tốt nhất cho đất nước, nhân dân Việt Nam; cũng như sự phát triển ổn định, bền vững và hòa bình của nhân loại

Sứ mạng

  • Giáo dục, nghiên cứu và sáng tạo để phát triển nhân loại bền vững

Tầm nhìn

  • Là đại học nghiên cứu tinh hoa; trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới

Trường hiện có các khoa gồm:

  • Khoa Công nghệ thông tin;

  • Khoa Dược;

  • Khoa Giáo dục Quốc té;

  • Khoa Kế toán;

  • Khoa Khoa học và Thể thao;

  • Khoa Khoa học Ứng dụng;

  • Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn;

  • Khoa Kỹ thuật công trình;

  • Khoa Lao động và Công đoàn;

  • Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động;

  • Khoa Mỹ thuật Công nghiệp;

  • Khoa Quản trị kinh doanh;

  • Khoa Ngoại ngữ;

  • Khoa Luật;

  • Khoa Tài chính và Ngân hàng;

  • Khoa Toán - Thống kê

Lĩnh vực đào tạo nổi bật

  • Khoa học - Công nghệ

Liên hệ

See this content in the original post