Chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo - Innovation Partnership Program (IPP)
Innovation Partnership Program IPP là chương trình hợp tác phát triển giữa hai chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì. Trong giai đoạn 2 (IPP 2), chương trình được thực hiện từ năm 2014 - 2018 với tổng ngân sách 11 triệu euro.
IPP hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, làm cơ sở phát triển của lực lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
IPP nỗ lực kết nối những tác nhân chính trong hệ sinh thái để xây dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ doanh nghiệp kế tiếp của Việt Nam và thúc đẩy sự hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt là Phần Lan.
Với mục tiêu phát triển của mình, IPP2 tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính: (1) Hỗ trợ phát triển chính sách và xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; (2) Hợp tác về đổi mới sáng tạo; (3) Hỗ trợ tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2015, IPP 2 đã cung cấp các hỗ trợ tài chính và tư vấn đào tạo cho 35 dự án khởi nghiệp, dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, dự án hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường Đại học.
Bằng việc đưa chuyên gia quốc tế từ Hoa Kỳ và Phần Lan vào Việt Nam trực tiếp làm việc, tư vấn cho các nhóm soạn thảo, IPP2 đã hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN xây dựng và trình ban hành các chính sách lớn như Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), Luật Chuyển giao công nghệ, và một số văn bản quan trọng khác.
IPP 2 đã thiết kế chương trình đào tạo tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, thử nghiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp và hơn 150 giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đến từ 50 trường Đại học và các tổ chức giáo dục ở Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các giảng viên, IPP 2 còn tài trợ một số dự án của các trường Đại học ở Việt Nam nhằm thử nghiệm thiết kế các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Không dừng lại ở đó, IPP 2 đã và đang triển khai chương trình VMAP (2017) và VMAP+ (2018) nhằm kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phần Lan sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Thông qua đó, chương trình đồng thời đào tạo gần 30 chuyên gia Việt Nam đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thực hiện chiến lược kết thúc dự án, hướng đến tác động bền vững, IPP 2 đã xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm tri thức của mình, đúc rút các bài học kinh nghiệm và thực tiễn để chuyển giao cho các đối tác Việt Nam ở cả khu vực công và tư. Các sản phẩm này bao gồm: công cụ hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 2 tài liệu thảo luận chính sách về cơ chế tài chính cho khởi nghiệp và thúc đẩy vai trò của các trường Đại học trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
IPP 2 kết thúc sẽ mở đường cho một giai đoạn mới trong hợp tác song phương Việt Nam - Phần Lan, từ hình thức hợp tác tài trợ không hoàn lại chuyển sang hợp tác thương mại, đôi bên cùng có lợi.