Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Papaya

Nền tảng kỹ thuật số Papaya giúp nhân sự cắt giảm 70% thời gian để triển khai và quản lý phúc lợi nhân viên như Bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, ...với các báo cáo và phân tích chuyên sâu giúp mọi người sống khỏe, sống vui.

Báo cáo của Vietnamworks năm 2019 ghi nhận tại Việt Nam có đến 89% ứng viên lựa chọn sẽ "phản ứng" lại tình huống khi được hỏi "nếu công ty không đáp ứng về nhu cầu phúc lợi trong tương lai", nên đòi hỏi phía các doanh nghiệp tuyển dụng cần có nhiều chính sách phúc lợi hơn để giữ chân người tài. Với tính tiên phong của dự án cùng xu hướng sống khỏe đang ngày càng phát triển, sản phẩm mang lại nhiều giá trị thiết thực cho xã hội như Papaya sẽ thu hút được nhiều khách hàng sử dụng. 

Dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, Papaya trao cho nhân viên sự quan tâm chăm sóc phù hợp, với sự linh hoạt tối đa và thực hiện thao tác dễ dàng thông qua hệ thống online. Nền tảng này giúp người dùng quản lý các chương trình phúc lợi bao gồm bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, phúc lợi về thể dục thể thao và học tập.

Startup được phát triển bởi Phan Đức Hùng - chàng trai làm ngành ngân hàng và người bạn Khải Nguyễn - chuyên viên marketing. Dự án hợp tác cùng công ty bảo hiểm bưu điện (PTI), top 3 công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và ra mắt thị trường vào cuối tháng 10 năm 2019.

Theo Phan Đức Hùng, đồng sáng lập dự án, công ty lấy tên từ một loại trái cây là đu đủ để hướng đến một thương hiệu an toàn, dễ dàng, khách hàng dễ nhớ, dễ chọn. Đây cũng là xu hướng chọn tên của các hãng bảo hiểm trên thế giới với các hãng nổi tiếng như Mango Insurance, Avocado...

Một tiêu chí nhất quán được Papaya truyền tải từ lúc thành lập, kêu gọi vốn, hình thành sản phẩm cho đến kêu gọi nhân sự là đem lại sản phẩm có giá trị cho con người; giúp khách hàng có cuộc sống khỏe hơn, an tâm hơn thông qua các bảo hiểm sức khỏe cùng các dịch vụ chăm sóc kèm theo với các đối tác uy tín như California fitness & yoga, Aim academy, The spa, Citigym...

Tập trung vào khách hàng doanh nghiệp, Papaya cung cấp hệ thống quản lý phúc lợi với báo cáo và phân tích chuyên sâu, giúp bộ phận nhân sự thực hiện hóa chiến lược thu hút người tài trong thời đại cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay. Theo đó, sản phẩm giúp các công ty có thể tương tác với nhân viên qua trải nghiệm kỹ thuật số, cải thiện chính sách phúc lợi với dữ liệu chi tiết theo thói quen sử dụng của nhân viên, giảm được chi phí vận hành.

Thị trường bảo hiểm công nghệ dành cho doanh nghiệp B2B có thể được xem là thị trường tiềm năng bởi vẫn chưa có đơn vị tham gia, khi hiện Việt Nam chỉ có 2-3 công ty về ngành nhưng chuyên về khách hàng B2C. Việc lựa chọn thị trường ngách tuy nhiều khó khăn và thách thức nhưng sẽ là bước đi khôn ngoan của các startup nếu biết tận dụng tốt các cơ hội. 

Hiện Papaya đang hợp tác cùng một công ty môi giới bảo hiểm của Mỹ để giới thiệu sản phẩm đến đối tượng khách hàng của họ. Tại thị trường Việt Nam, dự án cũng đã có 4-5 doanh nghiệp sử dụng thử nền tảng công nghệ này.

Trong tương lai, công ty định hướng trở thành trợ thủ đắc lực giúp cư dân hiện đại có cuộc sống khỏe khoắn, năng động hơn với những sản phẩm toàn diện về hạnh phúc như an tâm cuộc sống (bảo hiểm), sống khỏe (các gói tập, yoga), sống đầy (các gói tư vấn tâm lý) và sống trọn vẹn (các gói về sản phẩm hoạch định tài chính). Năm 2020, startup sẽ tập trung vào thị trường Việt Nam để phát triển các sản phẩm, tiếp cận các doanh nghiệp tiềm năng, củng cố thương hiệu nội địa, 3 năm tiếp theo sẽ nhân rộng mô hình ra các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc...

Khi các doanh nghiệp lớn đầu tàu về ngành bảo hiểm vẫn đang vận hành theo đường lối cũ, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa xâm nhập thị trường, nhiều công ty sẵn sàng đầu tư chính sách phúc lợi để lôi kéo nhân tài, nền tảng bảo hiểm công nghệ Papaya sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai gần. Bên cạnh, những khó khăn về pháp lý bảo hiểm chặt chẽ tại Việt Nam, nhân sự IT chi phí cao do nhu cầu tuyển dụng từ phía các công ty công nghệ, tìm kiếm sản phẩm và công ty bảo hiểm phù hợp với công nghệ... là những thách thức không nhỏ của startup này.

See this content in the original post