Phòng Vi sinh ứng dụng – Viện Sinh học Nhiệt đới
Được sự tín nhiệm và theo yêu cầu đặt hàng của các Công ty, cho đến nay phòng Vi sinh ứng dụng đã nghiên cứu sản xuất hơn 20 chế phẩm sinh học có hiệu quả cao. Các chế phẩm sinh học đã được thương mại hóa dùng trong nuôi trồng thủy sản như BIO-II, BIO-III, BIO-T, BIO-IV, VEM, PB; trong chăn nuôi là BIO-I, BIO-SUPER, VEM-K; trong trồng trọt là BIO-F, BIO-BL, BIO-AP; xử lý môi trường có BIO-YK, BIO-HK, BIO-D; và trong sản xuất nước tương lên men không có độc tố 3-MCPD là AO và E-PRO. Bên cạnh đó, nhóm các nhà khoa học của phòng đã rất thành công trong việc nghiên cứu cải tiến qui trình công nghệ lên men sản xuất nước tương, sản xuất cồn, sản xuất phân hữu cơ vi sinh để chuyển giao cho các nhà máy.
Trong những năm qua, nông nghiệp nước ta đang phát triển theo hướng sạch, an toàn nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học, nên đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và tiến đến xuất khẩu. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp để giảm sử dụng kháng sinh, hocmon tăng tưởng (trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản), chất kích thích sinh trưởng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trong trồng trọt). Bên cạnh đó, các chất thải nông nghiệp được xử lý bởi chế phẩm sinh học nên có thể tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nhờ đó làm sạch môi trường và tăng lợi nhuận cho nhà nông.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp được nhập khẩu dạng thành phẩm hoặc nhập khẩu dạng nguyên liệu và đóng bao tại Việt Nam. Các chế phẩm này có giá thành cao, chất lượng không ổn định, thường không thích hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của nước ta. Bên cạnh đó, có nhiều chế phẩm sinh học được sản xuất trong nước, tuy có giá rẻ nhưng chất lượng chưa ổn định, hiệu quả sử dụng chưa cao, nên chưa được người dân sử dụng rộng rãi.
Từ năm 2000, Phòng Vi sinh ứng dụng - Viện Sinh học nhiệt đới đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm và từng bước thương mại hóa các loại chế phẩm sinh học. Các chế phẩm này có hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, và xử lý môi trường nên được các Công ty sản xuất và thương mại thuốc thú y, thuốc thủy sản, chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở trong nước đặt hàng ngày càng tăng để bán ra thị trường với tên thương mại của các Công ty đó.
Các nhiệm vụ của phòng Vi sinh:
– Nghiên cứu cơ bản về vi sinh vật như sinh lý, sinh hóa, di truyền vi sinh vật, điều tra tài nguyên vi sinh vật ở các tỉnh phía Nam, công nghệ vi sinh.
– Nghiên cứu triển khai sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ các ngành chế biến lương thực, thực phẩm (nước tương, cồn, bia, thạch dừa…), chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt,
– Nghiên cứu những vấn đề khoa học – công nghệ thuộc lĩnh vực môi trường, xử lý môi trường theo hướng sinh thái bền vững và bảo vệ môi trường.
– Triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường phục vụ phát triển bền vững .
– Tham gia tư vấn với các cơ quan nhà nước về chính sách bảo vệ môi trường, phát triển các công nghệ thân môi trường.
– Đào tạo cán bộ lĩnh vực nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ môi trường.
1. Phương thức hoạt động
– Thực hiện nghiên cứu cơ bản tại phòng thí nghiệm, nâng cao lên qui mô sản xuất thử nghiệm tại pilot công nghệ vi sinh (sản xuất các chế phẩm sinh học cung cấp cho các doanh nghiệp, công ty thuốc thú y, các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Các nhà máy sản xuất phân bón vi sinh…).
– Phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Chuyển giao công nghệ, áp dụng các qui trình kỹ thuật vào sản xuất đại trà.
– Tham gia thực hiện các đề tài cấp cơ sở, các đề tài, dự án cấp tỉnh/thành phố và cấp nhà nước. Liên kết với các đơn vị bạn thực hiện các đề tài đa ngành.
2. Các định hướng hoạt động nghiên cứu
Hướng nghiên cứu vi sinh cơ bản và ứng dụng
– Phân lập, định danh vi khuẩn đường ruột có vai trò probiotic như Lactobacillus, Bifidobacteria, Enterococcus và nấm men từ các khu bảo tồn thiên nhiên.
– Thiết lập qui trình phát hiện nhanh vi sinh vật bằng PCR.
– Nghiên cứu đặc tính một số enzyme như cellulase xylanase, phytase…
– Tạo dòng và biểu hiện protein tái tổ hợp trong nấm men.
– Thu thập, phân lập, chọn lọc, bảo quản và định danh các chủng vi sinh vật hữu ích, nghiên cứu tìm ra các qui trình công nghê sản xuất các chế phẩm sinh học, thực phẩm, phân bón vi sinh,…
Hướng nghiên cứu môi trường
– Nghiên cứu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển bền vững.
– Nghiên cứu, sản xuất vật liệu, thiết bị đo đạc, thiết bị xử lý,…phục vụ công tác bảo vệ môi trường.
– Triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, chuyển giao công nghệ môi trường phục vụ công tác bảo vệ môi trường: rắn, lỏng, khí, sinh vật,…
Địa chỉ: | 9/621 Xa lộ Hà Nội, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | 0283 896 2969 |
Email: | hoang-quoc-khanh@hcm.vnn.vn |
Website: | http://itb.ac.vn/ |