Seedcom
Seedcom là một cái tên đang chú ý trong hệ sinh thái startup bởi đây không phải là một quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng khẩu vị đầu tư mới lạ và các tên tuổi trong danh mục đầu tư của công ty này đều là các cái tên rất quen thuộc trong giới khởi nghiệp. Lấy ý tưởng từ một hạt giống, nếu được chăm sóc tốt sẽ vươn mình trở thành một cây đại thụ, Seedcom hi vọng là nơi tập hợp đam mê của những người muốn khởi nghiệp.
Thành lập vào tháng 6.2014, Công ty Cổ phần Hạt Giống (Seedcom) bởi đồng sáng lập Thế giới di động, ông Đinh Anh Huân. Dạnh mục đầu tư của Seedcom rất rộng từ công nghệ hỗ trợ bán lẻ, thương mại điện tử, bán lẻ, sản xuất và gần đây là nông nghiệp. Trong đó có một số tên tuổi như: Cầu Đất Farm, Juno (sản xuất và bán lẻ giày, phụ kiện nữ), chuỗi cửa hàng The Coffee House và doanh nghiệp hậu cần thương mại điện tử Giaohangnhanh
Tự nhận không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng không có ý định thoái vốn ở các công ty, những thành viên của Seedcom chỉ tham gia điều hành quá trình phát triển các doanh nghiệp đặc thù trong ngành bán lẻ. Theo quan điểm của một chuyên gia đầu tư mạo hiểm người Singapore, mô hình đầu tư như kiểu Seedcom là thuộc dạng “người kiến tạo doanh nghiệp” (company builder hoặc venture builder). Khác với các quỹ đầu tư tài chính thông thường, người kiến tạo doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc xây dựng và vận hành các công ty nằm trong danh mục đầu tư, vì họ có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong khởi nghiệp. Rủi ro thất bại vì thế cũng được hạn chế phần nào.
Sáng lập của Seedcom, ông Đinh Anh Huân cũng là người đồng sáng lập Thế giới di động. Ông Huân bán gần hết cổ phần ở Thế Giới Di Động trước khi công ty này lên sàn vào năm 2010 và bắt đầu hành trình mới với Seedcom. Tháng 6.2012, Seedcom rót vốn vào công ty đầu tiên là Giaohangnhanh.vn.
Sau thương vụ Giaohangnhanh.vn, Seedcom bắt đầu công bố nhiều khoản đầu tư hơn. Khẩu vị rất đơn giản: công ty phải là bán lẻ hoặc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho ngành bán lẻ. Riêng các công ty bán lẻ, người sáng lập phải làm trong lĩnh vực này ít nhất là 3 năm hoặc hơn. Chính vì thế, không khó hiểu vì sao The Coffee House nằm trong danh mục đầu tư của Seedcom.
Tham vọng của Seedcom rất lớn khi đầu tư các công ty theo mô hình bán lẻ hoặc cung cấp giải pháp cho bán lẻ. Theo HSBC, thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt doanh thu 90 tỉ USD vào năm ngoái. Triển vọng của thị trường này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hằng năm (2.200 USD/năm theo ghi nhận trong năm 2016) được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong trung hạn.
Nếu như KiotViet cung cấp giải pháp bán hàng cho các cửa hàng tạp hóa truyền thống, iPos.vn cung cấp giải pháp cho ngành ăn uống, thì Haravan cung cấp giải pháp làm website dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Chưa dừng ở đó, Seedcom còn đầu tư vào IZIHelp, đơn vị cung cấp nền tảng chăm sóc khách hàng trực tuyến.
Có thể thấy, dù cung cấp các giải pháp khác nhau nhưng các doanh nghiệp công nghệ mà Seedcom đầu tư được xếp vào mô hình công ty cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS). Ở Việt Nam, SaaS vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm nên dấu ấn của Seedcom trong các công ty này mờ nhạt hơn rất nhiều so với nhóm bán lẻ và sản xuất. Đến thương vụ Juno.vn và Cầu Đất Farm, Seedcom bắt đầu cho thấy tham vọng trong ngành bán lẻ khi đổi khẩu vị đầu tư vào các công ty sản xuất. Điều này cũng dễ hiểu vì sau giao nhận, phần mềm hỗ trợ bán lẻ, sẽ thật lãng phí nếu Seedcom không nắm khâu cuối cùng là sản xuất. Juno là đơn vị có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực giày nhưng khá mờ nhạt. Mãi đến khi Seedcom tham gia, doanh nghiệp sản xuất này bắt đầu tăng tốc bằng cách mở rộng chuỗi cửa hàng liên tục cùng các chiến dịch truyền thông tốn kém.
Tương tự là câu chuyện của Cầu Đất Farm, vốn xuất thân là nhà máy sản xuất trà từ năm 1927 ở Đà Lạt. Ông Huân chia sẻ, giá 1kg trà ở Đà Lạt chỉ có 1 USD, trong khi của Malaysia đắt gấp 30 lần dù chất lượng sản phẩm là như nhau. Song song đó là nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng cao nhờ sự phát triển của các kênh bán lẻ như Bách Hóa Xanh... Ước tính, độ lớn chỉ riêng thị trường TP.HCM là hơn 3.000 tấn mỗi ngày, trị giá khoảng 3 triệu USD, chiếm 85% nhu cầu.
Được biết, Cầu Đất Farm hiện tập trung phân phối sỉ rau củ Đà Lạt, trà và cà phê cho nhà hàng, đại lý, siêu thị, trường học ở cả nước. Nguồn sản phẩm được Công ty trồng thực nghiệm, hoàn thiện quy trình, từ đó cộng tác cùng nông dân canh tác sản xuất. Đơn vị này đang tập trung phát triển hệ thống công nghệ thông tin về phân phối sỉ, tương tác sản xuất để minh bạch quá trình này.
Với thế mạnh có nhiều kinh nghiệm trong ngành bán lẻ cùng với việc nắm trong tay nhiều công ty cung cấp công nghệ vào công tác quản lý, trong tương lai, Seedcom tiếp tục săn đuổi các công ty, hoặc các cá nhân có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ trong thời gian tới.