Mã số N3051: Thách thức khi khởi nghiệp

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này

Startup (khởi nghiệp) không còn là khái niệm xa lạ với giới trẻ hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ khi được trau chuốt kỹ càng, được hỗ trợ kịp thời đã có những bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học “Khởi nghiệp, sáng tạo ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” vừa diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, người trẻ cần nhìn vào thực tế để có sự chuẩn bị kỹ càng, chất lượng hơn cho các dự án startup, vì đây là lĩnh vực thất bại nhiều hơn thành công.

Vẫn còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển các dự án khởi nghiệp của giới trẻ.

Vẫn còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển các dự án khởi nghiệp của giới trẻ.

Ý tưởng hay chưa là tất cả

Xuất sắc đoạt giải nhì tại cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh - Business Ideas 2019” và nhiều giải thưởng uy tín khác, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, Phạm Thị Thúy Kiều (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư để phát triển bộ sản phẩm giáo dục công nghệ Blocky của nhóm. “Số tiền 200 triệu đồng mà em và ba bạn trong nhóm bỏ ra đến nay vẫn chưa thể thu hồi vì bộ sản phẩm giáo dục mang tên Blocky chỉ mới có vài đơn đặt hàng tại một số trường quốc tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tụi em đã gõ cửa doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm mà nhóm tâm huyết, thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, Thúy Kiều tâm tư.

Giàu ý tưởng nhưng khó triển khai, phát triển là thực tế mà rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên (SV) đang gặp phải. Theo Ths Chu Bá Long, Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ & Thị trường công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân khiến phần lớn các dự án khởi nghiệp của người trẻ “trầy trật” trong việc tìm nguồn vốn đầu tư nằm ở chỗ các bạn trẻ thường thiếu kinh nghiệm quản trị kinh doanh và tìm hướng ra cho các sản phẩm trên thị trường.

Kinh nghiệm từ các vườn ươm khởi nghiệp cho thấy, hiện có tới 95% số dự án của người trẻ dịch chuyển từ trạng thái bắt đầu sang thất bại chỉ sau một thời gian ngắn. Riêng trong giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh dành tới 35% trong số 4.600 tỷ đồng phục vụ phát triển khoa học - công nghệ cho các dự án startup. Thế nhưng việc người trẻ, đặc biệt SV tiếp cận các nguồn vốn đầu tư chưa bao giờ là điều đơn giản.

Đi tìm giải pháp

Số liệu thống kê từ Topica Founder Institute (chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam dưới sự kết hợp của Tổ hợp giáo dục TOPICA và Founder Institute - chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon) cho thấy, tính hết năm 2018, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 90 thương vụ đầu tư với tổng giá trị gần 900 triệu USD. Con số này ở năm 2014 chỉ khiêm tốn ở mức 28 thương vụ với giá trị tầm 12 triệu USD. Có sự gia tăng về số lượng và nguồn vốn, tuy nhiên chưa có sự phát triển đồng đều trong các dự án khởi nghiệp khi mà hiện nay, chỉ ba lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm là Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính và Truyền thông. Còn lại, nhiều dự án vẫn trong tình trạng được đánh giá cao rồi… cất tủ, hoặc thất bại hết lần này đến lần khác.

Theo TS Hồ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư RIM Invest, điểm mấu chốt khiến nhiều dự án khởi nghiệp của người trẻ tại Việt Nam chưa thu hút được vốn đầu tư là không chứng minh được tiềm năng đầu ra: “Ý tưởng hay là một chuyện, điều khiến doanh nghiệp quan tâm là đầu ra có đủ hấp dẫn không. Nếu chủ dự án không chứng minh được điều này thì làm sao huy động vốn đầu tư?”.

GS, TS Hoàng Thị Chỉnh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện còn non trẻ và đang chịu nhiều thách thức. Thứ nhất là thiếu khung pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là Luật Đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn vốn đầu tư và sự rườm rà trong thủ tục hành chính cũng ảnh hưởng nhiều đến đường đi của các dự án khởi nghiệp. Độ vênh giữa giáo dục với hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp cũng là rào cản dẫn đến sự thiếu kết nối khiến nhiều dự án starup khó được triển khai.

“Vậy nên, chúng ta có khá nhiều vấn đề cần giải quyết đồng bộ để tạo môi trường tốt nhất cho các dự án khởi nghiệp phát triển, từ việc tạo hành lang pháp lý, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính đến hoàn thiện hơn nữa hệ thống giáo dục. Nhưng quan trọng nhất là phải thay đổi quan niệm về vai trò của giới trẻ trong các dự án khởi nghiệp để họ dám nghĩ dám làm, chấp nhận rủi ro, thất bại và luôn tự bản thân đổi mới, sáng tạo”, GS, TS Hoàng Thị Chỉnh lý giải.

 

Thông tin

logo_baothoinay.png
 
Đăng trên Báo Nhân dân
Tác giả Mỹ Dung
Ngày đăng 04/08/2019
Bài gốc nhandan.org.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-songtre/item/41077302-thach-thuc-khi-khoi-nghiep.html?PageSpeed=noscript
 

Đơn vị tài trợ

 
    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này