Mã số N3039: Vì sao nhiều startups ngại xác lập quyền sở hữu trí tuệ?
Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ rất phức tạp, khó tiếp cận, khó hiểu, phải chờ đợi lâu và… tốn tiền là những lý do khiến nhiều startups không thích xác lập quyền sở hữu trí tuệ, kể cả các doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại Việt Nam.
Đây là nhận định của nhiều luật sư, nhà chuyên môn và chính đại diện Cục Công tác Phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Hội thảo Nhận diện Tài sản vô hình và Tài sản Trí tuệ trong doanh nghiệp khởi nghiệp mới diễn ra ở TPHCM.
Bất cẩn với sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể “khốn đốn”
Tài sản vô hình và tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp được cho là một trong những điểm ít được các startup quan tâm nhất. Với nhiều DN lớn và dày dạn kinh nghiệm thì chuyện đầu tư thích đáng cho sở hữu trí tuệ (SHTT) gần như là lẽ đương nhiên nhưng ở những DN non trẻ, vừa gia nhập thương trường, cuộc cạnh tranh sinh tồn khiến người ta mới chỉ có thể ăn bữa nào hay bữa đấy. Tuy vậy, cùng với xu thế của thời đại số, ý tưởng cho sự ra đời của rất nhiều startups hiện nay đều bắt nguồn từ các sáng chế, thiết kế, công nghệ, giải pháp kỹ thuật, mô hình kinh doanh… Và đấy là những tài sản vô hình rất dễ bị sao chép.
Theo PGS. TS. BS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), có những điển hình “cái nảy sảy cái ung” khiến không chỉ startup “khốn đốn” mà còn khiến các cơ quan chức năng cũng “đau đầu” lây. Chuyện xảy ra ở một startup đã được công nhận là DN khởi nghệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM là điển hình gần nhất. Với công nghệ tiên tiến, DN này đã được tham gia nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước, ngân hàng… Và ngay từ lúc ra đời, chủ DN chỉ nghĩ một cách đơn giản là đặt cho công ty một cái tên “hay hay”. Rồi cái tên ấy được gắn vào hồ sơ đăng ký kinh doanh, vào dự án vay vốn ngân hàng, vào các chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ nhà nước…
Hai năm sau khi hoạt động, startup này nhận được một yêu cầu từ Mỹ về việc phải đổi tên DN vì tên ấy đã được một DN khác đăng ký bảo hộ toàn cầu. Dù không có nhu cầu “sống chết” với cái tên “trót nhỡ” nhưng vì đây là nội dung đã vướng vào rất nhiều hồ sơ, giấy tờ, chương trình nên startup này cuối cùng phải chi cả triệu đô la thuê luật sư đàm phán để được sử dụng tên DN trong thời hạn 5 năm - quãng thời gian đủ để startup hoàn tất các dự án, khoản vay đang thực hiện.
Cũng theo nhà quản lý này, giá trị lớn nhất của một startup nằm ở nhà lãnh đạo, ý tưởng mới, giải pháp mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. “Nếu bạn không xác lập quyền SHTT với các tài sản ấy thì bạn chẳng có gì để nói chuyện với nhà đầu tư và khách hàng cả. SHTT mới chính là ‘nguồn vốn’ để bạn đi mặc cả với nhà đầu tư”.
Còn theo TS Đinh Minh Hiệp – Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM - có những trường hợp sau khi sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, ra lập startup rồi một thời gian sau mới đi đăng ký SHTT cho giải pháp tại khóa luận ấy. Lúc này, cơ quan đăng ký SHTT đã từ chối hồ sơ với lý do giải pháp từng được “trưng” ra trước một hội đồng và đã lưu trữ trong thư viện quá 6 tháng - tức đã vi phạm điều kiện cơ bản để đăng ký SHTT là “phải có tính mới”!
Cũng có trường hợp startup tương tự nhận được vi bằng do sơ suất của thẩm định viên tại cơ quan đăng ký SHTT nhưng nếu có bên thứ 3 đọc được nghiên cứu ấy ở thư viện và sản xuất sản phẩm từ sáng chế này thì họ vẫn có thể “kiện ngược” rằng “SHTT này đã được bộc lộ công khai trước khi được cấp vi bằng 6 tháng”, lúc ấy cơ quan chức năng vẫn phải thu lại bằng sáng chế.
Tất nhiên, theo cựu thẩm định viên Cục SHTT Trần Thị Hương – Giám đốc Công ty SHTT Rachel - cơ quan đăng ký SHTT cũng có những ngoại lệ để xem xét xác lập SHTT với các sản phẩm đã mang đến thuyết minh/công bố tại các cuộc thi dài hơi - hơn 6 tháng.
Không dễ
Hiện vẫn còn quá nhiều startups không thích xác lập quyền SHTT, kể cả các DN hoạt động lâu năm tại Việt Nam vì theo như nhận định của nhiều luật sư, nhà chuyên môn và chính đại diện Cục Công tác Phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì “thực sự là thủ tục đăng ký SHTT rất phức tạp, khó tiếp cận, khó hiểu, phải chờ đợi lâu và… tốn tiền!”.
Có ý tưởng hay rồi, có sáng chế tốt rồi nhưng cũng cần xác định hình thức, quy mô, phạm vi đăng ký SHTT nữa. “Nếu DN ‘ôm đồm’, lúc nào cũng muốn đăng ký bảo hộ toàn cầu cho…chắc thì sẽ chết tiền!”, PGS. TS. BS Phạm Xuân Đà nhận định thêm.
Ví dụ, đăng ký bảo hộ kiểu “bao vây” như DN sở hữu nhãn hiệu ổn áp Lioa lại là một điển hình tốn kém khác. Theo đó, DN này đã đăng ký hàng loạt tên nhãn hiệu tương tự hay “na ná” dù biết rằng chẳng khi nào dùng tới. Và hình thức đăng ký này được các nhà chuyên môn cho là không phù hợp với các startups non trẻ, tiềm lực tài chính hạn chế. Bởi kiểu đăng ký “đại gia” ấy còn đòi hỏi DN phải luôn có công ty luật chuyên nghiệp song hành để xử lý chuyện “hậu kỳ” với hàng giả, hàng nhái trên thị trường…
Một lý do khá phổ biến nữa khiến nhiều ông chủ DN “lắc đầu” với xác lập quyền SHTT, đó là quan ngại về rủi ro bị rò rỉ bí mật kinh doanh, giải pháp công nghệ khi phải trình bày nhiều nội dung mô tả chi tiết trong hồ sơ đăng ký với cơ quan SHTT.
Tất nhiên, các startups đã và đang kinh doanh tốt với các sản phẩm, công nghệ hiện tại cũng có thể tham khảo thêm một lựa chọn khác thay vì cứ “nhất nhất” phải đăng ký SHTT cho các tài sản vô hình. Bởi theo Điều 75, Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung quy định về nhãn hiệu nổi tiếng (chứng minh bằng doanh số bán hàng, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu, phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa lưu hành, uy tín rộng rãi của hàng hóa…) có thể cho phép sáng chế/nhãn hiệu/giải pháp của DN – dù chưa đăng ký SHTT – cũng có thể vượt qua phạm vi của rất nhiều rắc rối liên quan tới quyền SHTT. Và đây cũng là thông lệ được áp dụng phổ biến trên thế giới, với một điển hình DN Việt từng thắng kiện tại thị trường Trung Quốc là Vinamit. Tuy nhiên, DN này cũng đã rất vất vả trong cuộc đua giành lại thương hiệu Đức Thành sau nhiều năm tranh tụng tốn kém.
Vậy nên, các nhà sáng lập DN cũng chớ ngại phải “mài đít quần” ở những khóa đào tạo chuyên nghiệp về SHTT. Bởi so với những khốn đốn mà DN có thể phải đối mặt như các điển hình trên đây thì thời gian và công sức đổ ra sẽ hoàn toàn là xứng đáng.
- Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin hoặc các khóa tập huấn chuyên sâu liên quan tới SHTT tại các cơ quan như: Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP.HCM, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Cục Công tác Phía Nam – Bộ KHCN)…