Mã số N3003: Giáo dục trực tuyến ở Việt Nam - Thị trường tiềm năng
Bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, mô hình giáo dục trực tuyến xuất hiện và trở thành một xu thế phát triển tất yếu của các nước trên thế giới. Mặc dù là quốc gia đang phát triển song Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng này và là thị trường tiềm năng của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
E-learning - ngành công nghiệp sôi động của thế giới
Mô hình giáo dục trực tuyến (Online learning hay E-learning) xuất hiện đầu tiên trên thế giới tại Mỹ vào năm 1999, mở ra một môi trường học tập mới giúp người học có thể tương tác thông qua Internet trên các phương tiện truyền thông điện tử. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, khi các ứng dụng trên nền tảng di động và mạng xã hội (Facebook, Google Plus, Instagram...) phát triển, mang lại khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi cho người dùng thì xu thế E-learning mới thực sự lan tỏa trên toàn cầu. Đến nay, E-learning đã ghi tên mình vào bản đồ các ngành công nghiệp sôi động nhất thế giới.
Theo The Economist, số người tham gia học E-learning trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng từ khoảng 36 triệu người năm 2015 lên 60 triệu người năm 2016 và đạt gần 70 triệu người vào năm 2017. Số lượng người dùng không ngừng tăng lên đã kéo theo sự gia tăng về doanh thu của ngành công nghiệp này. Số liệu tại hội thảo quốc tế lần thứ 19 về “Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý - ITAM” tổ chức vào năm 2018 ở Việt Nam cho biết: Năm 2016, doanh thu lĩnh vực E-Learning trên toàn thế giới đạt con số khá ấn tượng là 51,5 tỷ USD. Sang năm 2017, thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu có bước phát triển nhảy vọt, đạt hơn 100 tỉ USD (kết quả nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường Global Industry Analysts).
E-learning hoạt động sôi động nhất tại Mỹ, quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Theo thống kê của Cyber Universities năm 2018, có hơn 80% trường đại học nước này sử dụng phương thức đào tạo E-learning. Tham gia thị trường giáo dục trực tuyến của Mỹ còn có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MOOC (Massive Online Open Coures - các khóa học trực tuyến quy mô lớn) nổi tiếng nhất, có thể được kể tên như Coursera, edX và Udacity… E-learning còn được coi như là một kênh đào tạo nhân viên hiệu quả khi có tới 77% công ty ở Mỹ đưa các khóa học E-learning vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân viên của mình.
Bên cạnh Mỹ, châu Á cũng là một thị trường cung cấp dịch vụ E-learning khá “nhộn nhịp”. Theo tờ University World News, tổng doanh thu đạt được trong lĩnh vực E-learning năm 2018 của khu vực này là khoảng 12,1 tỷ USD, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia dẫn đầu, chiếm tới 70% vốn đầu tư mạo hiểm và 30% tổng số người dùng giáo dục trực tuyến toàn thế giới.
Tại thị trường Trung Quốc, năm 2018, doanh thu của lĩnh vực E-learning lên tới 5,2 tỷ USD. Mặc dù nền kinh tế nước láng giềng có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2018 đến nay do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, song giới kinh tế nhận định E-learning vẫn rất phát triển, dường như để bù đắp cho sự thu hẹp của một số ngành sản xuất trong nước.
Tuy không đạt được doanh thu lớn như Trung Quốc song Ấn Độ cũng là quốc gia có E-learning phát triển với doanh thu 0,7 tỷ USD trong năm 2018. Nổi bật trên thị trường E-learning Ấn Độ là BYJU (một đơn vị khởi nghiệp cung cấp ứng dụng học trực tuyến cho đối tượng học sinh K-12) nhờ những ứng dụng học trực tuyến hấp dẫn đối với người dân nước này và nhiều quốc gia khác. Theo báo cáo của Tổ chức tài chính thế giới (IFC) năm 2018, tính từ thời điểm ra mắt tháng 10/2015 đến năm 2018, ứng dụng học trực tuyến của BYJU đã phủ đến hơn 1.700 thành phố tại Ấn Độ và các quốc gia tại Trung Đông với hơn 15 triệu lượt tải ứng dụng và gần 1 triệu người dùng trả phí hàng năm. Tính đến 3/2018, doanh thu của BYJU đã chạm mốc 85 triệu USD và thu hút hơn 245 triệu USD đầu tư kể từ năm 2016.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của E-learning là nhờ những ưu điểm mà ngành công nghiệp mới này mang lại. Đó là: Tính tương tác cao dựa trên đa phương tiện trong môi trường mạng, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin một cách dễ dàng hơn dù ở bất kỳ vị trí nào; Nội dung và thời gian học tập đa dạng và phong phú, phù hợp với khả năng, sở thích, nhu cầu của từng người.
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang là lực đẩy để E-learning tiếp tục tiến xa hơn trong tương lai và ước tính sẽ đạt 325 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2025, bởi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có sức ép lớn về dân số, kinh tế như Ấn Độ, Philippines, Mexico... coi E-learning như cơ hội để đuổi kịp và san bằng khoảng cách với các nước phát triển.
Việt Nam bắt nhịp cùng xu thế toàn cầu
Việt Nam được đánh giá là bắt kịp nhanh xu hướng thế giới bởi ở thời điểm năm 2010, khi E-learning bắt đầu trở thành một xu thế toàn cầu và lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới thì ngay sau đó những doanh nghiệp trong nước cũng có những bước đi khai phá đầu tiên, cho ra mắt một loạt các trang web học trực tuyến như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica, Onluyen.vn, Speakup.vn, Mathplay… Đến nay, E-learning đã trở thành một mô hình học tập thu hút lượng lớn người sử dụng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh với độ phủ đối tượng khá rộng, từ học sinh các cấp, sinh viên tới người đi làm. Hoạt động giáo dục trực tuyến tại Việt Nam cung cấp chủ yếu các nhóm dịch vụ là: Các khóa học ngoại ngữ; Các chương trình ôn thi/bài giảng kiến thức phổ thông (cấp 2, cấp 3) và khóa học kỹ năng. Nội dung các bài giảng E-learning khá phong phú, được thiết kế tích hợp dưới nhiều hình thức thể hiện khác nhau như video, clip, hiệu ứng âm thanh, hình ảnh minh họa sinh động… nhưng vẫn đảm bảo sự tương tác với giáo viên. Riêng với chương trình dành cho học sinh phổ thông các cấp, nhiều trang học trực tuyến cung cấp hệ thống dữ liệu hàng nghìn bài giảng được thiết kế bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một kênh học trực tuyến tên khá quen thuộc đối với người dùng Việt Nam có thể nói đến là hocmai.vn của Hệ thống Giáo dục hocmai.vn. Sau hơn 10 hoạt động, trang website hocmai.vn đã thu hút tới 3,5 triệu thành viên tham gia với trên 10.000 lượt truy cập và học tập đồng thời; cung cấp hơn 1.000 khóa học, 30.000 bài giảng mỗi năm của hơn 200 giáo viên trên các thiết bị máy tính, laptop, điện thoại… Theo số liệu 3 năm gần nhất của Hệ thống này, tỷ lệ người dùng đăng ký mới trên hệ thống học trực tuyến của đơn vị tăng gần 20% mỗi năm, trong đó, tỷ lệ người học trả phí tăng hơn 30%/năm. Điều này cho thấy xu hướng người dùng sử dụng E-learning tại hocmai.vn vẫn đang ngày một nhiều hơn.
Cùng với hocmai.vn thì Tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica cũng là một địa chỉ được hàng nghìn người dùng lựa chọn để học tập với các giải pháp giáo dục trực tuyến đa dạng như: Chương trình cử nhân trực tuyến (Topica Uni); Học tiếng Anh trực tuyến (Topica Native); Nền tảng công nghệ cho khóa học trực tuyến mở trên nhiều lĩnh vực (Edumall).
Đáng chú ý là E-learning không chỉ thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp mà còn là một xu hướng được ngành giáo dục Việt Nam lựa chọn. Cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai E-learning và thi trực tuyến trong nước như cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning” năm học 2009-2010 hay cuộc thi giải toán qua mạng tại website violympic.vn; cuộc thi Olympic tiếng Anh trên mạng xã hội Go - ioe.go.vn… Nhiều trường đại học trong nước cũng từng bước áp dụng mô hình E-learning bên cạnh phương pháp giáo dục truyền thống trong chương trình giáo dục. Ví dụ như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Bách Khoa (thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh… Ngoài ra, tại Việt Nam còn có sự xuất hiện của trường đại học chuyên đào tạo trực tuyến là FUNiX, một thành viên của hệ thống FPT Education.
Miếng bánh hấp dẫn của các nhà đầu tư
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển E-learning bởi có hơn 60% dân số sử dụng Internet, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, chi tiêu cho giáo dục chiếm 5,8% GDP và 20% tổng chi ngân sách (số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Do đó, E-learning không còn là sân chơi dành riêng cho những tên tuổi quen thuộc xuất hiện từ những ngày đầu phát triển mà còn thu hút sự tham gia của rất nhiều start-up Việt và các nguồn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Singapore. Thống kê đến hết năm 2016, Việt Nam đã có 309 dự án đầu tư vào E-learning với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD. Dòng vốn đầu tư vào thị trường được đánh giá là vẫn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Năm 2018 là năm đánh dấu nhiều thương vụ gọi vốn “khủng” trong lĩnh vực E-learning tại Việt Nam, trong đó phải kể tới thương vụ rót vốn của Tập đoàn Northstar Singapore vào Topica Edtech Group với khoản đầu tư lên tới 50 triệu USD vào cuối tháng 11/2018. Đây là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài thương vụ đình đám trên, vào tháng 4/2018, nền tảng đánh giá giáo dục và đặt chỗ khoá học trực tuyến Edu2Review cũng nhận được khoản rót vốn từ Quỹ Nest Tech của Singapore, đã giúp Edu2Review được nâng định giá lên con số vài triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Bước sang năm 2019, E-learning vẫn chứng minh là thị trường hấp dẫn khi tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư từ Ấn Độ và Trung Quốc. Cụ thể là vào đầu tháng 8/2019, quỹ đầu tư chuyên về mảng giáo dục có trụ sở tại Singapore và Ấn Độ - Kaizen Private Equity công bố rót 10 triệu USD vào Yola, một start-up cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh trực tuyến tại Việt Nam. Ngay sau đó, cuối tháng 8/2019, Everest Education, một công ty khởi nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục gọi vốn thành công 4 triệu USD (Series B) từ Quỹ đầu tư tư nhân Hendale Capital có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Nguồn vốn này được dùng để hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của các trung tâm đào tạo học thuật của công ty tại TP Hồ Chí Minh sử dụng phương pháp học tập tích hợp blended learning hòa trộn giữa cách học truyền thống trên lớp và cách học hiện đại E-learning (Mobile Learning và Internet Learning).
Sự góp mặt của các công ty trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến cho thị trường E-learning tại Việt Nam phát triển và đưa Việt Nam đứng trong top 10 các nước châu Á phát triển nhanh lĩnh vực này (theo thống kê của University World News, năm 2017). Cũng trong năm 2017, Ambient Insight đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất về học trực tuyến (với 44,3%), lớn hơn 4,9% so với Malaysia - một đất nước vốn đã có tốc độ tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực này.
Không chỉ sôi động trong nước, E-learning còn là lĩnh vực để nhiều start-up Việt Nam tạo dấu ấn trên thế giới. Điển hình là GotIt! vừa thành công với khoản đầu tư 12,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư Mỹ sau khi hoàn thành đợt gọi vốn lần trước với hơn 10 triệu USD. Ngoài ra, GotIt! cũng đã trở thành đối tác của Microsoft Office - phần mềm, ứng dụng văn phòng, máy chủ và dịch vụ hàng đầu của Microsoft được hàng tỷ người dùng khắp thế giới sử dụng. Sự hợp tác này đã nâng GotIt! lên một tầm cao mới.
Cùng với GotiIt!, Elsa Speak - ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh của Việt Nam đã vượt qua 1.000 đối thủ trên toàn thế giới, đạt giải nhất cuộc thi dành cho các start-up về giáo dục - SXSWedu Launch. Elsa Speak đã gọi được hơn 15 triệu USD qua vài vòng gọi vốn và hiện có hơn 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới, từng lọt vào top 5 các ứng dụng AI hàng đầu, cùng với các ứng dụng Cortana của Microsoft và Google Allo của Google…
Những rào cản
Mặc dù được đánh giá có tốc độ tăng trưởng khá nhanh so với các nước trong khu vực song giới kinh tế nhận định thị trường E-learning Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng bởi số trường đại học tổ chức đào tạo trực tuyến chưa nhiều và học viên theo học còn hạn chế. Hiện Việt Nam mới chỉ có duy nhất một trường đại học trực tuyến là FUNiX với lượng học viên tham gia còn hạn chế là 1.000 học viên.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được cho là các công ty giáo dục trực tuyến ở Việt Nam phát triển một cách tự phát dẫn đến thị trường E-learning Việt Nam mới chỉ phát triển về lượng mà thiếu yếu tố về chất, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Phần lớn các chương trình tại Việt Nam vẫn tập trung vào phần luyện thi đại học, luyện tiếng Anh hay các khóa học về kỹ năng mềm và cách làm của doanh nghiệp giống nhau, dẫn đến việc đi vào lối mòn dạy và học… Một điểm khác khiến các trang web học trực tuyến trở nên nhàm chán là thời gian cập nhật các bài giảng khá chậm, với tần suất 2 - 3 ngày 1 lần, thậm chí một số trang web có tần suất cập nhật lên đến hàng tuần hoặc cả tháng 1 tuần. Điều này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị cung cấp dịch vụ E-learning. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục trực tuyến đòi hỏi cơ sở dữ liệu lớn, an ninh mạng bảo mật, đường truyền tốc độ cao và đội ngũ hỗ trợ vận hành chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng các yêu cầu trên của các công ty trong nước là chưa cao, thiếu cả nguồn lực tài chính, công nghệ và đội ngũ kỹ thuật.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công nghệ thông tin sẽ được đưa vào tất cả cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng học tập trong tất cả các môn học và trang bị cho lớp trẻ đầy đủ các công cụ và kỹ năng cho kỷ nguyên thông tin. Đây là sự quyết tâm mạnh mẽ của ngành giáo dục Việt Nam trong việc mong muốn trang bị cho thế hệ trẻ khả năng để có thể bắt nhịp nhanh với xu thế trên thế giới, đồng thời mở cánh cửa lớn cho cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư phát triển mô hình đào tạo E-learning hơn nữa để khắc phục những vấn đề tồn tại, gia tăng sức hút với lượng lớn người dùng trên cả nước.