Mã số N3015: Sinh viên Võ Quang Nghĩa: “Say mê nghiên cứu khoa học không thì cũng chưa đủ!”
KHPTO - Võ Quang Nghĩa, sinh viên năm thứ 5 ngành y đa khoa, Khoa y (Đại học quốc gia TP.HCM) được xem là hiện tượng hiếm có khi là trường hợp đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại trong lịch sử cuộc thi Euréka do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức đã cùng đồng đội xuất sắc đoạt 2 giải nhất Eureka (năm 2020 ở lĩnh vực công nghệ Sinh - Y sinh và năm 2018 ở lĩnh vực Hành chính - Pháp lý).
Điều đáng ghi nhận ở cú đúp này là ở cả hai lần thi đạt giải nhất bạn đều phối hợp nghiên cứu cùng sinh viên khác trường và đạt thành tích cao nhất ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.
Là một sinh viên y khoa, ngoài học tập những kiến thức về sức khỏe, Quang Nghĩa còn rất có hứng thú với những lĩnh vực khác như pháp luật, kinh tế, lịch sử và khoa học dữ liệu. Có thể nói, Cái gì bạn cũng “nhúng” vào một chút nhưng khi cần là “có thể lấy ra đủ xài”, nói vui theo phong cách dí dỏm của Nghĩa.
Trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, là một sinh viên y khoa nên Nghĩa quyết không thể đứng ngoài lề. Đây là yếu tố đã thôi thúc Nghĩa và sinh viên Nguyễn Quang Đức, Trường đại học bách khoa - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn An Khương và PGS.TS Quản Thành Thơ (giảng viên Trường đại học bách khoa TP.HCM) bắt tay vào thực hiện đề tài BeCaked – Hệ thống sử dụng mạng thần kinh lai để mô hình hóa đại dịch Covid-19.
Đề tài đã sử dụng dữ liệu về số người nhiễm bệnh, hồi phục và tử vong từ những ngày trước đó để đưa vô mô hình trí tuệ nhân tạo, nhằm qua đó có thể dự đoán chính xác xu hướng phát triển của đại dịch Covid-19, có thể áp dụng cho từng khu vực và quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện tại đề tài đã đạt được những kết quả khá tốt để ứng dụng vào thực tiễn. Thời gian tới, nhằm hoàn thiện đề tài hơn, hai bạn sẽ tiến hành nâng cấp, cải tiến cao hơn như thêm vào các yếu tố tác động khác ảnh hưởng sự phát triển của đại dịch Covid-19 gồm mật độ dân số, thời tiết, luồng di cư… Điều này sẽ giúp cho mô hình trở nên hoàn thiện hơn nữa và dự đoán chính xác hơn.
Với những hiệu quả về mặt xã hội và tính cấp thiết, thời sự đã đem lại. Đề tài đã giành giải nhất tại cuộc thi Eureka 2020 lĩnh vực Công nghệ sinh – y sinh và đồng thời được chuyển giao cho Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện Nghĩa là thành viên trong đội tuyển sinh lý của khoa Y – Đại học quốc gia TP.HCM và đã được chọn tham dự Kỳ thi sinh lý quốc tế IMSPQ 16th vào năm 2018. Bên cạnh đó, bạn còn đạt giải nhất cuộc thi Tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản “Up to Up” năm 2019 do Hội sinh viên Đại học y dược TP.HCM tổ chức, cùng 2 giải nhất Eureka TP.HCM vào các năm 2018, 2020. Bên cạnh việc học, Nghĩa phân bổ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học rất nhiều. Có thể nói, khoa học như một phần đam mê và là kho tàng kiến thức khổng lồ mà Nghĩa mong muốn chinh phục, khám phá.
Nghĩa tâm sự, khi dành thời gian cho nghiên cứu, kiến thức và sự tập trung là cần thiết; nghiên cứu giúp cho bản thân em được học thêm nhiều kiến thức thú vị, góp phần xây dựng nên nền tảng để có thể phát triển trong tương lai và khi tập trung vào nghiên cứu thì sự say mê đến lúc nào không hay. Tuy nhiên, say mê chỉ là phụ, còn tập trung mới là yếu tố quyết định đến cách làm việc và kết quả. Những ý tưởng khoa học rất cần thiết, dù lớn dù nhỏ và nếu ý tưởng được thực hiện thì chính những người thực hiện đã đóng góp một phần trí tuệ, công sức cho xã hội, cho đất nước.
Hai năm trước, khi còn là chàng sinh viên năm 3 khoa y, Nghĩa đã mạnh dạn thử sức mình ở một lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên ngành đang theo học là Hành chính – Pháp lý. Nghĩa cùng nhóm các bạn sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật đã bắt tay vào thực hiện đề tài: “Xây dựng khung pháp lý cho người chết sinh con”.
Đề tài xuất phát từ cuộc sống có những bất trắc không mong muốn xảy đến và trên thực tế đã từng xảy ra trường hợp một phụ nữ ở Hà Nội sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất cách đó 3 năm và gặp trục trặc khá nhiều vấn đề pháp lý chưa được giải quyết. Thời điểm này, việc người chết sinh con đã làm dấy lên sự quan tâm của dư luận về nhiều vấn đề pháp lý, sinh học, thế nhưng các nhà quản lý vẫn loay hoay chưa tìm được hướng giải quyết xác đáng. Từ đây, nhóm đã bắt tay nghiên cứu nhằm làm rõ những vấn đề trên, vì thực tế tuy cũng có một số vụ việc tương tự đã xảy ra nhưng Việt Nam vẫn chưa có một cái nhìn khách quan cho vấn đề này từ góc độ pháp luật và y học.
Và từ công trình nghiên cứu của mình, nhóm đã đưa ra những kiến nghị cần thiết: Thứ nhất là thừa nhận quyền sinh con là một quyền con người cơ bản và như một hệ quả thừa nhận PMR (kỹ thuật cho phép người chết sinh con) một cách rõ ràng; Thứ hai là xây dựng, điều chỉnh các quy định bảo vệ quyền con người và quyền nhân thân của đứa trẻ và người mẹ (quyền tự định đoạt, quyền có nguồn gốc rõ ràng, quyền được hưởng thừa kế…); Thứ ba là tạo giải pháp mở cho PMR và những liệu pháp khác có tiềm năng ứng dụng trong tương lai.
Đề tài được hội đồng giám khảo đánh giá là mới mẻ, sáng tạo, cần thiết. Với các kiến nghị để cho phép người chết có thể sinh con, nhóm đã đề cao quyền nhân thân, quyền con người, điều này đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Không nằm ngoài dự đoán, Nghĩa cùng đồng đội đã xuất sắc đạt giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lĩnh vực Hành chính – Pháp lý vào năm đó. Với đề tài này, Nghĩa cũng vinh dự nhận được huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn.
Trước câu hỏi về sự “liều lĩnh” khi dấn thân thực hiện một đề tài không phải chuyên ngành đang học, liệu đó là bạn muốn thử thách bản thân, muốn chứng tỏ mình “đa tài, đa nghề” hay chỉ đơn giản chỉ là sự trải nghiệm tuổi trẻ. Nghĩa khiêm tốn cho biết, bạn cảm thấy được tham gia nghiên cứu với các đề tài ở lĩnh vực khác dù có liên quan đến y học ít hay nhiều thì đều rất thú vị. Nghĩa trân trọng từng giai đoạn và quá trình mình được cùng các đồng đội thảo luận, hợp tác để hoàn thành nghiên cứu đề tài. Chính khoảng thời gian gắn bó với nhau mới là món quà ý nghĩa nhất đối với Nghĩa vì nhờ được làm việc với thầy cô và các bạn ở lĩnh vực khác mà em đã có những cơ hội vô cùng quý giá để được nghiên cứu, được học tập những kiến thức vô cùng mới lạ và thú vị.
“Đơn cử như với đề tài luật thì mình sẽ được học thêm về kiến thức pháp luật và lý luận, còn với đề tài ứng dụng của trí tuệ nhân tạo thì giúp mình có thể học được nhiều về toán học, xác suất thống kê và khoa học dữ liệu mà đây lại vốn là lĩnh vực ưa thích của em”, Nghĩa cười tươi cho biết.
Một “cái được” khác là các đồng đội trong nhóm đều rất vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ nhau trên con đường xây dựng nghiên cứu. Ban đầu, Nghĩa cũng đắn đo suy nghĩ sợ khác ngành học thì chắc sẽ khó trao đổi hay phong cách làm việc khác nhau, rồi cái tôi của mỗi cá nhân… Bao nhiêu suy nghĩ cứ ngổn ngang trong đầu nhưng rồi mọi chuyện lại diễn ra khá đơn giản. Bắt tay vào cùng thực hiện đề tài, chỉ cần mọi người đều nhìn chung về một hướng, có mục tiêu giống nhau, thì việc hợp tác sẽ không là vấn đề gì cả. Đó là “cái được” tiếp theo mà Nghĩa thu nhận được và rất trân trọng, xem như một hành trang không thể thiếu trên bước đường học tập và nghiên cứu sau này của mình, nhất là ở những hoạt động cần sự phối hợp làm việc của tập thể.
Từ thực tế của bản thân, Nghĩa cho rằng, kiến thức là bao la, chúng ta không nên gói gọn bản thân của mình trong một khuôn khổ. Nếu có cơ hội được học tập, được mở rộng kiến thức thì hãy nắm bắt lấy nó và cũng đừng quá áp lực bản thân vào những thành tích mà cái cần nhất ở đây chính là quá trình tìm tòi, nghiên cứu và không ngừng sáng tạo.
Chút tâm tình gởi gắm đầu xuân dành cho các bạn có niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo như mình, Võ Quang Nghĩa hi vọng các bạn có thể giữ vững niềm đam mê và dũng cảm, kiên trì theo đuổi chúng đến cùng. Và trong đầu phải luôn tin rằng: “Mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng, quá trình nghiên cứu sẽ giúp chúng ta gặt hái được nhiều kiến thức để chuẩn bị cho tương lai”.
Link tham khảo: http://www.khoahocphothong.com.vn/khpto-57836.html
Ngày xuất bản: 25/01/2021
Thông tin
Tên tác giả: Tuyết Mai
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email: tuyetmaikhpt@gmail.com