Mã số N1039: Thiết bị sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời với công nghệ sấy động trục đứng

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Hiện nay, việc phơi sấy các sản phẩm nông nghiệp từ thủy sản, nông sản, trái cây, dược liệu, thực phẩm, … được thực hiện bằng các hình thức chủ yếu:

  • Phơi nắng tự nhiên: thời gian phơi kéo dài; phụ thuộc vào thời tiết thất thường; tiêu tốn nhiều nhân công và mặt bằng sản xuất; các sản phẩm đạt các yêu cầu cảm quan về màu sắc, mùi vị, …. Tuy nhiên, chất lượng các sản phẩm không đồng đều, gần như tất cả các sản phẩm phơi nắng đều nhiễm vi sinh, nấm mốc, nhiễm bụi bẩn, trứng ruồi, …nên không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Sấy bằng các lò sấy tĩnh vỉ ngang: thời gian sấy được rút ngắn; sản lượng sấy vượt trội; giảm tiêu tốn nhân công; hạn chế vấn đề nhiễm vi sinh. Tuy nhiên, về cảm quan thì sản phẩm sấy khó đạt được như phơi nắng, độ đồng đều của sản phẩm không đạt được do giải pháp sấy tĩnh. Bên cạnh đó, các lò sấy này tiêu tốn năng lượng rất nhiều (điện năng, nhiên liệu chất đốt), gây ô nhiễm môi trường. Một số sản phẩm sấy ở nhiệt độ cao mất dinh dưỡng, mất dược tính, mất cảm quan, …

  • Một số giải pháp sấy ứng dụng năng lượng mặt trời đã được nghiên cứu áp dụng trong thực tế, nhưng tất cả chọn giải pháp sấy tĩnh vỉ ngang nên không đạt được độ đồng đều của sản phẩm và không rút ngắn được thời gian sấy giúp tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó một số giải pháp sử dụng bẫy nhiệt mặt trời và hiệu ứng nhà kính trực tiếp, tuy nhiên chất lượng của vật liệu lấy sáng thấp nên hiệu quả gia nhiệt mặt trời không cao. Các giải pháp này không có sự linh hoạt trong điều khiển và giám sát các thông số sấy nên không đạt được tính đa năng, giảm hiệu quả sử dụng thiết bị.

Mục đích của giải pháp

Trên cơ sở nghiên cứu các giải pháp sấy khác nhau đã có mặt trên thị trường Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là các giải pháp sấy ứng dụng năng lượng mặt trời dưới dạng các nhà sấy tĩnh vỉ ngang, tác giả nhận thấy những nhược điểm của các giải pháp trên như: tiêu tốn nhiều năng lượng, làm suy giảm chất lượng sản phẩm sau sấy, tiêu tốn nhiều nhân công và mặt bằng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, … Các mục đích nghiên cứu đã đạt được của giải pháp sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời của tác giả như sau:

  • Sử dụng năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

  • Công nghệ sấy động (cho sản phẩm sấy chuyển động liên tục) giúp gia tăng độ đồng đều của sản phẩm sau sấy; gia tăng công suất sấy; rút ngắn thời gian sấy giúp tiết kiệm chi phí sấy.

  • Đảm bảo các sản phẩm sấy sạch sẽ, chất lượng đồng đều, không bị nhiễm bụi bẩn, trứng ruồi, các dòng vi sinh phổ biến, nấm mốc,…

  • Giữ được các dinh dưỡng thiết yếu, dược tính của dược liệu, cảm quan của các sản phẩm sau sấy nhờ sấy ở nhiệt độ trung bình thấp.

  • Tăng năng suất phơi sấy lên đến 2000% so với phơi nắng thông thường nhờ bố trí đến 20 tầng vỉ sấy trục đứng.

  • Rút ngắn thời gian phơi sấy trung bình 40% so với phơi nắng và có thể phơi sấy liên tục, không phụ thuộc thời tiết thất thường.

  • Giảm nhân công lao động nhờ vào qui trình tự động hóa.

  • Thiết bị sấy đa năng nhờ vào thiết kế vỉ sấy trục đứng và việc linh hoạt chọn bộ thông số sấy (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ giàn sấy, tốc độ gió, thời gian khử vi sinh,…), có thể sấy được nhiều loại sản phẩm khác nhau trên cùng một thiết bị sấy ban đầu.

  • Có thể điều khiển và giám sát thiết bị sấy từ xa thông qua nền tảng IoT.

Bản chất của giải pháp

Giải pháp dự thi là kết quả triển khai ứng dụng với nhiều cải tiến của đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM giao cho tác giả làm chủ nhiệm: “Ứng dụng năng lượng mặt trời trong việc phơi sấy cá sặc rằn tại Hợp tác xã thủy sản Tương Lai, ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP. HCM” năm 2017.

Giải pháp này sau đó được tác giả nghiên cứu cải tiến, tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP. HCM lần thứ 25 (2017-2018) và đoạt giải Khuyến khích. Sau đó đề tài tiếp tục được gửi đi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019) và tác giả đã vinh dự đoạt giải Nhất.

Tác giả đã tiếp tục nghiên cứu sáng chế giải pháp sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy trục đứng đa năng có thể sấy rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ tôm, cá, trái cây, nông sản, dược liệu, thực phẩm, bánh tráng, bún gạo, … Giải pháp sáng chế này đã đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay do Cục công tác phía Nam (bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cho lĩnh vực nông nghiệp của 7 tỉnh vùng Đông Nam Bộ năm 2019.

Giải pháp giải quyết vấn đề gì

Giải pháp công nghệ và thiết bị đã giải quyết hàng loạt vấn đề trong khâu chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, cụ thể như sau:

  • Ứng dụng năng lượng mặt trời, một nguồn năng lượng sạch, gần như vô tận, thân thiện môi trường, phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

  • Công nghệ sấy động (cho sản phẩm sấy chuyển động) giúp gia tăng độ đồng đều và chất lượng của sản phẩm sau sấy; rút ngắn thời gian sấy trung bình 40% so với phương pháp sấy tĩnh vỉ ngang.

  • Tiết kiệm năng lượng lên đến 90% so với sấy bơm nhiệt bằng điện tương ứng, không phát thải, góp phần bảo vệ môi trường.

  • Tăng công suất sấy từ 1500% đến 2000% so với phơi nắng (giàn sấy trục đứng có từ 15 đến 20 tầng vỉ sấy), tiết giảm mặt bằng xây dựng cơ bản.

  • Khử vi sinh và nấm mốc trên các sản phẩm sấy bằng công nghệ đèn cực tím dải C hoặc phun ozon khử khuẩn, kết hợp với buồng sấy kín, chống côn trùng và bụi bẩn xâm nhập nên đảm bảo tốt nhất các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Kiểm soát tự động các thông số sấy (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ giàn sấy, tốc độ gió, thời gian và thời điểm khử vi sinh, …) nên chất lượng sản phẩm sấy được nâng cao rõ rệt.

  • Qui trình sấy được tự động hóa hoàn toàn nên cắt giảm nhân công lên đến 80% so với phơi nắng truyền thống.

  • Thiết bị rất bền vững nhờ sử dụng vật liệu cao cấp; hiệu quả gia nhiệt mặt trời tốt nhất trên thị trường hiện nay; khấu hao thiết bị có thể kéo dài đến 15 năm.

  • Thiết bị rất đa năng, có thể sấy được rất nhiều sản phẩm khác nhau nhờ vào thiết kế vỉ sấy trục đứng và việc lựa chọn bộ thông số sấy tương ứng cho từng sản phẩm trên màn hình giao diện LCD.

  • Thiết bị cho phép tận dụng kinh nghiệm sản xuất của cơ sở để sấy thử nghiệm cho các sản phẩm khác nhau nhờ việc nhập các thông số sấy trên màn hình giao diện LCD.

Điểm mới và sáng tạo về mặt khoa học và công nghệ của giải pháp

Với công nghệ và thiết bị sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời - sử dụng hiệu ứng nhà kính và bẫy nhiệt mặt trời cho phơi sấy các loại nông sản, hải sản, dược liệu, thực phẩm, … có các điểm mới và sáng tạo về mặt khoa học và công nghệ như sau:

  • Công nghệ sấy động (sản phẩm sấy chuyển động liên tục) giúp sản phẩm khô rất đồng đều và rút ngắn thời gian sấy so với sấy tĩnh vỉ ngang.

  • Sử dụng năng lượng mặt trời dưới dạng hiệu ứng nhà kính trực tiếp và bẫy nhiệt mặt trời với vật liệu cao cấp nhất hiện nay là tấm polycarbonate đặc ruột, hiệu quả gia nhiệt tốt nhất trên thị trường.

  • Thiết kế từ 15 đến 20 tầng vỉ sấy trục đứng, giúp gia tăng sản lượng nhanh chóng trên một diện tích lắp đặt thiết bị rất nhỏ; giúp tiết kiệm chi phí mặt bằng và chi phí xây dựng cơ bản.

  • Tự động kiểm soát các thông số sấy (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ giàn sấy, tốc độ gió, thời gian khử vi sinh, …) giúp gia tăng chất lượng của sản phẩm sấy.

  • Thiết kế vỉ sấy trục đứng đa năng kết hợp với việc dễ dàng lựa chọn bộ thông số sấy trên màn hình giao diện LCD, cho phép thiết bị sấy được rất nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau.

  • Khử vi sinh và nấm mốc bằng công nghệ đèn cực tím dải C hoặc thiết bị phun ozon khử khuẩn, kết hợp với kết cấu buồng sấy kín lọc bụi, chống côn trùng xâm nhập nên sản phẩm sau sấy đạt tất cả các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Tiết kiệm năng lượng điện lên đến 90% nếu so sánh với thiết bị sấy bơm nhiệt tương ứng.

  • Tự động bù nhiệt bằng điện trở hoặc cắt giảm nhiệt độ trong buồng sấy trong điều kiện nắng quá to bằng bạt che, giúp quá trình sấy không bị gián đoạn; có thể sấy liên tục không phụ thuộc vào thời tiết thất thường.

  • Dễ dàng giám sát và điều khiển thiết bị sấy từ xa thông qua nền tảng IoT.

Hiệu quả đã đạt được của giải pháp

Hiệu quả kinh tế

Chỉ trong thời gian chưa đến 24 tháng triển khai thương mại hóa thiết bị và công nghệ trên thị trường, các hiệu quả kinh tế mà thiết bị và công nghệ mang lại là rất lớn, được các cơ sở sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá rất cao.

Các cơ sở triển khai thiết bị đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất: chi phí điện năng giảm xấp xỉ 90% so với sử dụng máy sấy bơm nhiệt bằng điện, chi phí nhân công giảm xấp xỉ 80% so với qui trình phơi nắng trước đây, chi phí mặt bằng xây dựng giảm tối thiểu vì không cần xây dựng nhà xưởng, sản lượng sấy vượt trội so với tất cả các giải pháp sấy đã có trước đây, … Trong khi đó, chất lượng của sản phẩm sau sấy được nâng cao rõ rệt: cảm quan của sản phẩm tương đương như phơi nắng, sản phẩm khô rất đồng đều, hầu hết các mẫu thủy sản và thực phẩm đều đạt tất cả các chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và đều đưa vào được các chuỗi tiêu thụ uy tín trong nước như SaiGonCoopMart, Bách Hóa Xanh, CoopExtra, …. Qua đó, lợi nhuận của các cơ sở sản xuất đã được nâng cao rõ rệt.

Với tính toán của chính các cơ sở sản xuất, chỉ với việc tiết giảm chi phí trả cho nhân công lao động, trung bình trong vòng 18 tháng sẽ thu hồi vốn đầu tư. Trong khi đó, vật liệu và thiết bị máy móc của buồng sấy rất cao cấp, tuổi thọ của thiết bị kéo dài trên 10 năm. Khấu hao thiết bị chỉ được tính trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đến 20% vòng đời sử dụng của thiết bị nên các lợi ích kinh tế mà cơ sở nhận được là không hề nhỏ.

Thiết bị vận hành không phụ thuộc vào thời tiết thất thường cũng như nhiên liệu chất đốt, giúp cơ sở sản xuất chủ động hoàn toàn trong kế hoạch sản xuất, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của cơ sở, đặc biệt là các cơ sở làm hàng xuất khẩu.

Ứng dụng thiết bị là khâu quan trọng trong công nghiệp chế biến sâu nông sản, góp phần xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, thủy sản Việt, giúp nông sản Việt thâm nhập được các chuỗi tiêu thụ uy tín cũng như các thị trường xuất khẩu khó tính.

Ứng dụng thiết bị giúp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ tham gia nền sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp như chiến lược của nhà nước đã đề ra.

Với thiết bị “made in Viet Nam”, người Việt làm chủ hoàn toàn công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ là chân kiềng quan trọng giúp xây dựng và phát triển nền công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, một lợi thế rất lớn của Việt Nam chúng ta.

Tác động đối với xã hội

Ứng dụng thiết bị và công nghệ sẽ tận dụng nguồn năng lượng mặt trời gần như vô tận của đất nước nhiệt đới như Việt Nam chúng ta, góp phần bảo vệ môi trường sống, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu mà Chính phủ đang khuyến khích.

Các sản phẩm sau sấy bằng thiết bị và công nghệ đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nhất, giải quyết bài toán nhức nhối lâu nay về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của người Việt.

Đối với lĩnh vực giáo dục (mà tác giả là một giảng viên đại học), thiết bị và công nghệ là công cụ giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp – dạy nghề cho các thế hệ học sinh, sinh viên rất hiệu quả hiện nay.

Trên khía cạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thiết bị và công nghệ của tác giả đã giúp truyền cảm hứng về đổi mới sáng tạo rất mạnh mẽ  cho xã hội.

Các triển vọng ứng dụng của giải pháp

Việt Nam là đất nước có những lợi thế rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Nhưng lâu nay, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đều xuất thô, giá trị gia tăng rất thấp. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bà con nông dân chúng ta không giàu lên được. Hiện nay nhu cầu chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là rất lớn, bao gồm nhu cầu sấy các loại thủy – hải sản, nông sản, trái cây, dược liệu, thực phẩm, … Thiết bị và công nghệ đã được thương mại hóa trên thị trường trong gần 2 năm qua, giúp cho các cơ sở sản xuất xây dựng và nâng tầm thương hiệu nông sản, thủy sản, không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa mà còn vươn đến các thị trường xuất khẩu khó tính. Tác giả rất lạc quan vì thiết bị và công nghệ đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các hộ nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các tập đoàn và thậm chí từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trong hơn một năm qua, tác giả đã ký kết và triển khai gần 20 hợp đồng lắp đặt thiết bị trên toàn quốc và nhận được sự quan tâm của một số đơn vị nước ngoài (từ Campuchia, Myanmar, Úc, …).

Thiết bị đã được ứng dụng để sấy các loại cá biển, cá nuôi (sấy khô hoàn toàn hoặc sấy một nắng), các loại tôm khô, bong bóng cá tra, tép (ruốc) tẩm gia vị, khô gà, trái cây sấy dẻo các loại, các loại dược liệu (khổ qua rừng, đinh lăng, …) trải đều từ miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Tác giả đã đăng ký độc quyền sáng chế cho thiết bị và công nghệ (với 04 đơn đăng ký đã được chấp nhận đơn, đang trong quá trình thẩm định nội dung), tiềm năng chuyển giao công nghệ để phát triển nền công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp hiện nay là rất lớn.

Các địa chỉ đã áp dụng giải pháp

Tại thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp đã được áp dụng tại các cơ sở sau:

1. Công ty chế biến thủy sản Lam Điền, khu phố Miễu Ba, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Thiết bị sấy động trục ngang sấy các loại khô cá một nắng: cá dứa, cá tra, cá lưỡi trâu, cá đù, cá chét, …với công suất 180 kg cá nguyên liệu mỗi mẻ sấy.

2. Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Thiết bị sấy động trục ngang sấy các loại cá dứa, cá tra, cá đù, cá rô phi, … một nắng. Công suất thiết bị là 300 kg cá dứa nguyên liệu mỗi mẻ sấy.

3. Hộ kinh doanh Châu Thị Mỹ Tiên, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Thiết bị sấy động trục đứng sấy các loại cá dứa, cá tra, cá đù một nắng và tôm khô. Công suất thiết kế 180 kg cá dứa nguyên liệu mỗi mẻ sấy.

4. Công ty chế biến thực phẩm Anh Tú, số 13 đường số 1 – MH4, ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, Tp Hồ Chí Minh. Thiết bị sấy động trục đứng sấy tép (ruốc) tẩm gia vị, khô bò, khô gà lá chanh, …với công suất 500 kg ruốc tẩm gia vị mỗi mẻ sấy.

Ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp công nghệ và thiết bị đã được triển khai cho nhiều địa phương khác nhau:

1. Thiết bị sấy động trục ngang sấy cá dứa, cá tra, cá đù, cá lưỡi trâu, cá sặc rằn, … một nắng, công suất 150 kg cá, triển khai tại công ty TNHH thương mại và dịch vụ Quý Phước, địa chỉ: 119 ấp Rạch Cát, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

2. Thiết bị sấy động trục ngang, sấy các loại cá (cá đù, cá lưỡi trâu, cá thu, cá ngừ, cá mối) một nắng công suất 250 kg cá thành phẩm mỗi mẻ sấy với Công ty Satra Thái Sơn, triển khai thiết bị tại nhà máy Việt Hiếu Nghĩa, khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

3. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy chuối dẻo nguyên trái, công suất 100 kg chuối dẻo mỗi mẻ sấy với công ty Mỹ Anh Khe Sanh, triển khai thiết bị tại nhà máy đặt tại Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

4. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy tôm khô thiên nhiên, công suất 1 tấn tôm nguyên liệu mỗi mẻ sấy, cơ sở sản xuất tôm khô Minh Đức, ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

5. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy tôm một nắng, công suất 250 kg tôm nguyên liệu mỗi mẻ sấy, triển khai tại Hợp tác xã phát triển tôm công nghệ cao Bạc Liêu, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu.

6. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy khô cá đù một nắng, công suất 300 kg cá nguyên liệu, triển khai tại ấp Phước Long, xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

7. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy khô cá một nắng các loại, công suất 150 kg cá nguyên liệu, triển khai tại ấp Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

8. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy khô cá phi lê ghép miếng, công suất 650 kg cá nguyên liệu, triển khai tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

9. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy khô cá đù, cá nục, cá trích, …một nắng, tôm khô, công suất 150 kg cá nguyên liệu, triển khai tại tổ 5, thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

10. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy khô cá tra phồng, công suất 180 kg cá nguyên liệu, triển khai tại xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

11. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy khổ qua rừng và đinh lăng, công suất 500 kg sản phẩm, triển khai tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

12. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy cá mối khô, công suất 4 tấn cá nguyên liệu mỗi mẻ sấy, triển khai tại Công ty chế biến XNK thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu (Baseafood), nhà máy đặt tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

13. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy bong bóng cá tra, công suất 1500 kg nguyên liệu (đặt tại số 2117, quốc lộ 80, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) và công suất 2250 kg nguyên liệu (đặt tại ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ).

14. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy tôm thẻ khô lột vỏ, công suất 500 kg tôm nguyên liệu, lắp đặt tại Hợp tác xã Vương Đoàn, ấp Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

15. Thiết bị sấy động trục đứng, sấy cá cơm khô đã hấp chín, công suất 900 kg nguyên liệu, lắp đặt tại Hợp tác xã đánh bắt xa bờ Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Hình ảnh thiết bị triển khai thực tế

Hình 1. Giàn sấy động trục đứng sấy cá mối tại Lộc An, Đất Đỏ, BRVT.

Hình 1. Giàn sấy động trục đứng sấy cá mối tại Lộc An, Đất Đỏ, BRVT.

 Hình 2. Giàn sấy động trục đứng sấy cá tại Long Điền, BRVT.

 Hình 2. Giàn sấy động trục đứng sấy cá tại Long Điền, BRVT.

 

 Hình 3. Giàn sấy động trục đứng sấy tôm đất thiên nhiên tại Đầm Dơi, Cà Mau.

 Hình 3. Giàn sấy động trục đứng sấy tôm đất thiên nhiên tại Đầm Dơi, Cà Mau.

 

Hình 4. Giàn sấy động trục đứng sấy bong bóng cá tra tại Vĩnh Thạnh, Cần Thơ.

Hình 4. Giàn sấy động trục đứng sấy bong bóng cá tra tại Vĩnh Thạnh, Cần Thơ.

Các giải thưởng, hoạt động truyền thông và hoạt động sổ hữu trí tuệ

Các giải thưởng đã đạt được

Hình 5. Giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh lần thứ 25.

Hình 5. Giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Tp Hồ Chí Minh lần thứ 25.

Hình 6. Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay khu vực Đông Nam Bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức).

Hình 6. Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay khu vực Đông Nam Bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức).

Hình 7. Giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15.

Hình 7. Giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15.

Hình 8. Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hình 8. Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

Hình 9. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích ứng dụng xuất sắc đề tài đoạt giải vào sản xuất và đời sống.

Hình 9. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì thành tích ứng dụng xuất sắc đề tài đoạt giải vào sản xuất và đời sống.

Hoạt động truyền thông

Hình 10. Bằng khen Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39.

Hình 10. Bằng khen Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 39.

Phóng sự truyền hình của đài truyền hình Bình Dương BTV2.

 

Đăng ký độc quyền sáng chế

Hình 11. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Hệ thống thiết bị sấy và phương pháp sấy thực phẩm/dược liệu ứng dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính”.

Hình 11. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Hệ thống thiết bị sấy và phương pháp sấy thực phẩm/dược liệu ứng dụng nguyên lý hiệu ứng nhà kính”.

Hình 12. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Thiết bị sấy thực phẩm/dược liệu trục ngang ứng dụng hiệu ứng nhà kính và phương pháp sấy thực phẩm/dược liệu sử dụng thiết bị này”

Hình 12. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Thiết bị sấy thực phẩm/dược liệu trục ngang ứng dụng hiệu ứng nhà kính và phương pháp sấy thực phẩm/dược liệu sử dụng thiết bị này”



Hình 13. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Thiết bị sấy bánh tráng trục đứng ứng dụng hiệu ứng nhà kính và phương pháp sấy bánh tráng sử dụng thiết bị này”

Hình 13. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Thiết bị sấy bánh tráng trục đứng ứng dụng hiệu ứng nhà kính và phương pháp sấy bánh tráng sử dụng thiết bị này”



Hình 14. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Thiết bị sấy thực phẩm/dược liệu trục đứng ứng dụng hiệu ứng nhà kính và phương pháp sấy thực phẩm/dược liệu sử dụng thiết bị này”.

Hình 14. Công báo Sở hữu công nghiệp về đăng ký độc quyền sáng chế “Thiết bị sấy thực phẩm/dược liệu trục đứng ứng dụng hiệu ứng nhà kính và phương pháp sấy thực phẩm/dược liệu sử dụng thiết bị này”.

Thông tin

Tên Công ty: CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ THÔNG MINH ITS

Địa chỉ: 292/42/6 Bà Hạt, P. 9, Q. 10, TP.HCM

Email: Phanvanhiep@gmail.com