Mã số N3051: Làm máy nông nghiệp, phải là bạn của nhà nông
Vừa ngồi xuống ghế, thầy Hiệp hồ hởi: “Sáng nay tôi mới từ Quảng Trị về Sài Gòn. Mấy bữa rồi tôi lắp thiết bị ở ngoài đó, ông chủ cơ sở mê thiết bị của tôi lắm, sắp tới sẽ còn lắp thêm nữa”.
Chuyện sấy cá
Thiết bị mà Thạc sĩ Phan Văn Hiệp (sinh năm 1977, hiện là Giảng viên trường Đại học Văn Hiến) đề cập đến chính là những chiếc máy sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với nguyên lý hiệu ứng nhà kính do thầy sáng chế.
Kể về “sự tích” ra đời của nó, thầy Hiệp cho biết, năm 2017, thầy cùng nhóm cộng sự ở Trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM) được “đặt hàng” thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sáng chế ra thiết bị sấy cá sặc rằn. Trước khi bắt tay vào làm, thầy đã cất công đi khảo sát, tìm hiểu thực tế cũng như nghiên cứu những công nghệ đã có. Thầy nhớ lại, lúc đi về địa phương, thấy người dân vẫn còn phơi cá sặc rằn ở ngoài nắng tự nhiên, mà phải phơi những 4 nắng thì cá mới ngon, vừa mất thời gian, vừa tốn công lại… không được sạch. Cũng có một số nơi hiện đại hơn khi dùng lò sấy công nghiệp, nhưng nhược điểm của nó là cá sấy xong bị cứng đơ như đá, mất hết dinh dưỡng, hương vị. Lúc đó, các thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời đã khá phổ biến, nhưng còn nhiều nhược điểm.
Thấy công nghệ sấy tĩnh không hiệu quả, thầy Hiệp chuyển sang công nghệ sấy động, tức để sản phẩm chuyển động liên tục trong khi sấy. Đồng thời sử dụng giải pháp cân bằng tải, lắp đặt hệ thống đảo khí, hút khí tự động để tiết kiệm điện năng và xử lý vi sinh bằng đèn cực tím. Khi đưa vào vận hành, thiết bị sấy cá ứng dụng năng lượng mặt trời này đạt kết quả rất tốt. Không chỉ giảm chi phí điện, nhân công, mà sản lượng phơi sấy tăng lên gấp 3 lần so với phơi tự nhiên, chất lượng ngon và sạch hơn hẳn.
Chiếc máy đa năng
Thành công với cá sặc, thầy Hiệp tiếp tục nghiên cứu cải tiến để thiết bị có thể áp dụng với nhiều loại nông sản khác. “Đối với sản phẩm tôm, phải tăng nhiệt độ sấy lên đến 60oC, thế là tôi bổ sung thêm cơ cấu “bẫy nhiệt mặt trời”. Ánh sáng mặt trời chiếu qua lớp kính polycarbonate đặc ruột, gặp tấm tôn sơn màu đen mờ (có tác dụng hấp thụ nhiệt tối ưu) được uốn lượn sóng (để tăng diện tích tiếp xúc) sẽ đốt nóng luồng không khí đã được lọc sạch bụi để đi vào buồng sấy. Giải pháp này kết hợp với nguyên lý hiệu ứng nhà kính đã giúp tăng nhiệt độ sấy lên đến mốc 650C. Khi nhiệt độ đạt mốc như mong muốn hay khi trời mưa, tấm bạt che cũng sẽ tự động dàn ra che buồng sấy lại. Trong trường hợp nhiệt độ trong buồng sấy giảm xuống dưới ngưỡng cài đặt, các điện trở sẽ được tự động cấp điện để bù nhiệt cho buồng sấy. Thế nên không sợ thiết bị phải ngừng hoạt động vào ban đêm”, thầy Hiệp giải thích.
Qua nhiều lần nghiên cứu hoàn thiện, đến nay, thiết bị này có thể sấy được hầu hết các loại sản phẩm như cá, tôm, thịt các loại, trái cây, dược liệu... Đặc biệt, thiết bị sấy động trục đứng của thầy Hiệp có thể dùng để sấy bánh tráng - loại sản phẩm khó chiều nhất. “Bánh tráng rất mỏng, sấy lên lại dòn nên khó sấy lắm, để tạo ra thiết bị sấy bánh tráng tôi phải mất đến 6 tháng đấy!”, thầy Hiệp bộc bạch.
Làm bạn với nông dân
Với phương châm “muốn nghiên cứu là phải tiếp xúc với thực tế”, thầy Hiệp rất siêng đi. “Người nào lần đầu tiên gặp sẽ không nghĩ tôi là giảng viên đại học đâu” – thầy Hiệp nói vui. “Khi đứng lớp thì áo sơ mi này kia chứ mỗi lần đi xuống cơ sở là lúc nào cũng áo thun, quần bò, mũ tai bèo để sẵn sàng xông pha”. Rồi thầy kể, có hôm đi xe máy, tối về nhìn đồng hồ thấy mình chạy được hơn 150 cây số, giật cả mình. Đợt làm dự án với cơ sở ở Cần Giờ, ngày nào thầy cũng chạy xuống đó, riết rồi đi Cần Giờ như đi chợ. Lại có đợt 6 tháng liền ăn nằm với nông dân ở Củ Chi, ban đêm ngủ mà cứ 30 phút lại dậy chạy ra ghi nhận các thông số từ thiết bị sấy.
Thầy Hiệp chia sẻ, khi tiếp xúc với nông dân mới thấy nông dân mình hay lắm, thâm niên sản xuất cả ngàn đời nay rồi nên người ta kinh nghiệm đầy mình. Thế nhưng mình phải gần gũi với họ, tạo được sự tin cậy thì họ mới mở lòng để chia sẻ kinh nghiệm cũng như nói hết ra những trăn trở, những mong muốn của họ. “Làm bạn được với nông dân chính là một trong những thắng lợi của tôi” – thầy Hiệp nói với vẻ đầy tự hào. Một trong những điểm nổi bật của thiết bị sấy do thầy Hiệp chế tạo là tất cả các thông số sấy đều cho phép người dùng tùy ý cài đặt. Chia sẻ về tính năng này, thầy Hiệp cho biết nó xuất phát từ suy nghĩ mình phải tôn trọng kinh nghiệm sản xuất của người nông dân. Bởi vì người nông dân đã làm bao nhiêu năm nay, họ có những bí quyết riêng, kinh nghiệm riêng, không ai giống ai. Có thể với cùng một loại cá nhưng mỗi người lại có kinh nghiệm sấy khác nhau để tạo ra được hương vị đặc trưng. “Tôi chỉ tạo ra phương tiện để người nông dân phát huy tối đa kinh nghiệm của họ”. Với thầy Hiệp, đây được xem là giá trị nhân văn mà thầy có thể mang đến cho những người nông dân.
Bên cạnh đó, thầy cũng mong muốn rằng thiết bị sấy này sẽ góp phần cải thiện khâu bảo quản sau thu hoạch của ngành nông nghiệp, từ đó từng bước nâng tầm thương hiệu nông sản Việt, cũng là nâng cao thu nhập cho nông dân. “Đừng nghĩ nông dân vẫn chỉ quen với cách canh tác truyền thống, có đi rồi mới biết, nông dân bây giờ hào hứng với các công nghệ mới lắm!” – Thầy Hiệp khẳng định chắc nịch.
Từ đầu năm 2019, thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời do thầy Hiệp sáng chế đã được thương mại hóa trên thị trường và được đánh giá rất cao. Đến nay, các thiết bị này đã được ứng dụng ở nhiều địa phương với nhiều loại sản phẩm khác nhau như sản phẩm cá tại Củ Chi, Cần Giờ (TP.HCM); Cần Giuộc, Cần Đước (Long An); Cầu Ngang (Trà Vinh); Rạch Giá (Kiên Giang); tôm tại Đầm Dơi (Trà Vinh); ớt tại Bình Thuận; chuối, mắc ca, dược liệu tại Khe Sanh (Quảng Trị); trái cây, khô gà tại Gia Lai… Trong thời gian tới, thầy Hiệp sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt loại máy có kích thước nhỏ để đáp ứng nhu cầu của các hộ nông dân.
“Làm nghiên cứu cũng phải có đam mê thì mới thành công được! Tôi mê nông nghiệp nên dù là Thạc sĩ chuyên ngành Điện – Điện tử, ra trường làm giảng viên nhưng rồi cũng gắn sự nghiệp nghiên cứu của mình với nông nghiệp. Tất cả những kiến thức tôi có được là do đam mê nên tự tìm tòi nghiên cứu lấy”, thầy Phan Văn Hiệp chia sẻ.
Link tham khảo: http://nongthonviet.com.vn/guong-mat/nhan-vat/202002/lam-may-nong-nghiep-phai-la-ban-cua-nha-nong-755564/
Ngày xuất bản: 15/06/2021
Thông tin
Tác giả: ĐẶNG THÙY
Tạp chí Nông thôn Việt