Mã số N3064: Khởi nghiệp Nông nghiệp phải chấp nhận thành công đến chậm

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Mặc dù khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải chấp nhận sự thành công đến chậm hơn nhiều lĩnh vực khác, nhưng đây là xu hướng đúng đắn và nhiều tiềm năng.

Năm 2020 dù tình hình kinh tế gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cả năm vẫn đạt kỷ lục mới với 41,2 tỷ đô la Mỹ.

Đóng góp chung cho kết quả này không thể không nhắc đến vai trò của các dự án khởi nghiệp. Mặc dù khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phải chấp nhận sự thành công đến chậm hơn nhiều lĩnh vực khác, nhưng đây là xu hướng đúng đắn và nhiều tiềm năng cho các bạn trẻ.

Phóng viên VOH phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xung quanh vấn đề này.

* VOH: Thời gian qua phong trào khởi nghiệp đang lan rộng trên cả nước và ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Ông phân tích tổng quan về tình hình khởi nghiệp nông nghiệp trong thời gian qua?

- Tiến sĩ Trần Công Thắng: Thực tế nhiều quốc gia cho thấy, khởi nghiệp - đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt  đưa đến sự phát triển kinh tế và đột phá của quốc gia. Đất nước được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp và cũng là tấm gương cho nhiều quốc gia noi theo là Israel.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng nhìn nhận phong trào khởi nghiệp là một trong những động lực, một trong những yếu tố giúp thúc đẩy sự phát triển của đất nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Từ những năm 2003, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã bắt đầu những cuộc thi về khởi nghiệp cho thanh niên và phát triển các chương trình khởi nghiệp quốc gia. Tiếp sau đó là một loạt những phong trào chính sách giúp đỡ hỗ trợ khởi nghiệp.

Như năm 2016 Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra thông điệp về khởi nghiệp quốc gia. Sau đó, rất nhiều những chính sách đề án hỗ trợ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp.

Hiện nay, cũng có nhiều chương trình những phong trào rất tốt ngay từ đại học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có những câu lạc bộ về khởi nghiệp trong nông nghiệp. Đó là giúp cho những sinh viên mới ra trường có thể tự khởi nghiệp, nắm bắt được những thông tin đã đưa vào và hình thành những trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Trong nông nghiệp, Việt Nam là quốc gia có lợi thế. Chúng ta có những điều kiện rất tốt, có thị trường lớn để hỗ trợ cho sinh viên hay những nhà khởi nghiệp nông nghiệp. Trước kia chúng ta chỉ tập trung vào câu chuyện sản xuất, kinh doanh, nhưng hiện nay khởi nghiệp trong nông nghiệp có nhiều lĩnh vực đa dạng.

Chính vì thế, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp rất tốt, sôi động. Câu lạc bộ khởi nghiệp trong nông nghiệp có tới hàng trăm ngàn hội viên. Nhiều nhà đầu tư kể cả những nhà đầu tư mới hay những nhà đầu tư trước đây chưa quan tâm lĩnh vực nông nghiệp thì nay họ cũng nhảy sang khởi nghiệp trong nông nghiệp. Chính vì thế phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp gần đây rất sôi động.        

* VOH: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn cũng đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này tác động như thế nào đối với sự phát triển ngành nông nghiệp cũng như phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp?

- Tiến sĩ Trần Công Thắng: Đúng là xu hướng hiện nay có rất nhiều tập đoàn lớn chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì họ nhìn thấy thị trường, tiềm năng rất lớn của ngành.

Nhìn chung cho thấy đã có được nhiều thành tựu, song số lượng doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn hiện nay vẫn còn khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp mang tính chất vừa sản xuất vừa kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây tăng lên rất nhiều nhưng những doanh nghiệp này cũng chưa chứng tỏ, chưa nói hết được sự tham gia của các doanh nghiệp nói chung vào trong ngành nông nghiệp. Tại vì đây là những doanh nghiệp mang tính chất sản xuất, còn những mảng chung liên quan bảo vệ thực vật, sản xuất chế biến thì chưa có.

Gần đây có rất nhiều doanh nghiệp tập đoàn đầu tư nông nghiệp và không chỉ đầu tư vào quá trình sản xuất mà cả chế biến, đầu tư vùng nguyên liệu, cả công nghệ mới vào. Đây là những tín hiệu rất tốt. Một số tập đoàn lớn có thể thấy như TH True Milk, VinEco, Vinamilk, hay một loạt những doanh nghiệp khác như Trường Hải, FPT, Hoà Phát hay Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào nông nghiệp với lượng vốn bỏ vào rất mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư cả vào lĩnh vực chế biến ví dụ Navico, các công ty đầu tư vào lĩnh vực rau quả, lĩnh vực nông nghiệp...

Hiện nay những doanh nghiệp nước ngoài họ đầu tư rất mạnh vào các lĩnh vực mới mà trước đây chúng ta nghĩ rằng rất khó, ví dụ lĩnh vực lúa gạo, họ đầu tư cả vùng nguyên liệu, họ kết nối xây dựng vùng nguyên liệu... Tất cả những điều này cho thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp rất lớn.

Đây là một chủ trương, một định hướng rất lớn, họ được xem là những doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi giá trị. Song song với tiềm lực lớn này, có thể họ sẽ kéo theo, tạo điều kiện thêm cho các doanh nghiệp đang khởi nghiệp, để chúng ta kết nối vào chuỗi liên kết lớn. Đây là một trong những điểm tốt, chúng ta thấy thị trường đầu tư vào khởi nghiệp sẽ rộng hơn, cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để kết nối với các tập đoàn lớn này hay hỗ trợ, bổ trợ xung quanh cũng có thể rộng hơn.              

* VOH: Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp nông nghiệp còn khó hơn gấp nhiều lần. Theo ông để một startup nông nghiệp tồn tại và phát triển cần có những yếu tố nào?

- Tiến sĩ Trần Công Thắng: Câu hỏi rất dễ nhưng cũng rất khó. Có rất nhiều những bài học rõ ràng về thất bại hay thành công về khởi nghiệp nông nghiệp đã được chia sẻ. Theo tôi, để một startup thành công trong nông nghiệp, trước hết họ phải biết chấp nhận sự thành công sẽ đến chậm hơn với khởi nghiệp trong công nghiệp và một số ngành hàng khác. Cái rủi ro cũng cao hơn so với những ngành khác.

Những bài học trong nông nghiệp cũng rất khác nhau, rất khó để áp dụng trong trường hợp nhân rộng. Vì đối với mỗi trường hợp trong nông nghiệp đều có những đặc thù riêng. Bên cạnh đó, khởi nghiệp trong nông nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần có sự đam mê. Sự đam mê này không chỉ là câu chuyện về kinh doanh kiếm tiền mà phải đam mê với cây con với đồng ruộng và đặc biệt phải có sự cảm thông với đối tác của họ, đó chính là người nông dân.

Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi khi bắt tay vào làm phải có kiến thức, nhưng kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp gồm cả kiến thức thương mại, kiến thức môi trường, kiến thức cả những vấn đề liên quan việc sản xuất như kinh nghiệm làm việc với nông dân, về cộng đồng... Những điều này rất tốt cho bạn khi khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một yêu cầu quan trọng, cơ bản khi bạn chọn quy trình sản xuất và kinh doanh nông sản là phải đặt chất lượng nông sản lên hàng đầu. Lúc bấy giờ bạn mới thành công được.

Khởi nghiệp nông nghiệp hiện cũng tương đối nhiều, để thành công bạn luôn cần có hướng đi mới, hướng đi sáng tạo so với hiện tại. Ngoài ra, câu chuyện về vốn cũng rất quan trọng, bởi rủi ro trong nông nghiệp là rất lớn. Bạn luôn phải có nguồn vốn và sự phòng ngừa rủi ro. Khi xảy ra những kiến thức liên quan quản trị, thương trường trong nông nghiệp đặc biệt quản trị theo chuỗi, kỹ năng nghiên cứu thị trường cũng rất quan trọng.

Gần đây mọi người thường nói công nghệ 4.0, nếu có thể áp dụng các công nghệ 4.0 để giảm chi phí, tăng hiệu quả cũng là kỹ năng, giải pháp rất cần thiết.                

* VOH: Cám ơn ông!


Link tham khảo:https://radio.voh.com.vn/audio/khoi-nghiep-nong-nghiep-phai-chap-nhan-thanh-cong-den-cham-thoi-su-05g30-29-12-2020-389385.html

Ngày xuất bản: 29/12/2020

Thông tin

Tên tác giả: PHAN NHUNG

VOH

Website: radio.voh.com.vn

Đơn vị tài trợ