Mã số N3076: Khởi nghiệp từ văn hóa
“Đừng quá áp lực về tiền nhưng phải nhìn được đầu ra của sản phẩm để tạo hướng đi là điều cần nhất đối với các dự án khởi nghiệp trẻ. Khi đủ đam mê, tỉnh táo quan sát thị trường và làm “tới nơi tới chốn”, con đường thành công sẽ không quá xa xôi”. Đó là lời khuyên mà nhiều diễn giả tham gia tọa đàm “Khởi nghiệp từ văn hóa và điện ảnh” do dự án “Chuyến tàu mùa thu” thuộc tổ chức Book & Friend tổ chức.
Lợi nhuận chưa phải là trên hết
Từ một trang fanpage lập ra để chia sẻ những điều yêu thích, đến nay “Ngày ngày viết chữ” của bạn trẻ Nguyễn Thị Thùy Dung đã có hơn 84.000 lượt theo dõi. Với những bài viết phi lợi nhuận được đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, trình bày mỗi ngày mang tính thuyết phục cao và cả sự thú vị trong từng câu chữ, cách diễn giải, Dung đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hiện tại, các lớp học về tiếng Việt do Dung thực hiện mang về nguồn thu trên dưới 60 triệu đồng/tháng, gấp bốn lần tiền lương của công việc copywriter mà bạn trẻ này gắn bó trước kia. Biết được sức hút của sản phẩm giáo dục văn hóa do mình tạo ra và luôn làm mới cách tiếp cận, thể hiện là cách Dung hình thành sự hấp dẫn trong mỗi bài đăng, khóa học. Điều này dễ dàng nhận ra vì chỉ sau hơn 10 phút mở form đăng ký khóa học cho người có nhu cầu đăng ký, lớp của Dung đã trong tình trạng đầy học viên. “Theo tôi, nếu chúng ta làm văn hóa hay giáo dục mà làm đến nơi đến chốn sẽ không lo đói. Cứ làm hết mình bằng tất cả đam mê rồi sẽ đến ngày đạt được kết quả. Vấn đề là hiểu được nhu cầu của thị trường”, Nguyễn Thị Thùy Dung chia sẻ.
Không chỉ được cộng đồng mạng chú ý với trang fanpage “Việt Nam - Con đường lịch sử” chuyên tổ chức các hoạt động, chương trình du lịch về lịch sử, thời gian gần đây, chị Phạm Nguyệt Minh còn tạo được tiếng vang thông qua dự án “Cờ lịch sử”. Bằng hình thức chơi tương tự cờ tỷ phú nhưng cờ lịch sử giúp người chơi thu thập thông tin về các niên đại lịch sử trên từng ô di chuyển cùng các câu hỏi thú vị. Chị Minh cho biết, để sản phẩm văn hóa của mình được đón nhận như ngày hôm nay là cả một quá trình đầu tư từ trước: “Tôi tổ chức các tour du lịch tìm hiểu lịch sử cho trẻ và gia đình không vì lợi nhuận để kết nối, chia sẻ cùng mọi người. Đây là cách tôi khơi gợi sự hứng thú với đề tài lịch sử trong cộng đồng. Khởi nghiệp bằng văn hóa không thể cứ làm nhanh, thắng nhanh được mà phải có quá trình. Trong đó, niềm đam mê đóng vai trò vô cùng quan trọng”.
Cần thêm đầu ra
Thành công với các phim điện ảnh “Lô tô”, “Ngôi nhà bươm bướm” và mới đây là dự án web drama (phim chiếu mạng) “Phượng Khấu”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh được nhiều bạn trẻ hâm mộ vì cách làm việc đầy nhiệt huyết và góc nhìn văn hóa - nghệ thuật đậm chất riêng. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, khởi nghiệp bằng điện ảnh không quá khó vì đây là loại hình giải trí dễ tiếp cận nhất. Người ta dễ dàng bỏ tiền để mua vé đến rạp xem phim miễn tác phẩm đó đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của họ. “Vấn đề là người làm phim hay các dự án văn hóa phải trình bày được tính sản phẩm, thương phẩm trong mỗi tác phẩm của mình. Trước khi bắt đầu khởi nghiệp văn hóa, chúng ta phải tính cho được đầu ra, phân tích kỹ dự án hướng đến ai và thu về lợi ích gì, rủi ro sẽ ở mức nào thì mới có hướng phát triển đúng. Người làm văn hóa cần biết rõ mình muốn gì chứ không thể nói kiểu mơ hồ”, đạo diễn phim “Lô tô” lý giải.
Trong khi đó, TS Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác & Phê bình sân khấu điện ảnh, khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh), sáng lập và điều hành dự án phát triển nghệ thuật, sáng tạo trong cộng đồng YUME khuyên bạn trẻ cần tạo chất lượng cho sản phẩm của mình khi bắt đầu quá trình khởi nghiệp: “Phải làm cho những dự án của mình có tiếng vang. Các dự án khởi nghiệp văn hóa hiện nay tưởng nhỏ lẻ nhưng có ý nghĩa rất lớn, giúp kết nối mọi người. Điều quan trọng là các bạn trẻ cần cho mọi người thấy tiềm năng của dự án, chúng ta phải đi từ dưới lên chứ ngồi đợi sự đầu tư, hỗ trợ từ trên xuống sẽ rất lâu. Sau khi tạo được tiếng vang, việc tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ hay tự thân tạo quỹ từ các hoạt động không còn quá khó”.
Link tham khảo: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-songtre/khoi-nghiep-tu-van-hoa-374570/
Ngày xuất bản: 23/10/2019
Thông tin
Tên tác giả: MỸ DUNG
Báo Nhân dân
Website: nhandan.vn
Đơn vị tài trợ