Mã số N3060: Sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh
Dù chỉ mới là học sinh THPT nhưng nhiều bạn trẻ đã có những ý tưởng, mô hình thiết thực với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường. Rất nhiều dự án “xanh” như thế vừa được giới thiệu tại cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh” do Trường đại học Quốc tế (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) phối hợp Đại học Deakin (Australia) tổ chức.
Từ tháng 8-2020, nhóm WECO (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Hồ Chí Minh) bắt tay vào việc lên ý tưởng và thực hiện cho bằng được ứng dụng điện thoại mang tên Wecopia. Trưởng nhóm Trần Đình Lê Hoàng cho biết, cái hay của Wecopia là “game hóa” các thử thách sống xanh khiến người tham gia thấy hứng thú. Chỉ cần cài ứng dụng này vào điện thoại, ai cũng có thể hiểu thêm về khái niệm sống xanh và tham gia các thử thách thú vị.
Khi tạo ra Wecopia, điều các thành viên nhóm WECO muốn hướng đến là từng bước thay đổi thói quen sử dụng rác nhựa của người trẻ. Vậy nên, nhóm đã tạo ra một cộng đồng sống xanh trên ứng dụng. “Tính năng liên kết cộng đồng này tạo ra một môi trường mở như mạng xã hội, ở đó, mọi người có thể tự do tương tác, chia sẻ kinh nghiệm, cảm nhận của mình khi tham gia các thử thách, đồng thời hình thành cộng đồng lan tỏa ý thức sống xanh. Mặc dù hiện tại mới là bản mẫu và vẫn đang ứng dụng trong trường để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện nhưng tụi em tin rằng ứng dụng này sẽ khiến nhiều bạn trẻ hứng thú tham gia”, Nguyễn Thành Danh, thành viên phát triển ứng dụng của nhóm WECO chia sẻ.
Cũng là một dự án xanh, “Thiết kế mô hình cây nhân tạo cho đô thị” của các thành viên nhóm Faith anh Hope (Trường THPT Lục Ngạn số 1, Bắc Giang) là mong muốn chung tay cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi tại các đô thị đang “hạn hẹp” diện tích trồng cây. Bạn Trần Phương Thảo, thành viên nhóm cho biết, ưu thế của cây nhân tạo là tiết kiệm diện tích, sử dụng năng lượng từ pin mặt trời và tích hợp nhiều tính năng hữu ích như thải O₂, thu và đo nồng độ CO₂ trong không khí, đo nhiệt độ… Tất cả những thông tin cần thiết về độ sạch, mức cảnh báo của không khí tại khu vực đặt cây sẽ được cập nhật liên tục đến mọi người thông qua hệ thống WiFi tích hợp. Như vậy, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối mạng, ai cũng có thể biết không khí nơi mình đang đứng đang ở mức độ nào. Khi thực hiện dự án này, điều mà các thành viên trong nhóm muốn hướng đến là cho mọi người thấy được sự cấp thiết của việc bảo vệ môi trường sống để cùng chung tay bằng những việc làm thiết thực.
Sự xuất hiện của chiếc máy tạo nước từ không khí có tên WinA - Water in Air - do nhóm Sleepaholic (Trường phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring, Hà Nội) mang đến cuộc thi khiến nhiều người thích thú. Nhận thấy nguồn nước vô hạn trong bầu không khí trong khi nhiều vùng miền phải đối mặt thực trạng thiếu nước sạch, các bạn trẻ cùng ngồi lại bàn cách tạo ra chiếc máy đơn giản có thể giúp giải quyết bài toán khó nhằn này. Theo nhóm, máy lấy không khí thông qua một hệ thống hút gió, sau đó làm lạnh bằng nhiệt độ nhất định để tạo thành nước đọng trên bề mặt hệ thống làm mát. Nước sau đó rơi xuống, đi theo đường dốc trên bề mặt và chảy vào cái chai bên dưới. Nói nghe dễ dàng nhưng từ ý tưởng đến khi chiếc máy ra đời, nhóm đã trải qua khoảng thời gian khá vất vả. “Cái khó nhất là đo lường số liệu để thu được lượng nước nhiều nhất trong điều kiện tốn ít năng lượng nhất. Lúc đó chúng em phải tính toán lại từ đầu cùng với sự giúp đỡ của nhiều thầy cô, chuyên gia. Phải làm tới bốn cái máy khác nhau chúng em mới chọn được máy có lượng nước thu được nhiều nhất để đi thi”, Nguyễn Bảo Linh, thành viên chế tạo máy WinA - Water in Air cho biết thêm.
Sau thành công trong lần tổ chức đầu tiên, năm nay, cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh” dành cho các bạn học sinh khối THPT tại Việt Nam tiếp tục nhận bài thi của các bạn trẻ từ khắp mọi miền đất nước. Ba đội xuất sắc nhất tại vòng bán kết sẽ được chọn tham gia vòng chung kết, dự kiến thi đấu theo hình thức trực tuyến vào giữa tháng 5 tới. Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi, giúp các bạn trẻ củng cố thêm kiến thức về môi trường, thể hiện khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện mà còn góp phần lan tỏa ý thức sống xanh đến cộng đồng.
Link tham khảo: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi-songtre/sang-kien-bao-ve-hanh-tinh-xanh-644509/
Ngày xuất bản: 04/5/2021
Thông tin
Tên tác giả: Khởi Minh
Báo Nhân dân
Đơn vị tài trợ