Mã số N3002: Chuyển đổi số - Mua mới, hay tự xây?

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Với hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, để triển khai chuyển đổi số thì ngoài bài toán nan giải muôn thuở mang tên kinh phí, còn một trở ngại khá lớn, đó là trả lời câu hỏi "Nên tự triển khai mô hình riêng, hay mua giải pháp từ đơn vị thứ ba ".

Có thể khẳng định rằng, khi mà ngày càng nhiều công ty trải qua quá trình chuyển đổi số, một câu hỏi phổ biến được đặt ra là "Chúng ta có nên mua hoặc xây dựng nền tảng kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp?". Không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, bởi lời giải nằm ở nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thích phát triển (build) phần mềm nội bộ ngay từ đầu, trong khi vẫn có không ít đơn vị lại thích độ tin cậy, bộ tính năng mạnh mẽ và thời gian đưa vào sử dụng nhanh của giải pháp nên chủ động tìm đến các giải pháp được xây dựng sẵn (buy).

Ông Nguyễn Đắc Nguyên Long, sáng lập viên Mạng lưới chuyên gia tham vấn CNTT (ITAN) - vốn đang đồng hành với rất nhiều dự án triển khai chuyển đổi số tại nhóm doanh nghiệp tư nhân ở TPHCM, nhận định rằng: Để lựa chọn giữa mua mới hay tự phát triển nền tảng số (digital platform) thì doanh nghiệp cần đưa lên bàn cân nhiều vấn đề, cụ thể là chi phí/ngân sách, phù hợp với quy trình nghiệp vụ hiện tại, thời gian triển khai và vận hành, đảm bảo an toàn, khả năng tiếp cận, và kiểm soát thương hiệu. Hay nói cách khác, câu trả lời cho việc mua mới hay tự xây (giải pháp chuyển đổi số) vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.

Dẫu vậy, vẫn theo ông Long, nói về mua mới hay tự xây chuyển đổi số (digital transformation) thì cơ bản là chưa chính xác lắm bởi vì chuyển đổi số là chuyển đổi toàn diện doanh nghiệp, phần lớn không nằm ở vấn đề kỹ thuật, mà vấn đề ở chiến lược, mô hình kinh doanh và vận hành doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, xu hướng khách hàng, cuối cùng mới là áp dụng kỹ thuật mà hiện nay được gọi là nền tảng số (digital platform). "Như vậy, chỉ có thể nói mua mới hay tự xây là dành cho một nền tảng số, chứ không dành cho chuyển đổi số", ông Long nêu vấn đề.

Mô hình chuyển đổi số của công ty tư vấn độc lập Capgemini.

Chuyển đổi số là hành trình

Trước khi bắt đầu tiếp tục triển khai chuyển đổi số, các đơn vị tư vấn cũng như triển khai phải xác định được digital platform mà doanh nghiệp đang muốn xây dựng sẽ phục vụ cho việc gì, tùy theo ngành nghề của doanh nghiệp. Nói cho dễ hiểu, đó là dựa vào nghiệp vụ của doanh nghiệp như digital manufacturing, digital educaiton, digital travel, digital eCommerce, rồi từ đó lựa chọn nền tảng số phù hợp. Tiếp đến, là tập trung vào phần lõi của doanh nghiệp, điều này quyết định rất quan trọng đến việc tạo đột phá hoặc chuyển đổi kinh doanh số, chuyển đổi số của doanh nghiệp, cuối cùng nền tảng số sinh ra là để giải quyết các bài toán doanh nghiệp mà cụ thể là chuyển đổi số cho doanh nghiệp đó; nó đòi hỏi phải có các yếu tố SMAC (Social, Mobile, Analytics, Cloud) trong đó, bao gồm: dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

Về định nghĩa thế nào là digital platform, các doanh nghiệp cũng phải hiểu là khác với việc làm một phần mềm (software), cũng không phải là cung cấp một dịch vụ (service) trong doanh nghiệp. Tùy theo ngành nghề mà doanh nghiệp sẽ có một digital platform riêng. Chúng ta có thể tham chiếu trên các mô hình của thế giới hoặc tại Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam, có mô hình dạng digital platform mới như nền tảng tích hợp số Beehexa/Smarties, nền tảng cộng tác hợp nhất của Pjtechs/Finme, nền tảng chăm sóc sức khỏe thông minh (SmartHealth) của VSON.

Ông Long nhận định rằng: Các nền tảng này không phải dạng thuần như một phần mềm truyền thống, thay vào đó được phát triển dựa trên các bộ khung mới như Agile Framework, Design Thinking, OKR; qua đó giúp các đơn vị phát triển lẫn khách hàng (cần triển khai chuyển đổi số) hiểu đúng vấn đề ngay từ đầu và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường và được kiểm thử, cải tiến liên tục, hạ tầng của các sản phẩm này có thể chạy nội bộ hoặc trên đám mây Cloud của Microsoft/Google/AWS.

Nền tảng số do công ty công nghệ Xspera cung cấp.

Sau khi đã xác định được mô hình nền tảng số cho doanh nghiệp thì mới tiến hành xem xét cân nhắc các yếu tố để chọn xây dựng hay là mua mới. Xây dựng hay là mua mới còn phụ thuộc rất nhiều vào từng doanh nghiệp, sẽ không có một mô hình chung

"Chúng ta phải xem xét tất cả yếu tố về nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiêp muốn 3 tháng sau là phải có một nền tảng số hoặc là doanh nghiệp cần đầu tư bao nhiêu tiền cho một nền tảng số, và còn nhiều yếu tố khác như phạm vi dự án, tài nguyên dự án, độ sẵn sàng, khả năng kiểm soát, khả năng tích hợp và kiến thức nghiệp vụ", ông Long chia sẻ, "Thực tế cho thấy, tại một tọa đàm của mạng lưới tham vấn CNTT - ITAN diễn ra hồi giữa năm 2021, các nhà quản lý, trưởng bộ phận CNTT của các doanh nghiệp cũng đưa ra tranh luận, đó là làm sao để thuyết phục được chủ doanh nghiệp đầu tư một nền tảng số, thì các thành viên cũng đưa ra những vấn đề là có nên đưa tư vấn vào không hoặc làm sao để tư vấn thuyết phục khi mà một nền tảng số hoàn toàn khác so với mường tượng của họ về một phần mềm, một ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp. Để trả lời câu hỏi này, đối với nhà tư vấn, họ sẽ có cách để thuyết phục bằng các minh chứng, các dự đoán rủi ro và lợi ích mang lại là gì? họ sẽ có bộ “bí kíp” riêng, cụ thể là bộ câu hỏi - khoảng vài trăm câu hỏi để xoay quanh từ 5 - 7 khía cạnh của doanh nghiệp để họ xác định rằng: Liệu doanh nghiệp nên mua hay nên xây dựng, chứ không phải bằng cảm tính.

Theo ông Long, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm tính hoặc các mối quan hệ để mua một digital platform, thay vì dựa trên một đánh giá thực thụ cho doanh nghiệp để đưa ra quyết định mua hay tự xây dựng digital platfrom.

Nên mua mới… nhưng

Bà Lê Thị Ngọc Diệp - Giám đốc sản phẩm Công ty Xspera Apac cho biết, trong hành trình chuyển đổi số thì đặc biệt cần phân biệt rõ quy trình nghiệp vụ và số hóa quy trình nghiệp vụ; và nắm giữ vị trí "thuyền trưởng chuyển đổi số" không phải là Phòng CNTT, mà là đội ngũ đứng đầu kinh doanh, đội ngũ quản lý sản phẩm hoặc quản lý vận hành doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với bà Diệp, ông Long khẳng định: "Về case study liên quan đến digital platform hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều, nói rất dài. Về việc mua nền tảng số, có thể tham khảo tại các trang của nhà cung cấp, có các trường hợp cho các ngành ngân hàng, thương mại điện tử, ngành công nghiệp chế biến…".

Theo tình hình chung thì có thể nói rằng, xu hướng hiện tại, khách hàng thường chọn mua một digital platform hơn là tự xây dựng, bởi việc mua digital platform (tức là mua cái “Know-How” của bên bán) sẽ bao gồm mua bí quyết, khả năng, phương pháp mà "người cung cấp" đã tốn rất nhiều thời gian kiểm nghiệm ở các doanh nghiệp là khách hàng của họ, dĩ nhiên việc này mình cũng phải xem xét nhà cung cấp các nền tảng số đó.

SmartTiles là hệ sinh thái nền tảng số được tạo ra từ sự kết nối kiến thức và bí quyết của chuyên gia ngành, cùng các nền tảng số được thiết kế sẵn nhằm thúc đẩy năng suất, đổi mới sáng tạo và quản lý vận hành số hiệu quả. smartTiles giúp tăng tốc hành trình chuyển đổi số Doanh nghiệp nhanh chóng và thành công.

"Thêm vào đó, mua một digital platform như đã nói trên, ngoài Know-How, thì phần kỹ thuật số là sức mạnh mà một nền tảng có các công nghệ về Cloud, AI, Bigdata, IoT... Những vấn đề liên quan tích hợp, họ cũng làm sẵn rồi, mình chỉ cần đánh giá khả năng sử dụng của doanh nghiệp khoảng chừng 60% là có thể mua ", ông Long nhấn mạnh, "Sau khi chọn mua, mình có thể xem xét để chuyển giao cái tri thức, cái công nghệ lõi đó qua doanh nghiệp của mình, từ từ mình sẽ tiếp tục đánh giá lại để xác định nên mua nữa hay là tự xây dựng một nền tảng số cho riêng mình, hoặc là xây dựng mở rộng dựa trên cái đã có sẵn. Hiện nay, cái rất khó khăn của việc tự xây dựng một platform được chọn ngay từ ban đầu là nhân sự. Để chọn được nhân sự thích ứng, tiếp cận và cho ra sản phẩm như ý sẽ không thể nào dưới 6 tháng, vì quá trình phát triển sản phẩm rất là phức tạp.

Việc xây dựng mới một nền tảng số theo các báo cáo hiện nay là khá tốn kém chi phí, đặc biệt là khi một sản phẩm nền tảng số thật sự thì doanh nghiệp cũng chưa hình dung cụ thể nó ra làm sao? Điều này dẫn đến sự thay đổi và không thống nhất của một nền tảng số. Trong khi đó, một trong những yếu tố về thời gian đưa sản phẩm ra thị trường (Time to market) ở hầu hết doanh nghiệp là phải nhanh, trong thực tế có nhiều doanh nghiệp chưa xây đầy đủ đội phát triển sản phẩm đã quá hạn hoặc nhu cầu thay đổi khác đi do sức ép cạnh tranh của thị trường. Do đó, chỉ chọn xây nền tảng số khi có các yếu tố quá đặc thù, bí quyết kinh doanh nằm trong nền tảng, hoặc trên thị trường chưa có sản phẩm nào đáp ứng, không nên “chế lại bánh xe” khi mà thế giới đã có những đơn vị làm quá tốt rồi”.

Đừng nóng vội

Với câu hỏi "Trong kinh nghiệm làm tư vấn, thường thì khách hàng đòi hỏi digital platform sẽ đưa ra yêu cầu cho đơn vị là khoảng thời gian bao nhiêu, từ ngày gặp nhau cho đến ngày ra thành phẩm?", đại diện Công ty công nghệ Xspera và chuyên gia Long cùng cho rằng: Hiện nay, tùy theo quy mô của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp lớn sẽ đòi hỏi từ 9 - 12 tháng, còn các đơn vị nhỏ hơn là từ 3 - 6 tháng, hoặc là mua sử dụng ngay trong vòng 1 tháng, chủ yếu là khả năng đáp ứng đúng tính năng nghiệp vụ mà doanh nghiệp mua cần.

"Bản chất về digital platform cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là phục thuộc ở tổ chức thích nghi và sử dụng của người dùng nhiều hơn, còn lại các đặc thù của ngành nghề, có thể đang làm theo cách truyền thống chưa số hóa ngay, hoặc không thể làm được trên nền tảng số", ông Long nói.

Vẫn theo lời đại diện ITAN, trong quá trình phát triển digital platform nói chung, của cả một giải pháp, hệ thống nói riêng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các dữ liệu cũ của họ với những giải pháp mới thì những đơn vị tư vấn sẽ gặp không ít khó khăn, và bài toán đặt ra là "tối đa hóa" tỷ lệ % có thể tái sử dụng những dữ liệu cũ trước đó vốn đã được số hóa. Hay nói cách khác, cái khó khăn và thách thức thực ra là con người và quản lý thay đổi, còn lại dữ liệu cũ hay mới còn chưa có thể nói được, bởi cần phải xem xét những dữ liệu đó mới biết có giá trị hay không.

"Những quyết định của mô hình mới chưa chắc có dữ liệu cũ đã phục vụ cho mình được, và thay đổi và tạo ra những dữ liệu mới theo một hướng mới, như đưa thêm các trường dữ liệu mới để có các thống kê, phân tích chuẩn xác hơn. So với truyền thống, chỉ cần mình hoàn thiện một quy trình sản xuất, hoặc quy trình để đưa ra một sản phẩm cung ứng ra ngoài, nếu thêm những yếu tố mới vào thì phải đưa thêm độ chính xác, dung lượng thị trường và khả năng nội tại của doanh nghiệp, để từ đó họ có những quyết định đầu tư hoặc thay đổi cách làm, dẫn đến việc đó phụ thuộc vào doanh nghiệp có đáp ứng được hay không?", ông Long nêu quan điểm, "Còn lại khó khăn và thách thức chủ yếu tập trung vào quản lý sự thay đổi, thì nhân viên và bộ phận vận hành cần phải được lý giải tại sao phải thay đổi, tại sao phải sử dụng phương pháp mới và phương pháp này có giúp ích được cho họ hay không?".

Việc giúp ích cho doanh nghiệp là điều chắc chắn, tuy nhiên còn phải giúp ích cho nhân viên, cho người vận hành và quản lý, nếu không sẽ gặp sự phản ứng và chuyện này chắc chắn doanh nghiệp phải có phương pháp xử lý những bộ phận nhân viên trong doanh nghiệp. Ví dụ, nếu ứng dụng các máy móc, các phần mềm hệ thống vào việc quản lý kho bãi, vận tải, thì một nhân viên kho nhận có thể nhận 200 đơn hàng 1 ngày. Khi đó, doanh nghiệp có thể giảm lượng nhân viên từ 10 - 20 người xuống còn từ 4 - 5 người với một nền tảng số, và trên tay chỉ cần một chiếc smartphone, tăng năng xuất của người lao động cũng như của doanh nghiệp. Cụ thể, trước mắt người lao động sẽ nhận đơn nhanh hơn, sau đó doanh nghiệp sẽ đưa ra chỉ số đáp ứng thị trường nhanh hơn, giải quyết các bài toán giao hàng trong 2 giờ, tăng trải nghiệm người dùng...

Doanh nghiệp thường lo lắng về việc chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, trong thế giới số, xã hội số thì dữ liệu sẽ được chia sẻ với nhau trong một chừng mực nhất định, và vấn đề bảo mật của việc thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp và thiết kế các giải pháp nền tảng số nên được chú trọng như thế nào, và tình cấp thiết có đặc biệt nghiêm trọng không khi mà Việt Nam có hạ tầng bảo mật chưa quá mạnh và xu hướng người dùng cuối, nhất là người dùng cuối trong quá trình tư vấn?

Những giải pháp kỹ thuật số sẽ khác với giải pháp công nghệ thông tin truyền thống. Một giải pháp mới chắc chắn sẽ tốt, tối ưu hơn và khả năng bảo mật sẽ cao hơn so với giải pháp cũ. Tuy nhiên, việc tuân thủ đó tại các đơn vị cung cấp, từ hạ tầng cho đến ứng dụng dịch vụ, họ có đảm bảo hay không thì phải dựa trên những đánh giá và các tiêu chuẩn mà họ đạt được. Ví dụ, để chia sẻ nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bảo mật dữ liệu thì châu Âu có chuẩn về Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), đạo luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng California (CCPA) của Mỹ, tiêu chuẩn bảo mật thẻ tín dụng - PCI DSS, tiêu chuẩn an toàn đám mây – CCSK…, Tại Việt Nam, cũng đã có những nghị quyết để chống chia sẻ thông tin đó rồi, như Nghị quyết 17/NQ-CP với mục tiêu là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tạo lập, quản lý và chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân (Nghị quyết 91/2020/NĐ-CP - chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn). Còn lại, khi áp dụng thì doanh nghiệp phải xem xét bên nhà cung cấp có tuân thủ hay không. Tóm lại, các giải pháp mới chắc chắn sẽ giúp cho việc bảo vệ và phân quyền các thông tin cá nhân tốt hơn so với giải pháp cũ.

Xây dựng hay mua mới một nền tảng số (Digital Platform), doanh nghiệp cần phải hiểu rõ bản chất của nó và gắn với nhu cầu thực tiễn, tức là còn tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp mà đưa ra các tiêu chí, xây dựng khung đánh giá và lựa chọn riêng một cách toàn điện. Để đảm bảo và tránh rủi ro, các doanh nghiệp nên tìm đến các nhà tham vấn có chuyên môn và kinh nghiệm trong từng lĩnh vực kinh doanh của mình.

 

Cần giải pháp, hay công cụ?

Ông Nguyễn Thanh Phong - trưởng Phòng CNTT, Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), cho biết: Trước hết, theo khái niệm được Gartner định nghĩa thì chuyển đổi số là quá trình khai thác các công nghệ số và các khả năng hỗ trợ của chúng để tạo ra một mô hình kinh doanh mới mạnh mẽ hơn. Chuyển đổi kỹ thuật số là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động của một tổ chức, thông qua tích hợp các công nghệ hiện đại, quy trình và năng lực kỹ thuật số theo từng giai đoạn và có chiến lược rõ ràng.

Nếu quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả tối ưu sẽ làm thay đổi toàn diện cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc, đồng thời mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng. Những công nghệ hiện đại được áp dụng phổ biến trong quá trình chuyển đổi số là công nghệ IoT (Internet of things), Big Data, Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing) và Điện toán nhận thức (Cognitive Computer).

Ở góc nhìn cơ bản nhất, chuyển đổi số gồm các bước chuyển đổi: Số hóa quy trình vận hành trong doanh nghiệp; Chuyển đổi mô hình kinh doanh số; Tối ưu trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số. Hay nói cách khác, chuyển đổi số là thực hiện một chiến lược để đạt được mục tiêu kinh doanh chuyển đổi, bằng cách thực hiện, tích hợp hoặc tối ưu hóa các công cụ kỹ thuật số.

Dưới góc nhìn một chuyên viên CNTT, ông Phong cho rằng nếu là các quy trình nghiệp vụ như quản lý văn bản hay quản lý quan hệ khách hàng (CRM) thì nên thuê dịch vụ ngoài, vì việc “phát minh lại bánh xe” không hiệu quả. Còn nếu là sản phẩm dịch vụ thì nên tự phát triển, vì không đối tác nào theo suốt vòng đời sản phẩm. Các đối tác thường theo tư duy dự án, sau khi kết thúc dự án sẽ chuyển sang dự án khác, đội ngũ dự án cũ không được duy trì để tiếp tục phát triển. "Grab, Tiki hay tailieu.vn, tất cả đều có đội ngũ phát triển riêng", ông Phong nhìn nhận.

Dẫu thế, ông Phong cho rằng, chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình và chiến lược kinh doanh, còn các công cụ công tác số như MS Teams, Zoho Projects hay Zalo… chỉ là công cụ hỗ trợ.

Link tham khảo: http://www.khoahocphothong.com.vn/chuye-n-do-i-so-mua-mo-i-hay-tu-xay--59091.html

Ngày xuất bản: 29/11/2021

Thông tin

Tên tác giả: ANH KHOA

Địa chỉ: 24 ter Cao Bá Nhạ, Q.1, TP.HCM

Điện thoại: (028) 3920 1258

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông