Mã số N2025: Mô hình và giải pháp liên kết nông dân trồng cam sinh thái, nâng cao chất lượng nông sản Việt
Giải pháp liên kết các hộ nông dân lại để trồng cam theo quy trình canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng, giúp sản phẩm thu hoạch luôn đạt được giá bán cao gấp 5-10 lần so với cam thông thường, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Cam là một loại quả có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất ( Vitamin C, Thiamin, Folate, Kali), chất chống ô xy hóa ( Beta-cryptoxanthin , Axit citric), chất xơ,… rất tốt cho sức khỏe. Ở Việt Nam, cam là loại trái cây phổ biến được trồng ở khắp các tỉnh từ Bắc tới Nam. Tuy diện tích cam phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng đạt chưa cao, do người dân trồng cam tự phát, không có quy hoạch; chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, dẫn đến giá bán chưa được cao, khó khăn trong việc xuất khẩu.
Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Qùy với quy trình trồng cam sinh thái hiện đã liên kết với các hộ nông dân để cùng chuyển đổi sang phương thức canh tác sinh thái, trồng cam theo quy trình của công ty. Đây là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng được công ty phát triển dựa trên các phương pháp trồng cây sinh thái của Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan…
Với cách trồng cam truyền thống, nông dân có thói quan sử dụng rất nhiều vào thuốc, hoá chất bảo vệ thực vật, phân bón hoá học. Khi chuyển sang canh tác sinh thái, không được bón phân và phun thuốc hoá học nữa, cây cam gần như bị sốc; cây bị còi cọc, xấu xí thậm chí cây yếu đến độ còn không ra được quả; quy trình chuyên đổi canh tác sinh thái phải cần đến mất 1 - 2 mùa vụ giúp cam xanh tốt trở lại. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân từ bỏ thói quen sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật, chấp nhận chuyển đổi phương thức canh tác.
Về quy trình canh tác sinh thái, vườn cam sinh thái không có hoạt động cuốc cỏ hay phun thuốc diệt cỏ dại. Ngược lại, cỏ được nuôi dưỡng để tái sử dụng làm phân hữu cơ giúp cho đất có độ tơi xốp hơn. Đất trồng cỏ sẽ nuôi dưỡng được hệ vi sinh vật bản địa rất tốt có thể giúp phân giải chất hữu cơ từ cỏ thành chất vô cơ sinh ra đa, trung, vi lượng như NPK hay các khoáng chất nhằm cung cấp dưỡng chất cho cây mà không cần dùng phân bón hoá học.
Vườn cam áp dụng triệt để giải pháp sinh thái ứng phó với sâu bệnh, bằng cách được trồng xen canh, đa canh nhiều loại cây trồng khác nhau. Khu vườn có nhiều loại cây mọc xen kẽ thì sâu không tập trung tấn công vào cây cam nữa mà nó sẽ gần như được giãn ra trên diện rộng hơn, giảm đi rất nhiều áp lực dịch bệnh trên cây cam.
Đặc biệt, để có phân hữu cơ tự nhiên thay thế hoàn toàn phân hoá học, các khu vườn trồng cam được thiết kế các hố ủ phân từ thân cây đậu tương, nguồn xác cá chết mua ngoài chợ với chi phí rẻ. Đây cũng là nguồn nguyên liệu ủ phân giúp thu được những enzim rất tốt tưới cho cây cam.
Xen giữa các luống trồng cam, người nông dân có thể đào các hố ủ phân từ cỏ, trái cây rụng thối, trồng thêm chuối vừa có tác dụng điều hoà không khí, thanh lọc chất độc trong hố ủ vừa lấy thân, lá sản xuất phân hữu cơ.
Việc canh tác theo mô hình hữu cơ giúp cho trái cam ngọt hơn, thơm hơn,….Công ty đã xây dựng thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến đã được người tiêu dùng tin dùng, có mặt trong các siêu thị lớn hoặc nhiều chuỗi phân phối thực phẩm sạch ở Hà Nội, TP.HCM…
Không chỉ phát triển cam tươi, công ty còn nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm từ cam như: các loại mứt, bánh nhân cam, tinh dầu cam,… Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm "5 không": không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm từ Cam, công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Qùy còn mở rộng thêm mô hình làng du lịch Cam Vinh sinh thái mang thêm thu nhập cho người nông dân, giúp người dân vững tin hơn vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững và hi vọng có thể nhân rộng mô hình này tới các vùng đặc sản của Việt Nam tạo dựng nên một lối sống, kinh doanh mới nhằm thay đổi cách thức kinh doanh và canh tác nông nghiệp tại Việt Nam.
Việc liên kết các hộ nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và kết hợp với du lịch sinh thái của công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Qùy đã giúp người nông dân có thu nhập cao hơn so với phương thức truyền thống, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam
Thông tin
Tên tác giả: NGUYỄN THỊ LÊ NA
Emai: lena@camvinh.net
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông