Mã số N3022: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giám sát an ninh

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giám sát an ninh do nhóm chuyên gia ở Trường đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. HCM nghiên cứu thực hiện có khả năng tự động nhận diện, ghi nhớ, phân tích cùng lúc hàng ngàn khuôn mặt, đặc biệt có thể nhận diện nhiều góc khuôn mặt khác nhau, kể cả đang đeo khẩu trang.

Hiện nay nhu cầu trang bị camera giám sát (camera an ninh) trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, từ các tòa nhà văn phòng, cơ quan hành chính cho đến các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, hộ gia đình… là rất lớn. Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Kỹ thuật Điện toán, Trường đại học Bách Khoa - ĐHQG TP. HCM đã nghiên cứu thành công hệ thống giám sát an ninh tích hợp AI, kết quả nghiên cứu này được ứng dụng trong công tác quản lý sinh viên tại ký túc xá của Trường đại học Bách Khoa TP.

TS. Dương Ngọc Hiếu, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết trước đây ký túc xá của Trường đại học Bách Khoa TP ứng dụng công nghệ thẻ RFID trong việc giám sát vào cổng. Tuy nhiên, điểm hạn chế của việc nhận dạng này là phụ thuộc vào con người (nhân viên bảo vệ) và rất khó để nhận biết đâu là sinh viên đang lưu trú, đâu là người đột nhập trái phép, đặc biệt là những lúc có số lượng sinh viên đông.

Hệ thống giám sát an ninh tích hợp AI, có khả năng nhận diện nhiều góc khuôn mặt khác nhau, kể cả đang đeo khẩu trang (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)

Với hệ thống giám sát an ninh tích hợp AI có khả năng nhận diện nhiều góc khuôn mặt khác nhau. Tỉ lệ chính xác ở mức 71,86% đối với sinh viên mới; 84,25% đối với sinh viên cũ. Hệ thống có khả năng quản lý khoảng 2.500 sinh viên và thường xuyên biến động (khoảng 40% sinh viên mỗi năm). Ngoài nhận biết khuôn mặt, bộ giải pháp còn ứng dụng công nghệ học sâu (deep learning) vào nhận diện giới tính đối tượng, có khả năng phân loại nam/nữ đạt độ chính xác hơn 90%.

Dựa trên hình ảnh thu thập, kết hợp cùng dữ liệu lưu trữ trong hệ thống, trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, nhận biết khuôn mặt và đưa ra kết quả chỉ trong thời gian tính bằng giây. Phần mềm đảm bảo độ chính xác hơn 90% trong thí nghiệm và đạt 85% trong vận hành thực tế.

Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hoàn thiện các phần mềm và công nghệ đi kèm, gồm: Phần mềm vào cổng kết hợp công nghệ RFID và trí tuệ nhân tạo; Phần mềm quản lý video VMS; Lõi nhận biết khuôn mặt bằng thuật giải học sâu; Phần mềm giám sát an ninh 3 mức độ; Ứng dụng di động phục vụ giám sát từ xa.

Ngoài ra, bộ giải pháp còn đi kèm ứng dụng di động phục vụ giám sát từ xa trên nền tảng iOS và Android với các tính năng: Xác thực và phân quyền; Nhận thông báo tình hình vi phạm an ninh dựa trên cấu hình cảnh báo; Xem dữ liệu minh chứng mức độ an ninh vi phạm, đối tượng vi phạm, thời điểm vi phạm, minh chứng (video playback)…

Theo các chuyên gia hệ thống giám sát an ninh tích hợp AI này hoàn toàn có thể mở rộng ứng dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau như hệ thống điểm danh/chấm công, kiểm tra đối tượng có chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các giải pháp xác thực/nhận diện vào ra khác.



Link tham khảo: https://nld.com.vn/cong-nghe/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-giam-sat-an-ninh-20211230172126303.htm

Ngày xuất bản: 30/12/2022

Thông tin

Tên tác giả: ĐỨC HUY

Báo Người Lao Động

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông