Mã số N3025: Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Sau hai năm đứng ở vị trí 59 thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vừa tiến lên vị trí 54 trên bảng xếp hạng toàn cầu do StartupBlink công bố ngày 1/6.

Ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, xếp hạng của Việt Nam cũng thăng từ vị trí 13 lên 12. Ở Đông Nam Á, Việt Nam vươn từ thứ 6 lên thứ 5 và được dự báo có khả năng vượt qua Thái Lan (thứ 4 trong khu vực) trong năm sau, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực như hiện nay.

Theo báo cáo "Startup Ecosystem Report 2022" của StartupBlink, các ngành đang thu hút nhà đầu tư ở Việt Nam có: thương mại điện tử, fintech, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.

Hiện nay, phần lớn vốn đầu tư vào startup Việt Nam nằm ở giai đoạn giữa và sau, với giá trị đầu tư trung bình của mỗi vòng là 9,5 triệu USD. Chỉ 5% vốn được đổ vào các startup giai đoạn đầu (early stage), với giá trị đầu tư trung bình 1,152 triệu USD, Báo cáo cho biết.

Ba startup nổi bật của Việt Nam được Báo cáo nêu tên gồm 2 kỳ lân MoMo (ứng dụng thanh toán và ví điện tử) và Sky Mavis (công ty phần mềm sản xuất game và sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain), và sàn thương mại điện tử Sendo.

Tiềm năng và thách thức

Báo cáo của StartupBlink đánh giá hệ sinh thái Việt Nam có nhiều tiềm năng, chủ yếu do quy mô thị trường lớn của nền kinh tế Việt Nam giúp cho các startup có thể có lợi nhuận thành công trong nước ngay cả khi họ không mở rộng ra quốc tế.

Năm 2021, MoMo đã trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam với giá trị trên 1 tỷ USD | Ảnh: KrAsia

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Một số quỹ và sáng kiến ở các cấp khác nhau đã được triển khai, bao gồm quỹ SpeedUP do Sở KH&CN TP. HCM khởi xướng, Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp TP Hà Nội Startupcity.vn, Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Tòa nhà trung tâm Saigon Silicon City, và Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia NATIF thuộc Bộ KH&CN.

Để thu hút các nhà đầu tư hoặc công ty nước ngoài vào Việt Nam, chính phủ cũng đưa ra các ưu đãi về thuế. Năm 2016, Việt Nam phê duyệt Sáng kiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đến năm 2025, thường được gọi là Đề án 844, nhằm thúc đẩy hơn nữa các hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển trong nước. Kể từ khi bắt đầu Đề án 844, hệ sinh thái Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng các công ty khởi nghiệp mới và doanh thu của họ. Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ khởi nghiệp thông qua việc chuyển giao công nghệ, đầu tư, đào tạo và khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo StartupBlink, những thách thức chính mà cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt là thiếu lao động có trình độ; khan hiếm nguồn vốn; thiếu các công ty khởi nghiệp quan trọng có quy mô lớn; tốc độ cải cách quy định, chính sách chậm chạp.

Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách thể chế để xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện cho nhà đầu tư, nhà phát triển, và doanh nghiệp kỹ thuật số. Việt Nam càng trở thành một xã hội cởi mở, không bị hạn chế về Internet thì hệ sinh thái khởi nghiệp càng dễ phát triển - Báo cáo nhận định.

Hai trung tâm ĐMST là quá ít

Không chỉ xếp hạng 100 quốc gia trên toàn thế giới, Báo cáo của StartupBlink còn xếp hạng 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhất.

Năm ngoái, Việt Nam có hai thành phố được xếp trong top 100-200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu là TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, năm nay khoảng cách của hai thành phố đã rộng hơn: TP. HCM đang tiến gần hơn tới Top 100 khi tiến từ vị trí 179 lên vị trí 111; trong khi Hà Nội lại ra khỏi Top 200 khi tụt 31 bậc, xuống vị trí 222.

StartupBlink nhấn mạnh, việc có Hà Nội và TP. HCM làm trung tâm đổi mới sáng tạo là phần thưởng lớn cho hệ sinh thái Việt Nam, nhưng với dân số gần 100 triệu người thì chỉ có 2 hệ sinh thái được xếp hạng là không đủ.

Để so sánh, Thái Lan, nước đang đứng ngay trên Việt Nam, có 4 thành phố trong bảng xếp hạng này là Bangkok (thứ 99), Phuket (547), Chiang Mai (567) và Pattaya (864).

Các đánh giá của tổ chức xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu StartupBlink dựa trên tiêu chí: số lượng và chất lượng của các startup và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; và môi trường kinh doanh.

StartupBlink sử dụng nhiều nguồn dữ liệu để xây dựng xếp hạng, gồm Bản đồ startup toàn cầu do cộng đồng và hàng trăm nghìn thực thể liên quan đến khởi nghiệp cung cấp; các đối tác cung cấp dữ liệu toàn cầu như Crunchbase, SEMrush, Statista và Meetup; và một số đối tác của hệ sinh thái địa phương, trong đó có các cơ quan của chính phủ.


Link tham khảo: https://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/viet-nam-tang-5-bac-trong-bang-xep-hang-he-sinh-thai-khoi-nghiep-toan-cau/20220601050010574p1c859.htm

Ngày xuất bản: 01/6/2022

Thông tin

Tên tác giả: NGÔ HÀ

Báo Khoa học và Phát triển

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông