Mã số N3034: Khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo ở trường nghề

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Có rất nhiều sản phẩm công nghệ ra đời góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam. Trong đó có không ít sản phẩm do chính học sinh, sinh viên trường nghề thiết kế và chế tạo hiện được ứng dụng rộng rãi đã chinh phục cộng đồng khởi nghiệp…

Ứng dụng AI giám sát và phun khử khuẩn tự động

Sản phẩm ứng dụng AI giám sát và phun khử khuẩn tự động.

Đó là sản phẩm do sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM thực hiện với sự hướng dẫn chuyên môn của TS. Nguyễn Thanh Tuấn (Trưởng khoa Động lực của trường). Sản phẩm ứng dụng những phần mềm đã được tích hợp sẵn, bộ phun khử khuẩn và công nghệ camera giám sát AI. Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên lý ghi nhận lượt người ra vào bằng QR Code trên PC Covid để đưa lên Google Sheets. Qua đó giám sát đồng thời nhắc nhở người chưa đeo khẩu trang, hình ảnh những cá nhân sẽ được gửi về Google Drive để tổng hợp; tự động phun sát khuẩn hàng hóa trước khi đến tay người nhận hàng. Sản phẩm này được ứng dụng ở các nơi như trường học, siêu thị, doanh nghiệp, chung cư, đặc biệt là các bệnh viện. Sản phẩm còn có thể nâng cấp và cập nhật theo nhu cầu cũng như những ý kiến đóng góp từ khách hàng… TS. Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, trong thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội, điều kiện trang thiết bị thiếu thốn có ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Tuy nhiên, bằng mọi nỗ lực vì một sản phẩm dành cho cộng đồng, các em đã hoàn thành dự án. Hiện sản phẩm đã được ứng dụng và đang trong thời gian chuyển giao công nghệ, hợp tác để sản xuất theo đơn đặt hàng từ một số công ty. Bên cạnh phục vụ cộng đồng, dự án còn hướng đến thương mại hóa để được ứng dụng rộng rãi hơn. “Từ ý tưởng khởi nghiệp đến kinh doanh là không khó. Những sản phẩm này đặt nền móng cho tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, đặt biệt là học sinh, sinh viên trường nghề”, TS. Tuấn kỳ vọng.

Máy rửa tay sát khuẩn tự động

Máy rửa tay sát khuẩn tự động.

Đây là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, trường nghề thiết kế và chế tạo trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, dòng máy hiện đại có nhiều ưu điểm vượt trội phải kể đến sản phẩm của giáo viên và học sinh của Trường TC nghề kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương. Theo đó, máy được thiết kế nhỏ gọn với đầu phun nhỏ giọt giúp giữ vệ sinh nơi đặt máy, tiết kiệm dung dịch sát khuẩn và đặc biệt là lắp đặt dễ dàng với hai mẫu để bàn và treo tường. Thầy Huỳnh Trung Nghĩa (giáo viên khoa Bảo trì cơ khí của trường) cho biết việc ứng dụng công nghệ làm ra các sản phẩm không chỉ tạo môi trường vừa học vừa nghiên cứu, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế mà còn hun đúc tinh thần sáng tạo vì cộng đồng. Đoàn trường đã và đang nhận làm máy rửa tay với giá ưu đãi, tạo điều kiện cho học sinh thực hành cũng như hỗ trợ các đơn vị trường học, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Được biết, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Đoàn trường TC nghề kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương đã lắp đặt, tập huấn lắp ráp máy cho cơ sở đoàn 15 phường trên địa bàn Q.5. “Mỗi máy có giá thành chỉ từ 1.050.000 đồng - 1.200.000 đồng. Đây cũng là cơ hội để các em phát huy tinh thần khởi nghiệp, tự tạo việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Được làm công việc này, các em cảm thấy yêu thích hơn nghề mình đã chọn”, thầy Nhĩa nói.

Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot

“Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot” đặt tại Bệnh viện Gaya Việt Hàn (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Trần Lê Như Bình (sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, đại diện nhóm thực hiện dự án) cho biết ý tưởng chế tạo “Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot” được nhen nhóm từ lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM. Chính xác hơn là vào tháng 6-2021, trong quá trình tham gia lực lượng tình nguyện viên tại các cơ sở y tế, nhiều thành viên trong nhóm nhận thấy nguy cơ lây nhiễm cao khi nhân viên tiếp tân tiếp xúc với bệnh nhân và thân nhân. Từ đó, các bạn có cùng đam mê công nghệ và tinh thần tuổi trẻ vì cộng đồng đã thành lập nhóm xây dựng ý tưởng, đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất cho sản phẩm. Được sự hướng dẫn chuyên môn của các giảng viên trong khoa, nhóm bắt tay chế tạo “Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot”, và ngay khi sản phẩm đang trong thời gian hoàn thiện thì đã có bệnh viện đặt hàng. “Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot” không chỉ góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan mà còn phù hợp với xu hướng thế giới là xây dựng bệnh viện thông minh. Vì vậy, nhóm đã xác định mục tiêu của dự án là sẽ được triển khai ở các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm thay thế con người để tập trung lực lượng cho việc chăm sóc người bệnh.

Như Bình chia sẻ thêm, thuận lợi lớn nhất của nhóm là nhà trường đã xây dựng chương trình học tập hợp lý nên người học có một nền tảng kiến thức cơ bản để chế tạo sản phẩm, đặc biệt là các thành viên đều có chung đam mê nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, sự góp ý, hướng dẫn và ủng hộ tinh thần của các giảng viên là động lực để nhóm hình thành và phát triển dự án. Thời điểm thực hiện dự án, TP.HCM đang ở đỉnh dịch nên các thành viên gặp không ít khó khăn khi làm việc nhóm, mua vật liệu, linh kiện nhưng sản phẩm lại hoàn thành sớm hơn dự kiến. “Giá thành của “Robot tiếp tân bệnh viện HOSbot” là 44,5 triệu đồng. Hiện nhóm đang tập trung hoàn thiện sản phẩm và đăng ký bản quyền sáng chế; đồng thời hoàn chỉnh bộ phận kinh doanh và nghiên cứu robot để quản lý, phát triển sản phẩm. Cụ thể là từ năm 2022, nhóm sẽ tiến đến phát triển sản phẩm để phục vụ cho các ngành nghề khác và đưa sản phẩm robot thông minh đến gần hơn với cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, nhóm sẽ đưa sản phẩm này đến các diễn đàn công nghệ để quảng bá và gọi vốn đầu tư khởi nghiệp”, Như Bình kỳ vọng.

Thầy Trần Nguyên Bảo Trân (giảng viên khoa Điện - Điện tử, người hướng dẫn chuyên môn dự án) cho biết sản phẩm đầu tay của nhóm đã được lắp đặt và hoạt động tại Bệnh viện Gaya Việt Hàn. Đây không chỉ là niềm động viên, khích lệ sinh viên của trường trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo mà còn khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên trường nghề của cả nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, sản phẩm robot tương tự trên thị trường hiện nay đa số chỉ tập trung vào các chức năng riêng biệt như vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khám chữa bệnh và giải đáp các thông tin cơ bản. Riêng “Robot tiếp tân bệnh viện HOSpot” là sản phẩm tích hợp nhiều chức năng như đo thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp chính xác ở khoảng cách gần nhất. Hơn nữa, sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt như nghe và trả lời bằng giọng nói; hỗ trợ khai báo y tế qua âm thanh trên màn hình cảm ứng bằng tiếng Anh và tiếng Việt; hỗ trợ, sắp xếp theo nhu cầu khám bệnh của bệnh nhân; ghi nhận khai báo bệnh; hướng dẫn giải đáp thông tin; phát số thứ tự khám bệnh… “Đây là dự án công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường, ít cạnh tranh, tăng hiệu suất và giảm chi phí, giảm nguy cơ lây nhiễm, tiến tới số hóa bệnh viện phù hợp xây dựng bệnh viện thông minh”, đại diện Bệnh viện Gaya Việt Hàn chia sẻ.

Link tham khảo: https://www.giaoduc.edu.vn/khoi-day-tinh-than-doi-moi-sang-tao-o-%20truong-nghe.htm

Ngày xuất bản: 08/2/2022

Thông tin

Tên tác giả: TRẦN TRỌNG TRI

Tạp chí Giáo dục TP. HCM

Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông