Mã số N3037: Ứng dụng công nghệ thông minh hướng đến chuyển đổi số nông nghiệp
Chuyển đổi số nông nghiệp là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị bằng một nền nông nghiệp phát triển minh bạch, mang lại nhiều giá trị cho cả người nông dân và người tiêu dùng.
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển xã hội số
Sau hơn một năm tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án Chuyển đổi số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tiến trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là nhờ có tinh thần mạnh dạn đầu tư, thực hiện những hạng mục chuyển đổi số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý - điều hành, hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được tỉnh xác định là nền tảng thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời xem đó là một trong những đột phá của tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Tại Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa (VCCA 2021) diễn ra hồi tháng 4/2022, ông Trần Viết Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và dịch vụ chiếu sáng Hồ Chí Minh (thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) cho biết, Rạng Đông đã triển khai giải pháp chiếu sáng thông minh cho đường phố ở thành phố Bến Tre với hàng nghìn thiết bị, tiết kiệm đến 60% chi phí năng lượng. Giải pháp mà Rạng Đông đưa ra không chỉ là cung cấp giải pháp chiếu sáng thông minh, mà còn là sự linh hoạt trong sự chuyển dịch của công nghệ, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ thông minh và chuyển đổi số.
Hội thảo “Công nghệ thông minh với tiến trình chuyển đổi số” diễn ra vào đầu tháng 7/2022 tại thành phố Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tín hiệu vui là cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh Bến Tre đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Họ sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK cho biết, doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, từng bước đạt được những hiệu quả tích cực thông qua các công việc thực tế. Điển hình là Chánh Thu đã hỗ trợ tư vấn nông dân chuyển đổi số như thực hiện truy xuất nguồn gốc từ vùng nguyên liệu đến tay người tiêu dùng bằng mã QR code bằng ứng dụng Trace Chain, đồng thời giúp quản lý quy trình canh tác, quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, tại cơ sở sản xuất, Chánh Thu đã ứng dụng phần mềm mã QR code truy xuất quá trình sơ chế, đóng gói, xuất hàng của doanh nghiệp.
Vì thế, chuyển đổi số nông nghiệp là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Thay vào đó là một nền nông nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả và mang lại giá trị về niềm tin cho người tiêu dùng, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp có thể tự tin phát triển sản phẩm đến thị trường xuất khẩu. Vấn đề đặt ra cho tỉnh Bến Tre là phải làm sao khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản để chuyển đổi số thực sự là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Chuyển đổi số nông nghiệp tiến lên quy mô sản xuất lớn
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, bất lợi hơn hẳn so với chuyển đổi số công nghiệp do bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn,… Bên cạnh đó, không những hoạt động canh tác sản xuất nông sản khá vất vả, mà quá trình bảo quản, sơ chế và chế biến sau thu hoạch cũng không kém phần phức tạp, dễ dẫn đến nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, khi sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn manh mún, quy mộ nông hộ nhỏ lẻ thì khó có thể triển khai cơ giới hóa, tự động hóa hoặc ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số. Để tận dụng thế mạnh là vựa lúa, vựa trái cây của cả nước, các tỉnh sẽ cần tìm cách để gắn kết các viện trường, nhà khoa học với nhà nông, từ đó đưa công nghệ mới, công nghệ thông minh ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân cải thiện thu nhập và điều kiện sản xuất. Mặt khác, nếu doanh nghiệp có thể kết hợp được với nông hộ để mở rộng quy mô canh tác, sử dụng nền tảng CNTT và cơ sở dữ liệu phục vụ phân tích và ra quyết định về canh tác, thì sẽ có nhiều thuận lợi để thay đổi cả về công nghệ lẫn trình độ kỹ thuật. Khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể được nâng lên một tầm cao mới, đạt hiệu quả tốt hơn.
Tham gia Hội thảo “Công nghệ thông minh với tiến trình chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, sự phát triển của khoa học và công nghệ là một xu thế, tạo ra nhiều cơ hội cho các địa phương. Dù công nghệ gì thì quan trọng nhất vẫn là hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, nhằm tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, sẽ không thể thay đổi ngay lập tức. Có những việc cần lên kế hoạch phát triển dài hơi, như đổi mới phương thức canh tác, sản xuất, chuyển giao các công nghệ tự động hóa có kết nối với hệ thống máy tính, rồi sau đó mới tính đến chuyện chuyển đổi số và canh tác thông minh. Tuy nhiên, vẫn có những việc có thể và cần tiến hành ngay, chẳng hạn như công tác quản lý, điều hành, hoặc là phân phối nông sản bằng kênh thương mại điện tử, bằng các phương thức chuyển đổi số trong giao dịch, mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân.
Các chuyên gia gợi ý, trong định hướng ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từng địa phương cần xác định nhu cầu cần thiết của người dân tại đó, như phát triển du lịch, phát triển thương mại - dịch vụ,
hỗ trợ canh tác - nuôi trồng thủy sản hay phòng chống thiên tai,… nhằm lựa chọn hạ tầng công nghệ tiêu chuẩn vừa có thể ứng dụng hiệu quả trong thời gian hiện tại, lại vừa có thể mở rộng trong tương lai. Tất cả xuất phát từ quan điểm và nhu cầu, khả năng đầu tư - sử dụng hiệu quả, xây dựng từng thành phần có định hướng nối kết liên thông, kết hợp cùng khả năng hoàn thiện quản trị điện tử, dịch vụ và nâng cấp trình độ, khả năng tiếp thu sử dụng của người dân.
Ngày xuất bản: Tháng 7+8/2022 (Số 257+258)
Thông tin
Nhóm phóng viên: THƯ LIỄU, KIỀU KHANH, KHÁNH LINH
Báo Tự động hóa ngày nay
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông