Mã số N2096: Một số kỹ thuật giúp học sinh học tập tiến bộ môn toán lớp 5

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

  I. Đặt vấn đề     

   1- Mục tiêu

  Mục tiêu tổng quát của đề tài là tìm ra các biện pháp nhằm nâng bậc học sinh chậm môn toán ở lớp 5- đây cũng chính là góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục và cho mỗi giáo viên đứng lớp là làm thế nào để nâng cao chất lượng học sinh, tránh để học sinh ngồi nhầm lớp. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về mức độ nắm và vận dụng kiến thức của từng học sinh là vô cùng quan trọng, từ đó mà để ra các biện pháp, phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh thì hiệu quả giảng dạy sẽ cao hơn.

              Mục tiêu cụ thể là nhằm giúp học sinh chậm môn toán nắm kiến thức ngày càng vững vàng hơn, hăng say trong giờ học toán và làm nền tảng vững chắc cho các lớp trên, bởi vì, có những em tiếp thu bài rất chậm, có những em nắm được nội dung lý thuyết nhưng khi vận dụng thực hành lại không áp dụng được, dẫn đến các em chán nản trong giờ học toán, dần dần các em sẽ bị chậm ở môn toán.

              Môn toán lớp 5 chủ yếu là ôn luyện các kiến thức đã học ở các lớp dưới và vận dụng sâu hơn, vì vậy, những học sinh chưa nắm chắc các kiến thức các lớp dưới, đặc biệt là lớp 4 thì việc học toán lớp 5 trở nên vô cùng khó khăn. Cụ thể các mục tiêu đó là:

     - Giúp học sinh yếu củng cố kiến thức cơ bản, bổ trợ những kiến thức HS bị hổng từ các lớp dưới.

    - Giúp học sinh có thói quen độc lập suy nghĩ, tự giác trong học tập, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật.

              Đó cũng chính là đạt được mục tiêu dạy học môn Toán ở lớp 5, để học sinh nắm vững kiến thức cũ và tiếp thu tốt kiến thức mới, giúp các em hứng thú trong học tập và cũng là để đạt được mục tiêu giáo dục của ngành, đáp ứng nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh và học sinh.

              Trong quá trình giảng dạy và giáo dục học sinh hiện nay, một thực trạng không hiếm đó là trong quá trình học tập trên lớp, nhất là môn toán có một bộ phận học sinh tiếp thu bài còn chậm, thiếu tự tin dẫn đến lười học, không hoàn thành yêu cầu bài học, một bộ phận học sinh khác tiếp thu bài chậm, có nhiều “lỗ hổng” kiến thức, kỹ năng và phương pháp học tập Toán chưa tốt. Làm sao để các em hiểu bài, theo kịp các bạn và có niềm tin trong học tập? Đặc biệt là lớp 5, lớp cuối cấp, chuẩn bị cho các em bước vào học bậc trung học cơ sở. Làm sao để các em nắm chắc và vận dụng tốt các kiến thức, kĩ năng toán ở tiểu học, chuẩn bị tiếp thu các kiến thức lớp 6- đấy là điều mà tôi vô cùng trăn trở.

              Mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, các em khác nhau về ngoại hình, tích cách và cả khả năng nhận thức trong học tập. Có học sinh tiếp thu bài học rất nhanh, nhưng cũng có những em tiếp thu bài rất chậm, thậm chí là không hiểu gì thông qua các hoạt động trên lớp (Nhất là môn Toán ) môn này có vị trí rất quan trọng, là một giáo viên chủ nhiệm thì tôi phải làm gì đối với những học sinh chậm tiếp thu?  Đó chính là vấn đề mà tôi rất quan tâm và nó luôn thôi thúc tôi trong suốt quá trình dạy học.

              Vì những lí do như vậy nên tôi mạnh dạn chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm: “Một số kỹ thuật giúp học sinh học tập tiến bộ môn toán lớp 5” là sáng kiến nhỏ được rút ra trong quá trình dạy học mong được góp phần nào vào việc tích lũy kinh nghiệm trong công tác dạy học.

2. Cơ sở lí luận

              Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đất nước ta cũng đang tích cực hội nhập sâu rộng với thế giới, để có thể hội nhập thành công với toàn thế giới thì quan trọng nhất vẫn là phát triển nền giáo dục Việt Nam một cách vững mạnh, toàn diện.                Vì vậy, trong tất cả các chính sách phát triển của đất nước, Đảng và nhà nước ta luôn dành sự quan tâm cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp trẻ em - “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”-đó là câu khẩu hiệu mà mỗi thầy cô giáo đều phải thấm nhuần trong quá trình giáo dục học sinh một cách toàn diện ở tất cả các mặt : đức, trí, lao, thể, mĩ. Riêng về mặt học tập, đặc biệt là môn Toán thì càng cần phải quan tâm, chú trọng nhiều. Môn toán ở tiểu học bước đầu hình thành khả năng trừu tượng hóa, khái quát hóa, kích thích trí tưởng tượng của học sinh. Môn toán là chìa khóa mở cửa cho tất cả các ngành khoa học khác, nó là công cụ cần thiết cho người lao động thời hiện đại, nó góp phần giáo dục con người phát triển toàn diện hơn. Môn toán có vai trò rất quan trọng. Toán học góp phần hình thành phát triển nhân cách của học sinh.Cung cấp tri thức ban đầu về số học, các số tự nhiên các phân số, các đại lượng cơ bản , một số yếu tố hình học đơn giản , ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Nếu học sinh yếu toán cũng là đồng nghĩa với việc các em phát triển chưa trọn vẹn nó ảnh hưởng đến tương lai của chính bản thân các em và cả xã hội. Ngay từ cấp tiểu học chúng ta cần tạo nền tảng vững chắc cho các em, bằng cách là không để cho học sinh yếu toán, đây là vấn đề mà mỗi giáo viên chúng ta cần phải quan tâm.

              Như chúng ta đã biết khả năng phân tích của học sinh tiểu học còn kém, các em thường tri giác trên tổng thể. Tri giác thường gắn với hành động, với hoạt động thực tiễn của trẻ. Về sau ở lớp cuối tiểu học, các hoạt động tri giác đã phát triển và được hướng dẫn bởi các hoạt động nhận thức khác nên chính xác dần.

              Ở lứa tuổi học sinh tiểu học chú ý có chủ định của các em còn yếu, khả năng điều chỉnh chú ý một cách có ý chí chưa mạnh.Chú ý không chủ định được phát triển.Những gì mang tính mới mẻ, bất ngờ, rực rỡ, khác thường dễ dàng lôi cuốn sự chú ý của các em, không có sự nỗ lực ý chí. Sự chú ý này thường hướng ra bên ngoài,vào hành động mà chưa có khả năng hướng vào bên trong , vào tư duy. Vì thế tư duy của trẻ vẫn là tư duy cụ thể, mang tính hình thức bằng cách dựa vào đặc điểm trực quan của những đối tượng và hiện tượng cụ thể

II.  Thực trạng

1.    Những tồn tại, hạn chế:

        Hiện nay vẫn còn một bộ phận học sinh yếu toán bởi những lí do đó là:

     1.1-  Từ học sinh:   Sự yếu Toán ở học sinh được biểu hiện bằng nhiều hình, nhiều vẻ nhưng nhìn chung các em yếu Toán thường có các đặc điểm sau đây:

  - Các em có nhiều “lỗ hổng” kiến thức, kỹ năng trong học Toán.

   - Các em tiếp thu bài còn chậm.

   - Phương pháp học tập Toán của các em chưa tốt.

   - Chưa tự giác học, chưa có động cơ học tập.

   - Khả năng phân tích tổng hợp, so sánh còn hạn chế, chưa mạnh dạn trong học tập do hiểu chưa sâu, nắm kiến thức chưa chắc, thiếu tự tin.

   - Học sinh lười suy nghĩ, còn trông chờ thầy cô giải giúp, trình độ tư duy, vốn kiến thức cơ bản lớp dưới còn hạn chế.

   - Khả năng chú ý và tập trung vào bài giảng của giáo viên không bền.

  - Học sinh đi học thất thường, có em nghỉ học trong một tuần 2 – 3 buổi.

  - Ở nhà các em chưa tự giác ôn bài, làm bài, chưa lập được thời gian biểu hằng ngày.

  - Khả năng học tập của HS rất khác nhau.

  - Mỗi em có một khả năng nổi trội riêng nhưng các em chưa biết phát huy khả năng của mình.

  - Yếu các kỹ năng tính toán cơ bản, cần thiết (cộng, trừ, nhân, chia).

  - Học vẹt, không có khả năng vận dụng kiến thức.

    1.2- Từ phụ huynh

- Một bộ phận phụ huynh chưa thật sự quan tâm, chăm lo và đôn đốc con em mình học tập, còn phó thác cho nhà trường, cho thầy cô.

- Một bộ phận phụ huynh thường xuyên đi là ăn xa, phó mặc con cho ông bà ở nhà nên thiếu đi sự đôn đốc từ phía phụ huynh.
 2. Hiện trạng của vấn đề cần giải quyết và kết quả mong muốn:

    2.1. Thuận lợi:

- Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường, cung cấp các trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp với đặc trưng môn Toán.

- Được sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp khi gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy.

- Sự quan tâm của Ban đại diện Phụ huynh học sinh, cha mẹ học sinh.

- Giáo viên nhiệt huyết trong viêc giảng dạy.

- Học sinh có đủ đồ dùng học tập.

    2.2 Khó khăn

-Địa bàn dân cư đông nên đời sống một số bộ phân nhân dân còn nhiều khó khăn.

-Phụ huynh ít gặp gỡ giáo viên để trao đổi về cách dạy cho con em lúc ở nhà.

- Một số học sinh thiếu sự quan tâm, nhắc nhở từ gia đình.Một số khác ngoài giờ học còn phải phụ giúp gia đình nên ảnh hưởng đến việc học.

- Các em chưa nắm vững các kiến thức ở lớp dưới.

- Trong những năm qua tôi đã theo dõi học sinh lớp tôi chủ nhiệm cũng như học sinh của toàn khối khi học môn Toán tôi thấy các em có một thói quen không tốt:  Đa số học sinh đọc các đề bài toán qua loa sau đó làm bài ngay, làm xong không cần kiểm tra lại kết quả, cho nên khi trả bài các em mới biết là mình sai hoặc các em bị hỏng kiến thức cũ, ví dụ như các em không thuộc bảng nhân, chia; hay không nhớ cách cộng, trừ, nhân chia phân số..;  Khả năng tính nhẩm kém chưa thuần thục dẫn đến tính toán chậm, thiếu chính xác khi thực hiện các phép tính với số có nhiều chữ số hay phân số, số thập phân. Chưa có kỹ năng làm bài tập dạng trắc nghiệm, lười tính và thường chọn kết quả theo cảm tính hoặc xem bài của bạn. Mặt khác, các em chưa biết cách suy luận khi giải toán. Các em rất sợ các bài tập về giải toán vì ảnh hưởng bởi khả năng đọc hiểu và không biết tính hoặc tính thiếu chính xác.

III. Giải quyết vấn đề

1.    Nội dung thực hiện:

*Xây dựng môi trường học tập thân thiện:

 -Sự thân thiện của giáo viên là điều kiện cần để những biện pháp đạt hiệu quả cao. Thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười… giáo viên tạo sự gần gũi, cảm giác an toàn nơi học sinh để các em bày tỏ những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống của bản thân mình.

-Tôi luôn tạo cho bầu không khí lớp học thoải mái, nhẹ nhàng, không đánh mắng hoặc dùng lời thiếu tôn trọng với các em, đừng để cho học sinh cảm thấy sợ giáo viên mà hãy làm cho học sinh thương yêu và tôn trọng mình.

- Bên cạnh đó, tôi phải là người đem lại cho các em những phản hồi tích cực. Ví dụ như tôi nên thay chê bai bằng khen ngợi và tìm những việc làm mà em hoàn thành dù là những việc nhỏ để khen ngợi các em.

 * Phân loại các đối tượng học sinh:

-Tôi phải xem xét, phân loại những học sinh yếu đúng với những đặc điểm vốn có của các em để lựa chọn biện pháp giúp đỡ phù hợp với đặc điểm chung và riêng của từng em. Một số khả năng thường hay gặp ở các em là: Sức khoẻ kém, khả năng tiếp thu bài, lười học, thiếu tự tin, nhút nhát…

-Trong thực tế người ta nhận thấy có bao nhiêu cá thể thì sẽ có chừng ấy phong cách nhận thức. Vì vậy hiểu biết về phong cách nhận thức là để hiểu sự đa dạng của các chức năng trí tuệ giúp cho việc tổ chức các hoạt động sư phạm thông qua đặc trưng này.

-Trong quá trình thiết kế bài học, tôi cần cân nhắc các mục tiêu đề ra nhằm tạo     điều kiện cho các em học sinh yếu được củng cố và luyện tập phù hợp.

-Trong dạy học cần phân hóa đối tượng học tập trong từng hoạt động, dành cho đối tượng này những câu hỏi dễ, những bài tập đơn giản để tạo điều kiện cho các em được tham gia trình bày trước lớp, từng bước giúp các em tìm được vị trí đích thực của mình trong tập thể. Yêu cầu luyện tập của một tiết là 4 bài tập, các em này có thể hoàn thành 1, 2 hoặc 3 bài tuỳ theo khả năng của các em.

- Ngoài ra, tôi có thể tổ chức phụ đạo cho những học sinh yếu khi các biện pháp giúp đỡ trên lớp chưa mang lại hiệu quả cao. Tôi đã tổ chức phụ đạo các em trong những tiết luyện của buổi hai. Tuy nhiên, việc tổ chức phụ đạo phải kết hợp với hình thức vui chơi nhằm lôi cuốn các em đến lớp đều đặn và tránh sự quá tải, nặng nề.

 *Giáo dục ý thức học tập cho học sinh:

-Tôi cần phải giáo dục ý thức học tập của các em tạo cho các em sự hứng thú trong học tập, từ đó sẽ giúp cho các em có ý thức vươn lên. Trong mỗi tiết dạy tôi phải liên hệ nhiều kiến thức vào thực tế để các em thấy được ứng dụng và tầm quan trọng của môn học trong thực tiễn. Từ đây, các em sẽ ham thích và say mê khám phá tìm tòi trong việc chiếm lĩnh tri thức.

-Bên cạnh đó, tôi phải tìm hiểu từng đối tượng học sinh về hoàn cảnh gia đình và nề nếp sinh hoạt, khuyên nhủ các em về thái độ học tập, tổ chức các trò chơi có lồng ghép việc giáo dục các em về ý thức học tập tốt và ý thức vươn lên trong học tập, làm cho các em thấy tầm quan trọng của việc học. Đồng thời, tôi phải phối hợp với gia đình giáo dục ý thức học tập cho các em. Do hiện nay, có một số phụ huynh luôn gò ép việc học của con em mình, sự áp đặt và quá tải sẽ dẫn đến chất lượng không cao.Vì thế, tôi đã phân tích để các bậc phụ huynh thể hiện sự quan tâm đúng mức. Nhận được sự quan tâm của gia đình, thầy cô sẽ tạo động lực cho các em ý chí phấn đấu vươn lên.

-Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta phối hợp một cách nhịp nhàng và chặt chẽ giữa gia đình    và nhà trường thì dù các em có học yếu và không có ý thức trong học tập cỡ nào thì dưới tác động của gia đình và nhà trường nhất định rằng việc học của các em sẽ dần tiến bộ.

*Kèm cặp học sinh chậm tiếp thu:

-Ngay từ đầu năm tôi cần phải khảo sát chất lượng để biết số lượng học sinh yếu là bao nhiêu để có kế hoạch phụ đạo. Như lớp 5Amà bản thân tôi đang chủ nhiệm, sau khi thi khảo sát chất lượng đầu năm thì có 5 học sinh yếu và bản thân đã lên kế hoạch phụ đạo cho các em.

-Lập danh sách học sinh yếu và chú ý quan tâm đặc biệt đến những học sinh này trong mỗi tiết dạy như thường xuyên gọi các em đó lên trả lời câu hỏi, làm các bài tập đơn giản nhất, khen ngợi các em đó khi các em trả lời đúng, làm đúng…

2.    Giải pháp:

2.1.  Sử dụng và kết hợp, hợp lý các phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh:

      - Ngay trong những tiết học Toán đầu năm, tôi đã lập kế hoạch, tham khảo với đồng nghiệp về việc sử dụng, kết hợp các phương pháp dạy học để giúp các em tiến bộ hơn. Ngoài ra, chủ nhật hàng tuần cần tới nhà học, trao đổi với phụ huynh, quan sát góc học tập, xem thời gian biểu của các em và góp ý bổ sung. Từ đó, nhờ phụ huynh kèm thêm ở nhà, theo dõi, kiểm tra ở lớp, nhờ đó mà các em tiến bộ rõ rệt nhất là phần nhân, chia số có nhiều chữ số, cộng, trừ, nhân, chia phân số.

  Ví dụ: Khi các em không nhớ được cách làm, khi đó chúng ta cần nhẹ nhàng hướng dẫn kĩ cho các em từng bước, từ cách ước lượng để chia, nguyên tắc cộng, trừ, nhân, chia phân số

Chẳng hạn: cộng hai phân số:

 - có em làm:

có em khác làm:

 , như vậy các em này đã nhầm sang nhân, chia phân số. Lúc này phải cho các em ôn lại các quy tắc cộng, trừ, nhân, chia phân số.Tập cho học sinh làm lại nhiêu lần để học sinh nhớ và vận dụng  được.  

  2.2. Khuyến khích từng học sinh chủ động và tích cực hoạt động học tập đem lại kết quả cao nhất cho từng học sinh:

   - Đối với những em yếu Toán, giáo viên không nên khắt khe đòi hỏi các em làm những bài tập quá sức, mà ra bài tập vừa sức các em làm được để các em có niềm tin trong học tập, lúc đó giáo viên khen ngợi kịp thời và tăng bài tập ở mức học sinh trung bình có thể làm được. Như vậy giao việc cho học sinh từ dễ đến vừa sức.

  Ví dụ: Khi dạy các em về tính diện tích hình tam giác giáo viên cần cho học sinh chuẩn bị hai hình tam giác nhỏ bằng nhau (bằng giấy) và kéo để các em cắt hình theo hướng dẫn của giáo viên:

  - Lấy một trong hai hình tam giác bằng nhau.

    - Vẽ một đường cao lên hình tam giác đó.

   - Cắt theo đường cao, được hai mảnh tam giác ghi là 1 và 2

    - Ghép hai mảnh 1 và 2 vào hình tam giác còn lại để thành một hình chữ nhật ABCD. Sau đó giáo viên gợi ý để học sinh tự nhận ra: Diện tích hình chữ nhật ABCD chính là diện tích của hai hình tam giác bằng nhau các em đã chuẩn bị. Từ đó các em tự tìm ra được quy tắc và diện tích tính hình tam giác. Sau khi các em nắm được bài, giáo viên ra bài tập cho các em từ dễ dến vừa sức,

 Chẳng hạn: -Tính diện tích hình tam giác biết:

  a) Độ dài đáy là 5 cm và chiều cao là 6cm

  b) Độ dài đáy là 42,5cm và chiều cao là 5,2cm.

  c) Độ dài đáy là 30,5dm và chiều cao là 1,2m.

  Ở câu c, phải hướng dẫn học sinh rút ra được: cần phải đổi cho độ dài đáy và chiều cao có cùng một đơn vị đo rồi mới tính diện tích được.

Như vậy, qua áp dụng sáng kiến trên chúng ta đã tổ chức cho các em chủ động chiếm lĩnh kiến thức và sau đó chúng ta giao việc cho các em từ dễ dến vừa sức.

2.3. Khơi dậy tính tò mò và năng lực của từng học sinh qua các hoạt động học tập nhằm khám phá để có được những hiểu biết theo bài học:

  - Trong quá trình giảng dạy, ta cần có các đồ dùng trực quan đẹp, phù hợp với nội dung bài để học sinh hứng tú học tập, cần liên hệ thực tế và mở rộng kiến thức để các em áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.

 Ví dụ: Khi dạy về hỗn số, cần có mảnh bìa hình tròn, hình vuông hoặc quả cam để chia các phần bằng nhau. Khi dạy về đơn vị đo khối lượng cần có cân, các bài toán có lời văn nên có hình ảnh minh họa…

       2.4. Coi học sinh là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học:

    - Trong quá trình dạy học, người giáo viên tổ chức, hướng dẫn và là trọng tài khoa học. Mọi học sinh đều được hoạt động và phát triển.

    - Giáo viên cần tránh nói nhiều và làm thay cho học sinh.

    - Cần tổ chức cùng làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

   Ví dụ:  Khi dạy về Diện tích xung quanh và diện tích toàn phân của hình lập phương thì giáo viên không nên áp đặt học sinh mà cần đưa mô hình trực quan, giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát nhận xét rút ra kết luận : hình lập phương là hình hộp chữ nhật đặc biệt (có 3 kích thước bằng nhau). Học sinh tự rút ra kết luận về công thức tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần của hình lập phương sau đó áp dụng công thức để làm bài tập.

2.5. Kết hợp với cha mẹ học sinh, tổ chức học ở nhà cho học sinh.

    - Qua các buổi họp phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ các em trang trí lại góc học tập, lên thời gian biểu cho các em học ở nhà, giáo dục cho các em tự giác học bài ở nhà.

  Ví dụ: Sau khi trao đổi, bàn bạc với  huynh sắp xếp lại góc học tập cho các em, góc học tập là nơi có đủ ánh sáng, không gần ti vi và nơi tiếp khách của bố mẹ, Sau đó lên lịch cho các em tự học.

2. 6. Thường xuyên kiểm tra kiến thức cũ, truy bài đầu giờ:

   - Giáo viên đến lớp trước 15 phút để kiểm tra.

    - Lớp trưởng, tổ trưởng truy bài đầu giờ. Giáo viên khen thưởng khuyến khích tiến bộ của học sinh.

    Ví dụ: Giáo viên chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm ba đến 4 em. Trước buổi học các em tự ôn bài, truy bài . Chẳng hạn hôm nay tiết Toán học bài Phép cộng số thập phân thì trước buổi học đó các em truy bài, ôn bài về cách cộng hai số tự nhiên có nhiều chữ số để khi tiếp thu kiến thức mới các em đã nắm vững kiến thức cũ, có như vậy các em mới hiểu bài, tiết dạy mới thành công.

2.7. Chia nhóm, phân công bạn giỏi kèm bạn yếu

    - “ Học thầy không tầy học bạn”. Để các em học sinh gần gũi nhau và giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh, giáo viên phân công, chia nhóm cho các em học tập ở lớp cũng như ở nhà. Bạn giỏi có trách nhiệm giúp các bạn yếu tiến bộ, bạn yếu phải tiếp thu học hỏi.

            2.8. Dành thời gian, giảng giải kiến thức cũ mà học sinh chưa nắm vững:

   - Muốn tiếp thu kiến thức mới thì học sinh phải nắm vững kiến thức cũ. Qua các buổi phụ đạo hàng tuần giáo viên ôn tập và củng cố kiến thức cũ cho các em về đọc, viết số thập phân, các phép tính với số tự nhiên, phân số, số thập phân và giải toán có lời văn các dạng toán điển hình, các dạng toán về tỉ số phần trăm, toán về chu vi, diện tích các hình…

   Ví dụ: khi phụ đạo cho các em về đọc, viết số thập phân: Giáo viên hỏi học sinh: số thập phân gồm mấy phần? Là những phần nào? Được sắp xếp ở vị trí thế nào? Học sinh trả lời theo hiểu biết của các em. Sau đó giáo viên nói cho học sinh rõ: Phần nguyên cũng như số nguyên trước đây đã học: các chữ số được sắp xếp từ phải sang trái, kể từ dấu phẩy là các chữ số hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn… Phần thập phân: kế từ dấu phẩy, các chữ số được sắp xếp từ trái sang phải là các chữ số hàng phần mười, hàng phần trăm, hàng phần nghìn…

   Ví dụ: Có số thập phân 123,456 thì:

    - Phần nguyên gồm có: 1 trăm 2 chục 3 đơn vị.

    - Phần thập phân gồm có: 4 phần mười, 5 phần trăm, 6 phần nghìn.

   - Đọc là: Một trăm hai mươi ba phẩy bốn trăm linh sáu.

    Cho học sinh đọc số thập phân, nêu phần nguyên, phầm thập phân và giá trị vị trí của mỗi chữ số ở từng hàng, rồi sau đó cho các em viết số thập phân.

   - Khi cô giáo đọc: Một trăm hai mươi ba đơn vị, các em viết 123. Sau số này các em đánh dấu phẩy. Khi cô đọc tiếp 4 phần mười, các em viết số 4; 5 phần trăm các em viết số 5; 6 phần nghìn các em viết số 6. - Cuối cùng, ta được số thập phân 123,456.

   - Sau đó cho học sinh nhắc lại cách đọc, viết số thập phân.

            2.9. Tổ chức cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức từng chương qua các trò chơi:

   - Hình thức ôn tập này, giúp các em ôn tập, củng cố kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú và hiệu quả. Thời gian qua, trong khối lớp 5 đã tổ chức cho các em học Toán “ Vui – học, Học – vui” qua các trò chơi sau: Trò chơi “ Hái hoa dân chủ”, Trò chơi “ Chọn số”, Trò chơi “Xem ai nhớ nhất”, Trò chơi “ Mặt xanh mặt đỏ”, Trò chơi “ Ai nhanh, ai đúng”… Học Toán qua các trò chơi, học sinh tham gia sôi nổi, hào hứng và có sự tiến bộ rõ rệt. Ví dụ: Trò chơi “ Hái hoa dân chủ” dùng để ôn tập cho học sinh sau mỗi chương học. Hình thức ôn tập này, câu hỏi và bài tập là những kiến thức các em đã học, học sinh lần lượt lên hái hoa (có ghi nội dung câu hỏi hoặc bài tập) học sinh trả lời đúng nội dung câu hỏi, cả lớp và thầy cô vỗ tay khen ngợi. Hình thức ôn tập này giúp các em ôn tập, củng cố kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú và hiệu quả.

    Đặc biệt lưu ý:  trong một tiết học chúng ta phải cho tất cả các em hoạt động cho dù học sinh yếu hay giỏi bằng nhiều cách để lôi cuốn các em tham gia vào hoạt động học, trách tình trạng giáo viên để học sinh ngoài lề. Ví dụ trong một tiết học đến phần bài tập giáo viên phân ra từng đối tượng học sinh. Bài tập 1 cho nhóm yếu làm, bài 2 nhóm TB, bài 3 nhóm khá giỏi, như vậy hy vọng mới khắc phục dần tình trạng học sinh yếu. Nếu giáo viên cứ cho học sinh hoạt động bình thường từ bài 1 đến bài 3-4 thì học sinh yếu không biết gì và thậm chí bỏ học vì chán. Hoặc trong lớp học có học sinh yếu (không nắm kiến thức lớp học dưới) với đối tượng này khi dạy giáo viên lưu ý : trong phần bài mới cho học sinh theo dõi bình thường, đến phần bài tập, hay là tiết luyện tập giáo viên cho những đối tượng này làm các bài tập mà kiến thức liên quan lớp dưới, học cho học sinh nhắc lại kiến thức cũ.

Ví dụ khi học sinh làm bài tập 75,6 : 3,6 = ? với bài này học sinh làm sai  thì chứng tỏ học sinh không nắm được cách chia cho số có 2,3 chữ số đã học ở lớp 4. Vậy giáo viên cần hướng dẫn  học sinh lại cách chia. Nói chung học sinh hổng kiến thức ở đâu thì giáo viên phải có kế hoạch ôn tập, bổ sung ở đó
  - Bên cạnh đó, trong buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng (2 tuần/lần) giáo viên báo cáo tiến độ tiếp thu bài của những học sinh yếu cho Tổ và giáo viên trong tổ, từ đó giáo viên nào còn vướn mắc thì được tập thể giáo viên trong tổ góp ý bổ sung, chia sẻ cho nhau các biện pháp hay, hiệu quả.
 IV. Bài học kinh nghiệm

1.    Kết quả

   Sau khi áp dụng các biện pháp phụ đạo, nâng bậc học sinh yếu, thực tế cho thấy : Các em có ý thức hơn trong việc học Toán. Học sinh phấn khởi, tự tin hơn trong các tiết học. Các em thích học Toán, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài. Kết quả học tập Toán có tiến bộ rõ rệt. Qua hiểu biết của các em, sự chiếm lĩnh kiến thức của các em, giáo viên cũng như cha mẹ học sinh biết được các em có được gì, cần gì, và chúng ta phải làm gì cho học sinh. Vì vậy, khi phụ đạo cho các em yếu Toán, chúng ta cần kiên trì, nhẫn nại, không nôn nóng, giống như “mưa dầm thấm lâu” do đó, dạy đến đâu cần cho trẻ nắm chắc đến đấy nhằm giúp các em đạt được kết quả học Toán theo mong muốn. Sau khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm vào dạy học kết quả học tập của học sinh chuyển biến rõ rệt, cụ thể như sau :

    * Tình hình phát biểu xây dựng bài:

   - Khi chưa áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Các em chưa mạnh dạn phát biểu tham gia xây dựng bài.

    - Sau khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Học sinh tích cực phát biểu, tự tin xung phong tham gia làm bài, nhận xét bài của bạn.

  * Thái độ mạnh dạn, nhanh nhẹn, trong học Toán:

    - Khi chưa áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Các em còn thiếu tự tin, chưa mạnh dạn trong quá trình học.

    - Sau khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Tự tin, tích cực, chủ động tham gia phát biểu.

    Như vậy, qua kết quả trên cho thấy thái độ nhút nhát , thụ động, giảm dần thay vào đó là thái độ mạnh dạn, hăng say phát biểu chủ động chiếm lĩnh kiến thức tăng lên. Do đó kết quả học tập nâng cao rõ rệt. Kết quả trên góp phần hình thành con người toàn diện giúp học sinh vận dụng kết quả vào thực tiễn và là nền tảng vững chắc trên con đường học tập của các em.

     Số liệu tổng hợp qua các kỳ kiểm tra của lớp tôi năm học  2021-2022 như sau:

 2. Kết luận:

     Từ kết quả đạt được sau khi áp dụng sáng kiến trên tôi đã rút ra kết luận, đó là:

    - Để không còn học sinh yếu trước hết cần phải tiến hành việc điều tra, tìm hiểu cụ thể từng đối tượng học sinh cũng như theo dõi sự chuyển hoá của từng em. Trong từng thời điểm cụ thể mà có biện pháp phụ đạo phù hợp cho từng đối tượng học sinh.

   - Giáo viên phải nắm chắc chương trình, có kế hoạch giảng dạy phù hợp.

   - Giáo viên cần phải nhiệt tình theo dõi sát học sinh để kịp thời bồi dưỡng, phụ đạo.

   - Giáo viên phải nắm rõ từng đối tượng học sinh, phát hiện những chỗ hổng kiến thức của học sinh để có kế hoạch phụ đạo kịp thời.

    - Giáo viên cần có nhiều hình thức tổ chức dạy học để học sinh học tập nhẹ nhàng.

   - Giáo viên phải luôn luôn tự học tự rèn để có kiến thức vững vàng, giúp học sinh học tập có kết quả.

  -  Giáo viên nên động viên, khen ngợi kịp thời các học sinh có tiến bộ nhằm thúc đẩy tinh thần thi đua học tập của các em.

  - Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

  - Việc phụ đạo học sinh yếu cần thực hiện bằng nhiều con đường thông qua nhiều hình thức khác nhau và vận dụng một cách linh hoạt.

  - Khi thực hiện phụ đạo học sinh yếu cần tránh xúc phạm đến nhân cách của học sinh, giáo viên cần có thái độ phù hợp và phải có tính kiên trì, yêu thương gần gũi với học sinh.

Thông tin

Tên tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thúy


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông