Mã số N3052: Dấu ấn trí tuệ Việt trong sản phẩm công nghệ thông minh

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Hơn 4 năm ấp ủ, cho ra đời sản phẩm loa thông minh thuần Việt OLLI MAIKA là một thời gian khá dài đối với một startup công nghệ. Và với đôi bạn Tạ Thanh Hải và Bùi Bách Việt-hai nhà đồng sáng lập Công ty cổ phần Công nghệ OLLI (OLLI), đó mới chỉ là chặng đường đầu tiên trên con đường dài để hiện thực hóa giấc mơ người Việt làm chủ công nghệ và sáng tạo những sản phẩm “make in Vietnam”.

Ðội ngũ kỹ sư của OLLI nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Loa thông minh thuần Việt

Tháng 5/2021, OLLI MAIKA xuất hiện trên thị trường công nghệ và được coi là loa thông minh thuần Việt đầu tiên. Loa thông minh OLLI MAIKA sử dụng công nghệ trợ lý ảo MAIKA, người dùng chỉ cần gọi “MAIKA ơi”, sau đó nêu ra các yêu cầu cần thực hiện để giao tiếp với các thiết bị. Lý giải về cái tên MAIKA, Bùi Bách Việt-đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành OLLI cho biết: “Tên phải dễ nhớ, dễ gọi và dễ nhận dạng với phần mềm và đặc biệt tránh giống những từ sử dụng hằng ngày để khỏi nhầm lẫn. Bộ phim “Maika-cô bé từ trên trời rơi xuống” từng trình chiếu ở Việt Nam, thân thuộc trong ký ức nhiều người Việt Nam. Chúng tôi chọn cái tên MAIKA với ý nghĩa một sản phẩm đến từ công nghệ AI và đám mây giống như cô bé Maika trong phim”.

OLLI MAIKA do người Việt làm chủ cả phần cứng và phần mềm, không chỉ có thể hiểu và nói tiếng Việt mà còn được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. “Thực tế các thiết bị phụ trợ của Trung Quốc rẻ hơn nhưng chúng tôi vẫn muốn làm một sản phẩm mà phần cứng hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam”-Việt cho biết. Theo Việt, kỹ sư Việt Nam giỏi nhưng còn thiếu kinh nghiệm, chưa có những kiến thức chung về thiết kế phần cứng nên phải trải qua thời gian dài thử nghiệm, làm đi làm lại rất nhiều. Hơn nữa, loa được sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam nhưng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được. Vì vậy, dù có nhiều ý tưởng hay, thiết kế độc đáo nhưng nhiều lần OLLI đành phải thay đổi thiết kế cho phù hợp với năng lực sản xuất ở Việt Nam.

Linh hồn của sản phẩm là trợ lý ảo MAIKA với khả năng nghe, hiểu và phản hồi nhanh nhạy, chính xác, thân thiện với người dùng qua tương tác bằng giọng nói, phù hợp với văn hóa Việt Nam. “Chúng tôi đầu tư nghiên cứu 3 công nghệ lõi của trí tuệ nhân tạo (AI) là nhận dạng tiếng nói, hiểu ngôn ngữ và nói hoàn toàn bằng tiếng Việt. Làm phần cứng mất nhiều thời gian nhưng không khó bằng xây dựng hệ thống phần mềm công nghệ lõi. AI là một lĩnh vực hoàn toàn mới, chúng tôi phải mò mẫm đi thu âm, thu thập dữ liệu ở các vùng miền và mất hàng nghìn giờ để huấn luyện những model AI”, Tạ Thanh Hải, đồng sáng lập OLLI giải thích.

Với sự trợ giúp của trợ lý ảo, người dùng có thể ra lệnh mở nhạc, gọi điện thoại, nhắc công việc, nghe đài, kể chuyện... OLLI trực tiếp xây dựng và kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ-tin tức-nội dung uy tín để làm phong phú kho nội dung. Thậm chí, OLLI tự thu âm sản xuất, hợp tác phát hành các đầu truyện, lựa chọn nội dung phù hợp dành cho thiếu nhi. Hiện nay, OLLI MAIKA có gần 30 nghìn tập podcast, gần 500 truyện sách thu âm, hơn 250 truyện cổ tích dành cho trẻ em… Đánh giá về tính năng này, anh Đặng Ngọc Bình (khách hàng ở TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Kho truyện đa dạng và đủ cho nhu cầu của bé, tôi dạy bé dùng câu lệnh để mở truyện nhờ đó giảm được việc cho bé dùng các thiết bị điện tử khác”.

Được biết, tính năng điều khiển nhà thông minh được sử dụng nhiều nhất trên loa OLLI MAIKA bởi nó phù hợp để vận hành trên nhiều thiết bị và hình dạng sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, người dùng có thể xây dựng ngữ cảnh để MAIKA thực hiện. Chẳng hạn như khi người dùng về nhà thì MAIKA sẽ thực hiện tuần tự các bước: chào hỏi, bật đèn, bật nhạc, bật nước nóng... Anh Tạ Thanh Hải cho biết, nhóm đang nghiên cứu kết hợp OLLI MAIKA với một số nền tảng camera AI để tạo thêm nhiều tính năng hữu ích.

Co-Founders: Bùi Bách Việt (trái) và Tạ Thanh Hải-hai nhà đồng sáng lập Công ty OLLI.

Hai lần đập đi xây lại

OLLI MAIKA ra mắt giữa năm 2021, nhưng để tạo ra nó là cả một hành trình dài. Tạ Thanh Hải và Bùi Bách Việt-hai nhà đồng sáng lập của OLLI-vốn là đôi bạn thân từ những năm học cấp 2 và cùng nhau sang Mỹ du học ngành khoa học máy tính. Khi ở Mỹ, chứng kiến sự ra đời của AI, Hải và Việt nhận thấy không xa nữa AI sẽ mang lại những thay đổi lớn cho cuộc sống của con người. Giữa năm 2016, khi đã trở về Việt Nam, Việt lúc bấy giờ đang có một công việc ổn định ở ngân hàng và Hải cũng đang có những dự án của riêng mình. Đam mê công nghệ và thấy được tiềm năng của thị trường này, trên hết là cùng khát khao tạo nên một sản phẩm công nghệ cho thị trường Việt Nam, cả hai quyết định từ bỏ công việc đang làm và xây dựng OLLI với sản phẩm đầu tay là loa thông minh OLLI MAIKA.

Ban đầu, OLLI MAIKA gặp không ít hoài nghi về sản phẩm công nghệ “make in Vietnam”. Tạ Thanh Hải trải lòng: “Công nghệ thay đổi từng giờ và khởi nghiệp công nghệ cũng đòi hỏi phải tức thời. Có những startup ra đời một vài năm đã có sản phẩm, kêu gọi được vốn lớn, nhưng OLLI phải mất hơn bốn năm mới cho ra mắt sản phẩm đầu tiên. Nói thật là rất nhiều áp lực. Nhưng lúc đó, tôi và Việt ngồi lại bình tâm và quyết tâm đeo đuổi định hướng của riêng mình: không chỉ phát triển một sản phẩm, mà dành thời gian để xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc, kiến tạo hệ sinh thái thiết bị thông minh tích hợp trợ lý ảo giọng nói thuần Việt”. Hiện nay, OLLI làm chủ  hoàn toàn công nghệ, không phụ thuộc vào bên thứ 3.

Để có sản phẩm hoàn thiện như bây giờ, OLLI MAIKA đã phải “đập đi xây lại” tới tận… 2 lần. Lần đầu tiên là do đội ngũ kỹ thuật còn thiếu kinh nghiệm nên đã phát triển một cấu trúc cho nền tảng đám mây cồng kềnh. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng vô hạn của nền tảng trợ lý ảo với vô số tính năng tương lai, OLLI đã quyết định thay đổi hoàn toàn cấu trúc hệ thống. Lần thứ hai là vào năm 2019, tại thời điểm chỉ cách kế hoạch ra mắt dự kiến đúng hai tháng! OLLI đã mắc sai lầm khi chọn sai hệ thống chipset-vốn là con chip quan trọng nhất của sản phẩm. Vì vậy, sau một câu thoại đơn giản, phải mất một lúc sau mới nghe được MAIKA phản hồi.  Thời điểm đó, khó khăn lắm OLLI-một công ty startup đúng nghĩa chưa hề có một sản phẩm nào-mới thuyết phục được MediaTek (một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới) hợp tác. Đội ngũ kỹ sư 2 công ty OLLI và MediaTek đã phối hợp nghiên cứu phát triển, liên tục cải thiện và tinh chỉnh để xây dựng chip có tốc độ mạnh mẽ, khả năng xử lý tín hiệu âm thanh tốt, lọc nhiễu âm, đáp ứng yêu cầu cao về khả năng tương tác hai chiều.

Cho đến nay, sau bảy tháng có mặt ở thị trường, loa thông minh OLLI MAIKA đã được giới chuyên gia công nghệ đánh giá cao và người tiêu dùng đón nhận. Số lượng bán ra của loa OLLI MAIKA những tháng gần Tết tăng cao. Kết quả này một phần do Công ty thay đổi chiến lược bán hàng qua các kênh online thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các đại lý .

Hải và Việt, và cả OLLI đều hiểu rằng sự ra đời của OLLI MAIKA mới chỉ là sự khởi đầu, rồi đây sẽ còn nhiều việc phải làm để cái tên OLLI được định vị trên thị trường Việt Nam và góp phần ghi dấu công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Nhưng có hề gì, giấc mơ nào mà chẳng cần phải có những bước khởi đầu!

Loa thông minh OLLI MAIKA đã giành được những giải thưởng:

- Top 10 Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021.

- Top 10 TechFest 2021 (Ngày hội Khởi nghiệp Ðổi mới sáng tạo Quốc gia).

Link tham khảo: https://nhandan.vn/dau-an-tri-tue-viet-trong-san-pham-cong-nghe-thong-minh-post683621.html

Ngày xuất bản: 24/1/2022

Thông tin

Tên tác giả: Hạnh Nguyên


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông