Mã số N1098: Startup Hi-Tech Care - Mang tôm sạch, không kháng sinh đến từng bữa ăn gia đình Việt
1. Giới thiệu tổng quan về ngành tôm Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nước đi đầu trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu tôm trên Thế giới. Theo Tổng cục Thủy Sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành nuôi tôm chiếm 45% tổng sản lượng thuỷ sản trong nước và kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,7 tỷ USD trong năm 2020, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1.7 tỷ USD, tăng 13.7% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tôm liên tục tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 phức tạp cũng là một tín hiệu rất tích cực cho cho ngành tôm Việt Nam trên thị trường Thế giới. Mặc dù Việt Nam đang đứng trong hàng ngũ các nước xuất khẩu tôm lớn nhất Thế giời nhưng thực trạng nghề nuôi tôm ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2020, diện tích nuôi thả tôm đạt khoảng 743 nghìn hecta, với sản lượng thu hoạch đạt 900 ngàn tấn, tức là sản lượng tôm chỉ đạt ~ 1.2 tấn/ha trong năm. Thống kê sản lượng tôm này phản ảnh thực trạng nuôi tôm ở nước ta còn khá lạc hậu do bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố dịch bệnh, thời tiết. Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình hạn hán xảy ra rất khốc liệt tại khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thả tôm giống cũng như làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Theo báo cáo của Cục thú y, trong 8 tháng năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 38 nghìn hecta, gấp trên 2 lần so cùng kỳ năm 2019; trong đó có khoảng 30 nghìn hecta tôm bị chết không rõ nguyên nhân. Đặc biệt trong năm 2020, thiệt hại nhiều nhất rơi vào tháng 10 do tình hình mưa bão kéo dài, gây ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển của tôm nuôi. Cùng với đó, các bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh phân trắng và bệnh vi bào tử trùng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2019. Theo đánh giá của Thứ trường Bộ nông nghiệp và phát triển nông thông tại hội nghị Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn; thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường. Vì vậy, ở khía cạnh xuất khẩu, nguồn nguyên liệu tôm nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Do đó, các nhà máy chế biến phải nhập khẩu tôm từ các nước như Ấn Độ và Indonesia, dẫn tới việc không kiểm soát được chất lượng cũng như gặp nhiều vướng mắc về pháp lý quốc tế và vấn đề truy xuất nguồn gốc. Điển hình là các khó khăn mà “vua tôm” Minh Phú gặp phải trong thời gian gần đây với việc mua tôm từ Ấn Độ. Do các thị trường đang ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, việc làm chủ nguồn nguyên liệu tôm trong nước là yếu tố sống còn cho ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.
Để tăng năng suất, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp và hộ dân triển khai và đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên, phần lớn các trang trại nuôi tôm hiện nay chưa đầu tư vào quy trình quản lý nguồn nước nuôi và nước thải. Nước thải thường được xử lý bằng hóa chất hoặc xả thẳng ra môi trường, tạo ra nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Ngoài ra, theo Tổng cục Thủy sản, kháng sinh (thậm chí là kháng sinh sử dụng cho người) vẫn được sử dụng ở quy mô lớn để kiểm soát dịch bệnh, dẫn tới nguy cơ bùng phát vi sinh vật kháng kháng sinh, làm tăng tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc và giảm hiệu quả điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, chất lượng tôm Việt Nam chưa thực sự thỏa mãn yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản và các nước EU. Với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 1.4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm lên tới 4 tỷ USD của ngành trong năm 2022 là một thử thách lớn. Với xu hướng kim ngạch xuất khẩu tôm đang trên đà tăng chậm thì bên cạnh việc nâng cao sản lượng tôm trên diện tích hiện có, việc nâng cao chất lượng tôm cũng là một yếu tố rất quan trọng để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Với hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, tôm không được sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hay nguồn sắc tố tự nhiên, cùng với việc sử dụng kháng sinh để giảm rủi ro khi nuôi lại càng làm chất lượng tôm giảm. Với xu hướng tăng của các sản phẩm tôm xuất khẩu dưới dạng đã qua chế biến có thể ăn ngay thì vấn đề màu sắc hấp dẫn với người mua đang được thị trường thế giới quan tâm nhiều hơn. Ví dụ, các đối tác nhập khẩu tôm của tập đoàn Minh Phú ở Nhật Bản, Úc, Châu Âu hiện nay cũng có yêu cầu thêm về màu sắc của tôm bên cạnh các tiêu chí kỹ thuật khác. Chính vì vậy, bài toán hiện nay là vừa phải nâng cao năng suất, vừa nâng cao chất lượng tôm một cách bền vững, an toàn.
2. Giải pháp công nghệ cho ngành tôm Việt Nam
Để giải quyết được thực trạng nuôi tôm nội địa hiện tại, CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ HI-TECH CARE hướng đến việc tìm kiếm giải pháp công nghệ để đảm bảo cho việc nuôi tôm nội địa đạt năng suất cao và bền vững. Để thực hiện được điều này, chúng tôi đề xuất việc nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện một mô hình nuôi tôm công nghệ cao mà ở đó công nghệ xử lý nước tuần hoàn (recirculating aquaculture system, hay còn gọi là RAS) là cốt lõi. Sự ra đời của công nghệ RAS (Hình 1) tại Việt Nam được kì vọng sẽ giải quyết được những vấn đề thực trạng của ngành tôm Việt Nam như: (1) ô nhiễm nguồn nước, (2) sử dụng kháng sinh tràn lan trong nuôi trồng, (3) chất lượng tôm thấp, v.v…
2.1. Công nghệ xử lý nước tuần hoàn (RAS)
Hệ thống RAS được thiết kế và xây dựng dựa trên các qui trình lọc nước tiên tiến bao gồm hệ thống lọc chất thải rắn và bể lọc sinh giúp loại bỏ vi khuẩn cũng như các chất hữu cơ dư thừa trong suốt quá trình nuôi tôm. Bên cạnh đó, công nghệ RAS được chúng tôi phát triển trong hệ thống nhà màng hoàn toàn khép kín (Hình 2) giúp đảm bảo qui trình nuôi tôm được tách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài, hạn chế tối đa các rủi ro về dịch bệnh và thời tiết trong suốt quá trình nuôi trồng.
Việc lựa chọn một hệ thống nuôi trồng thủy sản thích hợp với điều kiện môi trường và khí hậu có thể giảm thiểu nhiều nguy cơ rủi ro, đảm bảo độ sạch của sản phẩm và tạo được sự phát triển bền vững. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản thường phải đối mặt với những nguy cơ về vấn đề môi trường như: (1) sự phá hủy của các hệ sinh thái tự nhiên, (2) sự phát tán của bệnh dịch, (3) sụt giảm đa dạng sinh học do các loài xâm lấn thoát ra môi trường tự nhiên, (4) ô nhiễm nước ngầm và nước bề mặt do xả thải. Hệ thống RAS có khả năng xử lý và lọc nước dùng trong nuôi trồng thuỷ sản, vì vậy công nghệ này có thể giải quyết được phần lớn các vấn đề kể trên. Trong quy trình RAS (Hình 1), chất thải được gom vào vị trí giữa đáy ao do tác dụng xi-phong. và được chuyển tới hệ thống trống lọc drum filter để loại bỏ chất rắn. Sau đó nước được chuyển tới bộ phận tách protein (protein skimmer) để loại bỏ protein tan trong nước trước khi vào bể lọc sinh học moving bed biofilm bioreactor (MBBR) nơi các chất hữu cơ còn lại sẽ được hấp thụ và chuyển hóa bởi các vi sinh bám trên các giá thể di động. Các hạt nhựa HDPE rỗng được sử dụng làm giá thể cho vi sinh trong bể MBBR, có tuổi thọ > 10 năm. Sau khi được hoạt hóa, bể lọc sinh học MBBR có thể được vận hành liên tục cùng ao nuôi. Sau đó, nước tiếp tục đi qua các bộ phận diệt khuẩn trước khi được đưa trở lại hồ nuôi. Với quy trình này, chất thải rắn liên tục được lấy ra, nước được xử lý liên tục, các vi sinh gây bệnh hoàn toàn được kiểm soát, việc sử dụng kháng sinh được hoàn toàn loại bỏ. RAS có nhiều ưu điểm như giảm lượng nước tiêu thụ, tăng khả năng kiểm soát chất thải, dễ kiểm soát dịch bệnh, tái sử dụng các chất dinh dưỡng và kiểm soát ô nhiễm môi trường dễ dàng.
Chúng tôi đánh giá RAS là một qui trình thân thiện môi trường vì nó giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước nuôi, hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường, đảm bảo phát triển bền vững và cân bằng sinh thái. Với mô hình nuôi tôm này chúng tôi tự tin sẽ tạo ra được những sản phẩm tôm sạch để phục vụ cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
2. Công nghệ thức ăn cho tôm sử dụng Asta tự nhiên từ vi tảo H. pluvialis
Asta (3,3'-dihydroxy-β,β,-carotene-4,4'-dione) là một loại carotenoid có nhiều trong các loài động vật giáp xác biển, cá biển và thực vật. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép Asta được sử dụng làm dinh dưỡng bổ sung vào năm 1999 nhờ khả năng chống oxy hóa cao hơn hẳn những chất khác như vitamin C và E. Trước đây, gần như tất cả Asta trên thị trường (>95%) đều có nguồn gốc tổng hợp hóa học từ dầu mỏ và các nhà cung cấp chính có thể kể tới DSM và BASF. Asta tổng hợp tồn tại ở dạng tự do và có 3 đồng phân, trong đó đồng phân có hoạt tính sinh học chỉ chiếm 25 %. Ngược lại Asta tự nhiên tồn tại 100% ở dạng có hoạt tính và liên kết với protein hoặc ester hóa với một hoặc hai loại axit béo giúp phân tử trở nên bền hơn trước tác nhân oxy hóa. Dạng ester hóa của Asta tách từ vi tảo lục H. pluvialis không những cho thấy khả năng chống oxy hóa gấp 90 lần Asta tổng hợp mà còn không có độc tính với người sử dụng. Trong số tất cả các sinh vật, tảo H. pluvialis chứa hàm lượng Asta cao nhất (tới 5% khối lượng khô).
Màu sắc là yếu tố cảm quan rất quan trọng và là một trong những tiêu chí quyết định việc khách hàng có mua các sản phẩm nông nghiệp hay không. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Asta có thể tăng cường khả năng chống oxy hóa tổng cộng, tăng tỷ lệ sống13 và khả năng chống mặn, chống chịu nhiệt độ cao, thiếu oxy, stress do dư thừa ammonia ở tôm sú. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguồn carotenoid từ thức ăn được tôm chuyển hóa phần lớn thành Asta tích trữ trong gan tụy (>90%, chủ yếu ở dạng ester hóa), và cơ, vỏ (<60%, chủ yếu ở dạng tự do). Thí nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng cho thấy Asta từ H. pluvialis có hiệu quả cao hơn hẳn so với Asta tổng hợp trong việc tăng hàm lượng Asta tích trữ trong cơ, đầu và vỏ tôm (hơn 1,5 – 1,6 lần). Đặc biệt, sử dụng Asta từ vi tảo làm tăng tỷ lệ Asta ester so với Asta tổng số, trong khi Asta tổng hợp chỉ dẫn tới tăng Asta dạng tự do trong tôm.19 Sự tích trữ Asta trong cơ cũng đã được ghi nhận tương tự khi Asta từ vi tảo được dùng làm thức ăn cho cá hồi vân và tôm sú. Nghiên cứu của Angell và cộng sự (2018) cho thấy lượng Asta tự nhiên cần tối thiểu để đạt màu bão hòa ở tôm sú thấp hơn dạng tổng hợp khoảng 21%.
Sắc tố đỏ của tôm phụ thuộc vào hàm lượng Asta được tôm hấp thụ từ các loại vi sinh trong nước. Trong công nghệ RAS, Asta và các chất carotene không có trong môi trương nuôi mà cần được bổ sung thông qua thức ăn. Asta nguồn gốc vi tảo có hiệu quả cao hơn nhiều so với bổ sung Asta tổng hợp hóa học hoặc tách chiết từ các phụ phẩm thủy sản (dầu cá hồi, dầu krill, hoặc vỏ tôm). Ngoài ra, tính khả dụng sinh học của Asta trong vi tảo tốt hơn so với các sản phẩm tổng hợp hay tách chiết từ nguồn gốc động vật. Hơn nữa, tôm nuôi với Asta tổng hợp hay tách chiết từ phụ phẩm động vật sẽ không đạt được các tiêu chuẩn cao như tiêu chuẩn organic. Hầu hết các sản phẩm H. pluvlialis trên thị trường có giá cao hoặc nếu có giá thấp thì xuất xứ không rõ ràng và chất lượng kém.
Để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu Asta giá rẻ, chúng tôi đã hợp tác LED Agribio Fustion Technology Research Center () tại ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc, để triển khai nghiên cứu gây đột biến H. pluvialis bằng tia gamma và sàng lọc được một chủng phát triển nhanh gấp đôi so với chủng tự nhiên. Tuy chủng này chỉ cho hàm lượng Asta 3% trọng lượng khô, nhưng tốc độ phát triển của chúng rất nhanh giúp tiết kiệm thời gian, nguyên liệu, và chi phí nuôi tảo. Quan trọng hơn, sự phát triển nhanh của chúng sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm các vi sinh khác trong quá trình nuôi cấy, một vấn đề khó khăn mà hầu hết các cơ sở nuôi cấy H. pluvialis.
Các nghiên cứu và ngoài nước thường chỉ dừng ở quy mô nhỏ, không có khả năng scale up. Hiện tại, nhóm nghiên cứu của chúng tôi là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu hệ thống photobioreactor 2 pha sử dụng các đèn LED đơn sắc chuẩn, công suất 40 g/mẻ. Hệ thống này được chuyển giao từ LAFTRC và đã được LAFTRC scale up lên quy mô sản xuất 1 kg/mẻ (Hình 3). Tuy nhiên, để đáp ứng cho phạm vi sản xuất ở qui mô công nghiệp, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thực hiện các bước cải tiến đáng kể hệ thống nuôi tảo này bằng việc nuôi tảo trong các dàn túi treo có thể tích lớn nhằm tăng thể tích nuôi trồng và giảm chi phí sản xuất, kế quả thu được sẽ được sử dụng để sản xuất H. pluvialis ở quy mô công nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đã đạt được năng suất nuôi tảo khoảng 1kg/ tháng với hàm lượng Asta lên đến 6% trọng lượng khô. Đây là một bước cải tiến đáng kể về mặt công nghệ trong lĩnh vực nuôi tảo của chúng tôi.
Chúng tôi đã nuôi thử nghiệm thành công ba vụ nuôi tôm thẻ trong bể đường kính 8m sử dụng công nghệ RAS và thức ăn có bổ sung vi tao H.Pluvialis. Mỗi vụ được thử nghiệm với 3 bể nuôi đạt công suất ~ 350-500 kg/bể/vụ và mật độ nuôi 350-450 con/m2. Khi được nuôi với thức ăn được bổ sung tảo H. pluvialis để đạt 100 ppm Asta, tôm có màu sắc đẹp hơn và vị ngon hơn so với tôm đối chứng. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm thức ăn tôm phối trộn vi tảo H.pluvialis (Asta Feed). Thời gian cho tôm ăn thức ăn có bổ sung tảo ảnh hưởng tới màu sắc của tôm, do đó, chúng tôi có thể cung cấp nhiều mặt hàng ở các cấp độ khác nhau.
3. O Farm – trang trại nuôi tôm công nghệ cao
Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành xây dựng mô hình nuôi tôm Asta công nghệ cao tại Gò Công Đông, Tiền Giang. Chúng tôi sở hữu một trang trại diện tích ~ 2.2 ha tại khu nuôi tôm xã Kiểng Phước, Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang (Hình 5). Khu nuôi tôm rộng 200 ha nằm cạnh biển, có đường nước cấp và nước thoát do nhà nước xây dựng. Nằm trong khu vực này có các trang trại của công ty Fuji Consulting Japan, Vietnam (FCJ Vietnam), Công ty Grobest (Đài Loan). Khu vực này cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.5 giờ đi ô tô, phù hợp để vận chuyển tôm tươi tới khách hàng trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh hoặc tới nhà máy đối tác (Binh Dong Fisco) của chúng tôi ở Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Tại O Farm, chúng tôi nghiên cứ và xây dựng các module RAS khép kín trong nhà màng 45x45 m2 (Hình 9). Mỗi module có 04 bể ương (vèo) đường kính 6m, 08 bể nuôi đường kính 12 m, và một bộ phận xử lý nước tập trung ở giữa (Hình 9B). Mỗi bể ương sử dụng luân phiên cho 02 bể nuôi. Bể ương được đặt cao hơn bể nuôi; tôm sau gia đoạn ương sẽ được chuyển sang bể nuôi theo đường ống đặt sẵn mà không phải vớt tôm lên khỏi nước, giúp giảm thiểu tác động lên tôm và tiết kiệm thời gian. Mỗi bể nuôi cho năng suất khoảng 0.8-1 tấn/vụ, thu tỉa 1-2 lần tùy nhu cầu khách hàng.
Việc nuôi gối vụ sẽ được thực hiện như sau: (1) Ngày 1-25: uơng trong bể R1; 2) Ngày thứ 25-30 chuyển tôm sang bể G1 và bắt đầu ương lượt thứ 2; 3) Ngày thứ 55-60: chuyển tôm ương lượt 2 sang bể G2 và bắt đầu ương lượt thứ 3 cho bể 1; 4) Ngày thứ 85-90: Thu hoạch tôm trong bể 1, chuyển tôm ương lượt 3 sang bể G1, bắt đầu ương lượt 4; Ngày thứ 115-120: Thu hoạch tôm bể G2, chuyển tôm ương lượt 4 sang bể G2, bắt đầu ương lượt thứ 5 cho bể 1. Cứ tiếp tục như vậy, tôm sẽ được nuôi quanh năm, trung bình mỗi tháng 01 module sẽ cho thu hoạch 4 bể, tương đương với khoảng 3.2-4 tấn/tháng, và khoảng 40-50 tấn/năm. Với dự án này, chúng tôi sẽ xây dựng và chạy thử nghiệm 01 module trong năm thứ nhất. Từ cuối năm thứ hai (sản lượng dự tính là 50 tấn tôm/năm), chúng tôi sẽ cân nhắc sử dụng lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh tôm để triển khai xây dựng các module tiếp theo.
Module đầu tiên hoàn thành dự tính sẽ cung cấp ra thị trường với sản lượng tối thiểu là 50 tấn tôm/năm. Trong đó 90% doanh thu sẽ nhắm vào thị trường tôm nguyên liệu và 10% doanh thu còn lại sẽ nhắm vào thị trường bán lẻ.
4. Asta Shrimp (Tôm Asta) – sản phẩm tôm sạch cho mọi nhà
Asta Shrimp là kết quả cuối cùng của sự kết hợp giữa công nghệ RAS và vi tảo tự nhiên. sản phầm Asta Shrimp đã được đăng ký độc quyền với các thương hiệu Asta Shrimp, AstaShrimp, Asta-Shrimp, và Tôm Asta (viết hoa hoặc viết thường). Asta Shrimp có thịt ngọt và có màu sắc đỏ hơn so với tôm nuôi bằng thức ăn truyền thống. Việc tăng cường Astaxanthin nguồn gốc vi tảo trong tôm giúp cải thiện đáng kể chất lượng bữa ăn của người dùng vì Astaxanthin là chất chống oxy hóa tốt nhất trong tự nhiên, giúp tăng sức đề kháng, tăng cường trí nhớ, thị lực, và tuần hoàn máu.
Asta Shrimp là sản phẩm tôm sạch, không kháng sinh, không hóa chất tổng hợp. hơn nữa, chúng tôi tự hào rằng quy trình sản xuất Asta Shrimp là một qui trình thân thiện với môi trường, tiết kiệm tối đa nguồn nước, đảm bảo phát triển bền vững và cân bằng sinh thái.
Tháng 06/2022, cùng với Asta Shrimp, công ty cổ phần công nghệ Hi-tech care đã vinh dự lọt vào Top 12 start-up tiềm năng nhất của chương trình SK Start-Up Fellow Ship do Tập đoàn SK, Hàn Quốc tài trợ. Đây là một chương trình được Tập đoàn SK tổ chức hàng năm với mục tiêu chọn lựa ra các start-up tiềm năng nhất của Việt Nam để hỗ trợ về mặt chuyên môn và kết nối các start-up với các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Asta Shrimp, với thế mạnh là một sản phẩm tôm sạch, không kháng sinh, giàu Astaxanthin, mong muốn sẽ có cơ hội hợp tác với các đối tác thương mại, nhà đầu tư trong và ngoài nước, để cùng hướng tới một nền nông nghiệp bền, xây dựng một môi trường thực phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Hình 8. Công ty cổ phần công nghệ Hi-tech care vinh dự lọt vào Top 12 start-up tiềm năng của chương trình SK Start-Up Fellow Ship do Tập đoàn SK, Hàn Quốc tổ chức. Nguồn: https://www.sggp.org.vn/sksf-2022-cong-bo-12-startup-tiem-nang-822781.html
video giới thiệu sản phẩm công ty:
Thông tin
Tên công ty: CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ HI-TECH CARE
Đơn vị đồng hành
Đơn vị bảo trợ truyền thông