Mã số N2124: Biện pháp tạo hứng thú trong học tập cho học sinh

    Hãy bấm LIKE, SHARE để bình chọn cho bài dự thi này.

Đặc điểm tâm lý học sinh tiểu học là các em rất hứng thú với những điều mới lạ nhưng cũng rất mau chán. Bên cạnh đó, một số học sinh vẫn chưa thích ứng được với môi trường học tập mới và các em chưa thoát khỏi hoạt động vui chơi là chính ở bậc mầm non do vậy người giáo viên cần phải tổ chức các hoạt động dạy học khơi gợi được niềm say mê, hứng thú trong các tiết học để các em chủ động tham gia học tập, chiếm lĩnh các kiến thức, rèn luyện năng lực và phẩm chất cần có cho bản thân. Ngoài ra, hoạt động học là hoạt động cơ bản đầu tiên của học sinh tiểu học do vậy đòi hỏi người giáo viên cần có phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh qua đó cuốn hút các em tham gia vào các hoạt động học tập. Chính vì vậy, tôi xin chia sẻ đến mọi người đề tài “Biện pháp tạo hứng thú trong học tập cho học sinh” mà tôi đã áp dụng trong suốt năm học vừa qua.

Trong năm học 2021 – 2022, tôi được phân công giảng dạy lớp 1/3. Trong quá trình giảng dạy, tôi cũng gặp nhiều thuận lợi như: Trẻ đã được học qua mẫu giáo nên cũng nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập, độ tuổi của trẻ cũng dần phát triển hoàn thiện thể chất, năng lực học tập, trẻ rất dễ bị lôi cuốn, thu hút bởi những hoạt động khám phá và các trò chơi học tập. Bên cạnh những thuận lợi, tôi cũng gặp không ít khó khăn như: học sinh chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập, còn ham chơi, hay chơi đồ chơi trong các tiết học, chưa tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa sâu sát, ít hoặc không có thời gian quan tâm đến việc học của con cái nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc hình thành thói quen tự giác học tập và sự ham mê trong học tập. Từ thực trạng trên, bản thân tôi đã áp dụng một số biện pháp sau đây để giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập.

- Biện pháp 1: Ổn định lớp bằng cách tổ chức trò chơi nhỏ, vận động theo nhạc để tạo hứng thú: Khoảng thời gian đầu tiết học có vai trò rất quan trọng quyết định đến chất lượng cả buổi học, giáo viên có thể cho học sinh tham gia các trò chơi hoặc cho học sinh khởi động để ổn định nề nếp và chuẩn bị tâm thế cho học sinh vào tiết học.

- Biện pháp 2: Dẫn dắt nội dung bằng câu chuyện và hình ảnh minh họa cho bài giảng: Hình ảnh trực quan hoặc các câu chuyện nhỏ của giáo viên sẽ dễ thu hút học sinh chú ý vào bài học và giúp học sinh thoải mái, dễ dàng tiếp nhận bài học hơn.

- Biện pháp 3: Tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh: Sự tương tác qua lại giữa giáo viên và học sinh trong buổi học thực sự đóng vai trò rất quan trọng. Giáo viên phải sử dụng, phối hợp và linh hoạt khi sử dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để tăng cường sự tương tác giữa giáo viên với học sinh, tạo không khí thoải mái và khơi gợi sự hứng thú từ học sinh.

- Biện pháp 4: Chuẩn bị giáo án một cách kỹ lưỡng: Giáo án hiệu quả nên ngắn gọn, súc tích, đầy đủ các ý chính và nắm rõ nội dung bài học, có cách dẫn dắt hợp lý giúp các em hiểu bài nhanh hơn.

- Biện pháp 5: Tổ chức các hoạt động học thông qua chơi: Học thông qua chơi là hướng tiếp cận giáo dục, ở đó học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ. Giáo viên kết nối mục tiêu học tập với hoạt động chơi nhằm thúc đẩy sự tham gia và tự chủ của học sinh, từ đó góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Học thông qua chơi bao gồm học thông qua các trò chơi và các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tìm hiểu, khám phá và giải quyết vấn đề.

- Biện pháp 6: Khen thưởng, động viên, khích lệ học sinh kịp thời: Giáo viên có thể khen ngợi trực tiếp bằng lời hoặc sử dụng thư khen. Trong học tập ở lớp, khi học sinh làm tốt hoặc có những biểu hiện tốt, giáo viên cần khen ngợi ngay với hình thức dùng lời nói. Giáo viên có thể dùng thư khen ngợi sau mỗi tuần hoặc tháng để khen ngợi học sinh. Với hình thức thư khen, giáo viên cần ghi nhận cụ thể những tiến bộ của học sinh để động viên tinh thần của các em và qua đó các em cũng nhận biết được mình cần phát huy thêm những gì và cố gắng phát triển và hoàn thiện bản thân hơn.

- Biện pháp 7: Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc hướng dẫn học sinh học tập: Vào các buổi họp phụ huynh định kì, giáo viên trao đổi với phụ huynh về các biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ học sinh học tập để hình thành cho học sinh thói quen chuẩn bị bài, ý thức tự giác học tập khi ở nhà. Giáo viên có thể trao đổi riêng với một vài phụ huynh của học sinh cần cải thiện hơn trong học tập để cùng trao đổi biện pháp và đưa ra hướng khắc phục giúp học sinh cải thiện hơn.

Sau khi áp dụng các giải pháp trên thì hiệu quả mang lại với lớp tôi như sau:

- Học sinh hào hứng tham gia các hoạt động học tập và giáo dục của lớp.

- Học sinh có ý thức tự giác trong học tập, biết tự chuẩn bị bài ở nhà trước khi vào lớp.

- Học sinh tích cực phát biểu ý kiến, chủ động tham gia vào các hoạt động của trường lớp.

Bảng đo mức độ hứng thú của học sinh lớp 1/3 trong năm học 2021 – 2022:

Qua quá trình áp dụng biện pháp trên, tôi nhận thấy biện pháp đã có được hiệu quả nhất định, học sinh càng ngày càng hứng thú tham gia vào các hoạt động học tập và giáo dục. Với biện pháp này, tôi hi vọng chia sẻ được chút kinh nghiệm của mình khi vận dụng trong giảng dạy đến với các đồng nghiệp và cũng mong nhận được nhiều lời góp ý, sẻ chia từ đồng nghiệp trên cả nước để sáng kiến hoàn thiện hơn và vận dụng đạt được hiệu quả cao hơn.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HOẠ KHI ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ TRONG HỌC TẬP CHO HỌC SINH

Thông tin

Tên tác giả: PHẠM THỊ THU HẰNG

Trường Tiểu học Bình Hưng


Đơn vị đồng hành

Đơn vị bảo trợ truyền thông