Sinh viên sáng chế máy khắc CNC phục vụ du lịch

Xuất phát từ một đợt thực tập tại nhà máy đóng tàu, một nhóm sinh viên đến từ Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã hình thành nên ý tưởng sáng tạo một chiếc máy công cụ CNC có thể khắc hình ảnh bằng laser lên nhiều chất liệu như gỗ, giấy, vải, da, nhựa,…

Với đề tài “Nghiên cứu chế tạo lắp ráp máy CNC khắc sản phẩm bằng laser”, bộ ba Phạm Thiết Chương, Mai Đăng Diễn và Đinh Xuân Thắng đã hoàn toàn chinh phục được Hội đồng giám khảo tại Hội nghị Khoa học ứng dụng sinh viên ĐH Đông Á năm 2016. Đề tài được trao giải nhất bởi có tiềm năng ứng dụng cao trong đời sống, đặc biệt là phục vụ du lịch.

Vượt qua không ít khó khăn để hoàn thành sản phẩm

Theo bạn Mai Đăng Diễn, hiện nay máy CNC là một trong những phương tiện có ý nghĩa thiết thực với đời sống, đặc biệt trong các ngành như cơ khí, du lịch, xây dựng,… Bên cạnh đó, việc khắc sản phẩm bằng laser cũng được đánh giá có ưu thế hơn so với phương pháp gia công cơ bình thường.

Chiếc máy CNC đầu tiên được các bạn lắp ráp hoàn chỉnh sau một khoảng thời gian hơn 4 tháng mò mẫm và nghiên cứu. Thời gian đầu, nhóm gặp không ít khó khăn do cả nhóm đều là sinh viên chuyên ngành điện, trong khi việc thiết kế và hoàn thiện một chiếc máy CNC cần có những kiến thức chuyên sâu về cơ khí. Thế nhưng bằng đam mê khoa học và sự giúp đỡ từ các thầy cô mà sản phẩm của các bạn cũng dần thành hình.

Phiên bản đầu tiên được các bạn sử dụng khung máy bằng gỗ, vì đây là chất liệu rẻ và dễ gia công. Nhận thấy tính khả quan với phiên bản gỗ, các bạn đầu tư mua đầu laser để thử nghiệm. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại của nhóm khi thực hiện đề tài.

Do việc sản xuất máy CNC tại Việt Nam còn hạn chế, nên các bạn phải đặt mua một số linh kiện từ TP. Hồ Chí Minh với giá thành không hề rẻ. Chưa kể những trục trặc phát sinh trong quá trình thử nghiệm như cháy đầu laser, khung máy chưa đạt được độ chính xác cao,…

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của nhà trường cũng như đam mê sáng tạo khoa học, những chàng sinh viên trẻ vẫn không bỏ cuộc. Sau khi nhìn ra được ưu, khuyết điểm của phiên bản đầu tiên, các bạn bắt tay vào khắc phục và hoàn thiện sản phẩm.

Sau nhiều lần cải tiến, đến thời điểm hiện tại, các bạn đã tạo ra phiên bản máy CNC hoàn thiện hơn về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật. Phiên bản này có kích thước 50×80 cm, sử dụng vỏ máy bằng nhôm và hoạt động với bo mạch mới Arduiino – giúp máy hoạt động linh hoạt và “trơn tru” hơn.

Bên cạnh đó, các bạn cũng tạo ra một phiên bản máy khắc CNC “mini” với kích thước 45×45 cm, phù hợp với việc khắc laser lên những đồ vật có kích thước nhỏ như móc khóa hay ốp lưng điện thoại.

Ý tưởng về một sản phẩm phục vụ du lịch

Máy được vận hành trên nền tảng hai phần mềm Inkscape và Universal-G-code-Sender, với quy trình kết nối đơn giản, giúp thao tác nhập dữ liệu vào máy trở nên nhanh gọn hơn, thời gian tạo thành phẩm nhờ vậy được rút ngắn, gia tăng chất lượng công việc.

Để tạo thành phẩm, người điều khiển máy sẽ dùng một bức ảnh có dung lượng lớn do khách hàng cung cấp theo yêu cầu. Ảnh được xử lý dưới dạng trắng đen và được chuyển định dạng từ file ảnh thành file tọa độ.

Máy sẽ đọc dữ liệu file tọa độ và ngay lập tức khắc laser lên chất liệu đã được lựa chọn sẵn. Theo Diễn, thời gian để thực hiện một sản phẩm tùy thuộc vào kích cỡ và độ phức tạp của hình ảnh. Ở thời điểm hiện tại, công suất của máy có thể đạt 10 phút/ hình ảnh cỡ 20×20 cm.

“Máy CNC rất đa năng. Nếu thay thế đầu laser trong máy bằng các công cụ khác như bút, mũi khoan hoặc kim,… thì máy có thể vẽ tranh, tiện hoặc thêu, in 3D,… Đáp ứng được nhiều nhu cầu của du khách. Qua đó có thể sử dụng máy trong nhiều ngành khác chứ không riêng du lịch”, Diễn chia sẻ.

Sống ở thành phố du lịch như Đà Nẵng, gần những danh lam thắng cảnh của hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế, mong muốn của các bạn là công trình được cải tiến và đầu tư nhiều hơn, từ đó có cơ hội xúc tiến ra thị trường;

Tạo ra những sản phẩm lưu niệm du lịch, quảng bá du lịch được in hình ảnh mang tính biểu tượng của địa phương như chùa Cầu ở Hội An, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, chùa Thiên Mụ,… hoặc là chính hình ảnh của du khách.

Qua đó sẽ góp phần quảng bá du lịch và tạo sức hút với khách du lịch từ mọi nơi, khi đó ước mơ của nhóm về một chiếc máy CNC xuất hiện tại các gian hàng lưu niệm sẽ sớm trở thành hiện thực.

Theo Đoàn Lê (Khám phá)