Chế tạo bàn tay “Iron Man” để giúp trẻ khuyết tật
“Bàn tay” máy Touch-up do một nhóm các bạn trẻ tham dự cuộc thi TOM Vietnam 2016 sáng tạo đã giúp bạn Trần Thanh Hoài bị khiếm khuyết đôi bàn tay thực hiện được ước mơ của mình.
Trăn trở từ đôi tay khuyết tật
Sau khi nhận được đề tài mà Ban tổ chức cuộc thi giao cho, nhóm các bạn trẻ có 72 giờ để hoàn thiện sản phẩm. Công việc của nhóm là tạo ra một thiết bị có thể đáp ứng mong muốn của Hoài. Kim Cường – trưởng nhóm cho biết “Lúc nhỏ, Hoài bị sốt bại liệt khiến cho tay trở nên co quắp. Bàn tay phải của em không thể cử động linh hoạt được. Cả bàn tay chỉ có một ngón hoạt động, còn những ngón tay kia thì cứng đờ khiến việc cầm nắm đồ vật hết sức khó khăn”.
Để nắm rõ được tình trạng của Hoài, các thành viên đã xuống tận nhà để quan sát những hoạt động hằng ngày của em như cầm bút, ăn cơm…Từ đó, nhóm bắt đầu lên ý tưởng thực hiện. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, ba của Hoài tâm sự: “Hoài nó thích vẽ và học đàn, nhưng bàn tay thế kia nên rất khó. Hoài mong muốn có một thiết bị có thể giúp nó thực hiện ước muốn của mình”.
Với quyết tâm giúp đỡ Hoài, nhóm đã nghĩ ra ý tưởng về một bàn tay máy đóng vai trò như một thiết bị vật lý trị liệu cho bàn tay của Hoài. Nhóm chia thành hai bộ phận một đội phụ trách về phần mạch điều khiển và đội kia phụ trách phần kĩ thuật, thiết kế… “Lúc đầu ý tưởng còn lan man lắm, với lại, tám thành viên trong nhóm lần đầu tiên làm việc chung với nhau nên không tránh khỏi những xích mích”, Tuấn Anh chia sẻ.
Bạn Kiệt – một thành viên của nhóm cho biết, Hoài rất thích siêu nhân, robot. Vì thế, nhóm đã thiết kế sản phẩm giống như bàn tay của người máy, “mọi người hay nói đùa là với bàn tay này trông Hoài giống như Iron Man (một nhân vật người máy trong bộ phim cùng tên) nhưng thật ra bàn tay này chính là bàn tay của Hoài, bàn tay dành cho riêng Hoài.”
Bàn tay Touch-up của nhóm có hình dạng như một chiếc bao tay với hai phần cơ và phần điều khiển tự động. Phần điều khiển sẽ giúp phần cơ cử động theo những gì được lập trình sẵn trên máy tính. Khi Hoài đeo sản phẩm vào, các ngón tay của em sẽ chuyển động theo một cơ chế được thiết kế riêng cho từng ngón tay.
“Khi các ngón tay của Hoài có thể co duỗi liên tục nhờ sự hỗ trợ của sản phẩm, thì các dây thần kinh về chuyển động nối với não càng ngày càng hình thành nhiều hơn, khiến cho tay Hoài quen với cảm giác và tự cử động”, Tuấn Anh cho biết thêm.
Theo tính toán của nhóm thì giá của sản phẩm bàn tay máy Touch-up khoảng 4 triệu đồng – mức giá rẻ hơn nhiều so với giá của sản phẩm này trên thị trường. Bác sĩ Huỳnh Văn Phi – BGK cuộc thi TOM Vietnam 2016 cho hay:
“Tôi rất ấn tượng với sản phẩm của các bạn, nhất là về phần giá tiền. Hiện tại sản phẩm này ở bệnh viện chỗ chúng tôi là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, có giá hơn 20 triệu đồng. Các bạn có thể phát triển sản phẩm này để có thể gắn cho những người mất bàn tay, bàn chân. Đây là một điều rất tuyệt.”
Nói về việc phát triển sản phẩm trong tương lai, Kim Cường chia sẻ: “Chúng mình sẽ phát triển Touch-up theo hướng tự động hóa, sử dụng các cảm biến lực thay vì các mạch như hiện nay. Sản phẩm cũng sẽ được thiết kế lại cho bớt nặng đi và tinh gọn những chỗ thừa”.
TOM (Tikkun Olam Maker) trong tiếng Hebrew nghĩa là “làm những điều tốt đẹp để thay đổi thế giới”. Đây là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hướng đến việc sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội.
TOM Vietnam 2016 là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi này có sự hợp tác tổ chức của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, Đại sứ quán Israel, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD), FABLAB Saigon, Trường ĐH Việt Đức… nhằm tạo điều kiện cho những người trẻ Việt Nam tạo ra các sáng chế hữu ích giải quyết những khó khăn của trẻ khuyết tật.
Theo Bích Trâm (Khám Phá)