Ứng dụng khoa học tính toán vào hoạt động bảo vệ môi trường

Sáng nay 22/10, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán phối hợp cùng ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM và ĐH Nihon (Nhật Bản) tổ chức hội thảo giao lưu học thuật với chủ đề Kỹ thuật biển và động lực học vùng cửa sông ven biển.

Đây là hoạt động thường niên và nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác trao đổi học thuật giữa hai trường và các viện nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM, Viện trưởng Viện KHCN Tính toán) cho biết, môi trường biển nói chung, và vùng cửa sông ven biển nói riêng, là môi trường rất phức tạp, có tính linh động cao, chịu tác động trực tiếp của các quá trình tương tác tự nhiên cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.

"Việc nắm bắt diễn biến quá trình và cơ chế tương tác đang diễn ra ở khu vực này, cả về mặt tự nhiên lẫn nhân tạo, để đưa ra các giải pháp phát triển bền vững, đã và đang là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu", giáo sư Phùng phát biểu đề dẫn cho buổi hội thảo khoa học diễn ra vào sáng nay 22/10.

Cũng theo giáo sư Phùng, công nghệ máy tính hiện đại đã và đang hỗ trợ đắc lực cho việc mô hình hóa các tác động của những quá trình này lên con người và môi trường, từ đó các nhà khoa học, chuyên gia có thể phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp xử lý hữu hiệu, và xa hơn nữa là để phòng ngừa các hiện tượng tương tự trong tương lai.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, tham gia buổi hội thảo giao lưu học thuật này, khách mời và các chuyên gia Việt Nam cũng như Nhật Bản sẽ được giới thiệu một số nghiên cứu mới nhất về việc ứng dụng các kỹ thuật tính toán để nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ môi trường vùng cửa sông, ven biển.

Trong khuôn khổ của hoạt động hội thảo, Ban tổ chức sẽ mời các giáo sư, nhà nghiên cứu Nhật Bản tham gia chuyến đi thực địa tại một số khu vực của TP.Phan Thiết nhằm khảo sát các điều kiện tự nhiên và hiện tượng điển hình của vùng dải bờ biển, ảnh hưởng đến sự thay đổi đường bờ biển.

"Chuyến đi được kỳ vọng sẽ mang lại những dữ liệu, cũng như ý tưởng mới, cho các nghiên cứu trong tương lai", giáo sư Phùng nhấn mạnh, "Thông qua việc trao đổi và học hỏi kinh nghiệm với các giáo sư, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều lĩnh vực, chúng tôi cũng hy vọng hoạt động này sẽ tạo nền móng để phát triển một tương lai hợp tác sâu rộng, liên ngành, đa lĩnh vực giữa các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu ở cả 2 quốc gia".

Theo PCWorld

Tin tứcQuântin tức