Đi đầu về ứng dụng - sáng tạo là mục tiêu của ĐH Công nghiệp TP.HCM

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để phát triển tại trường Đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP.HCM. Mục tiêu của trường là phát triển trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam theo định hướng ứng dụng – sáng tạo.

Hiện tại, trường có 21 viện, khoa và trung tâm để phục vụ cho công tác NCKH.

Sáng ngày 11/11, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập và khai giảng năm học 2016 – 2017. Tại buổi lễ, Trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã đến tham dự.

Trong 60 năm qua, khởi đầu từ một cơ sở đào tạo nghề khiêm tốn, trường ĐHCN TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những đại học có uy tín tại phía Nam, góp phần quan trọng trong hoạt động đào tạo và cung cấp nhân lực có chất lượng cho ngành công thương.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận chất lượng đào tạo của trường được thể hiện qua tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp luôn rất cao. Nhiều sinh viên của trường đã đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo như Robocon; cuộc thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới.

Đáng chú ý, Trường ĐHCN TP.HCM là một trong 10 cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 – 2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cao những thành quả trường đạt được sau một năm thực hiện cơ chế tự chủ.

“Tôi đánh giá cao Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công thương đã chỉ đạo để Nhà trường là một trong các trường Đại học đầu tiên tình nguyện thực hiện cơ chế tự chủ. Qua hơn một năm thực hiện, những kết quả đã đạt được là tích cực và khá rõ ràng. Công bố khoa học tăng trên 23%. Chi cho học bổng tăng 6 lần trong khi tổng thu học phí chỉ tăng hơn 2%”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Trường đẩy mạnh tự chủ đến từng khoa, bộ môn và các giảng viên, đặc biệt coi trọng vai trò của các bộ môn và tính sáng tạo, tính chủ động của từng giảng viên.

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để phát triển tại trường ĐHCN TP.HCM. Mục tiêu của trường là phát triển trở thành trường đại học hàng đầu Việt Nam theo định hướng ứng dụng – sáng tạo. Hiện tại, trường có 21 viện, khoa và trung tâm để phục vụ cho công tác NCKH.

Với định hướng NCKH theo hướng tiếp cận sản phẩm đầu ra, gắn liền với thực tiễn, các đề tài nghiên cứu các cấp của trường đều có thể ứng dụng không chỉ trong giảng dạy, nghiên cứu mà còn có thể thương mại hóa. Có thể kể đến những đề tài nổi bật thuộc cấp nhà nước như: hệ thống máy sấy muối tinh tầng sôi liên tục, máy băm lá mía trên đồng, máy cắt vớt lục bình…

Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ - máy công nghiệp của trường là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất với nhiều đề tài nghiên cứu cấp TP và quốc gia.

Trong thời gian qua, trung tâm đã chuyển giao 3 hệ thống máy sấy tầng sôi cho Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam; 1 hệ thống đốt trấu khí hóa liên tục công suất phát điện 150W cho công ty Lương thực Tiền Giang…

Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM luôn xem nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế là hai nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, trường Đại học công nghiệp TP.HCM đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 228 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 190 đề tài cấp trường, 21 đề tài cấp tỉnh, thành phố, 14 đề tài cấp bộ và 3 đề tài cấp nhà nước, với tổng kinh phí đạt 25.586 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, trường đã công bố 1155 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Trong đó số lượng bài báo công bố trên tạp chí quốc tế cao gấp 1,22 lần số bài đăng trên tạp chí trong nước.

Hiện tại, trường đang đầu tư xây dựng cơ sở mới tại quận 12 với diện tích 26,7 hecta với trọng tâm phục vụ việc đào tạo, NCKH cho 7 ngành trọng điểm của trường. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành được một số hạng mục quan trọng.

Trường ĐHCN TP.HCM được thành lập ngày 11/11/1956, tiền thân là Trường Huấn Nghiệp Gò Vấp. Sau nhiều lần được đổi tên và bàn giao, vào tháng 3 năm 1999, trường được nâng cấp thành trường Cao đẳng Công nghiệp IV và tháng 12 năm 2004 trường được nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 214/2004/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trường có 3 cơ sở đào tạo đặt tại TP.HCM, Quảng Ngãi và Thanh Hóa với quy mô đào tạo gần 40.000 học sinh – sinh viên ở 1 ngành đào tạo bậc tiến sĩ, 11 ngành đào tạo bậc thạc sĩ và hơn 36 ngành ở bậc đại học.

Tính đến tháng 10/2016, đội ngũ cán bộ giảng viên của trường đạt 1.510 giảng viên, viên chức. Trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 15,2%. Trong vòng 5 năm từ 2011 đến 2016, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gấp 2 lần.

Riêng trong ba năm 2014, 2015, 2016 đã có 12 giảng viên của Trường được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư, nâng tổng số Phó giáo sư, Giáo sư của trường lên 21 người.

Trường ĐHCN TP.HCM đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 1995); Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 2011); Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2005); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011).

Hoàng Nguyên - Khampha

Tin tứcQuântin tức