Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Phân bón từ trùn quế: Xu hướng của nông nghiệp hữu cơ bền vững

Với đặc tính sống trong môi trường nhiều chất hữu cơ phân hủy, sinh sản nhanh, dễ nuôi… trùn quế có thể được làm chế phẩm sinh học, phân bón cần thiết cho một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Nội dung trên được các bạn trẻ yêu thích nông nghiệp hữu cơ thảo luận sôi nổi tại buổi Hội thảo “Trùn quế trong nông nghiệp bền vững” do Saigon Innovation Hub phối hợp với nhóm Thế hệ ưu tú tổ chức sáng 13/11.

Theo Lê Minh Vương, trưởng nhóm Thế hệ ưu tú, hiện tại nhóm đang thực hiện rất nhiều dự án nông nghiệp về trùn quế. Đây là một loài sinh vật có rất nhiều ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ.

Theo nghiên cứu, ngoài tác dụng cải tạo đất, phân hữu cơ từ trùn quế có tác dụng giúp phòng và kháng bệnh cho cây trồng, đặc biệt là các bệnh về rễ. Phân trùn quế phù hợp với tất cả các loại cây trồng, giúp tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây, giữ ẩm cho đất, tăng tỉ lệ nảy mầm của hạt giống…

Để phát huy những lợi ích mà trùn quế mang lại, nhóm Thế hệ ưu tú đang thực hiện dự án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm thanh long và nuôi trùn quế.

Tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận người dân chủ yếu trồng thanh long. Đến vụ thu hoạch, mỗi héc ta thanh long cho ra khoảng 550 tấn phế thải (gồm bông, cành, trái thanh long cắt tỉa). Để tận dụng nguồn nguyên liệu đó, Lê Minh Vương và các thành viên nhóm đã “biến” chất thải thành phân vi sinh.

“Chất thải của thanh long và rác nông nghiệp sau khi được xử lý sẽ trở thành phân vi sinh. Điều này không chỉ là một nguồn cung cấp phân tại chỗ cho nông dân mà có thể bảo vệ được môi trường, hướng đến nông nghiệp bền vững”, Vương nói.

Nguồn phế thải nông nghiệp từ thanh long được nhóm nghiên cứu ủ hoai mục để làm thức ăn nuôi trùn quế. Sau 50-60 ngày lượng sinh khối từ trùn quế (bao gồm phân trùn, trứng trùn và trùn) sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ bổ sung lại cho cây trồng.

Ngoài ra, trùn quế còn được nuôi từ bã thải của các hầm biogas trong các trang trại chăn nuôi, chất thải từ các ao nuôi tôm. Đây là nguồn thức ăn dồi dào của trùn quế. Sinh khối trùn quế sau khi thu hoạch sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Theo Lê Minh Vương, người nuôi trùn quế chỉ mất khoảng thời gian 17 tháng để hoàn vốn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trùn giống, chi phí thuê lao động.

Tại hội thảo, chị Đặng Thị Thực, đại diện một nhà cung cấp trùn quế tại TP.HCM khẳng định, trùn quế là loài động vật dễ nuôi, không cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và công nghệ. Do đó, phân trùn quế và các chế phẩm sinh học từ trùn quế là xu hướng cho một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững tại Việt Nam.

Hà Thế An - Khampha