“Startup Việt đừng hoang tưởng về những cơ hội”
Startup cần đủ tỉnh táo để nhận ra vòng tròn cơ hội và không hoang tưởng về nó, cơ hội chỉ đến với những người đủ giỏi và đủ chịu khó trong công việc, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Trung tâm Công nghệ và Đổi mới Becamex nhận định.
Startup Việt thiếu kiến thức cơ bản về khởi nghiệp
Bên lề hội thảo “Kết nối đầu tư và kinh doanh: Sáng tạo và thực tiễn” diễn ra mới đây, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Trung tâm Công nghệ và Đổi mới Becamex đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của các startup Việt Nam hiện nay.
Theo ông Nam, nguồn nhân lực đông đảo, giá rẻ là điểm mạnh của các nhà khởi nghiệp (Startup) Việt Nam. Đánh giá ở góc độ công nghệ, ông Nam cho biết, nếu xếp theo các tầng bậc, các startup Việt đang rất tốt ở tầng trung với việc phát triển và ứng dụng các phần mềm. “Con người là thứ duy nhất tạo ra giá trị cho công ty chứ không phải vật chất khác như văn phòng, máy móc”, doanh nhân này khẳng định.
Bàn về điểm yếu, ông Nam nhận thấy các startup Việt đang thiếu kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. “Khi tôi nói chuyện với các nhà khởi nghiệp Việt, tôi thường không biết bắt đầu từ đâu bởi các bạn ấy không hiểu rất nhiều thứ.
Trong khi đó, như ở Silicon Valley, những kiến thức như định giá công ty, vốn, pháp luật hay cách thức kinh doanh là những điều ai cũng biết. Đây là điều khá quan ngại, vì khi bạn chưa hiểu những điều này nghĩa là bạn chưa sẵn sàng để nhận tiền đầu tư. Do vậy, kiến thức vẫn là cốt lõi”, ông Nam nhấn mạnh.
“Không hoang tưởng về cơ hội”
Đánh giá về môi trường khởi nghiệp hiện nay, ông Nam cho rằng nó đang đi theo đúng quy luật chung. “Khởi nghiệp là vấn đề mới. Khi phong trào khởi nghiệp dâng lên đủ mạnh mẽ sẽ đủ lực để tạo ra hành lang pháp lý. Tôi tin tưởng rằng trong vòng khoảng 6 tháng đến 1 năm nữa, hành lang pháp lý cho các startup Việt Nam sẽ được hoàn thiện”.
Doanh nhân này phân tích, hành lang pháp lý hoàn thiện sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam tìm kiếm những người tài, kéo theo chất lượng của các startup đi lên, từ đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Nam cũng nhận định rằng, cơ hội khởi nghiệp của các startup Việt hiện nay rất lớn. “Đối với nhà kinh doanh, ở đâu có bất cập, ở đó có cơ hội. Việt Nam có nhiều bất cập nên sẽ có nhiều cơ hội”, ông Nam so sánh.
Dù khuyến khích khởi nghiệp, ông Nam vẫn lưu ý các startup rằng, khởi nghiệp là quá trình gian khổ, nên những ai muốn kiếm tiền, đừng chọn Startup. Ông cũng chia sẻ về giai đoạn đầu khởi nghiệp, 2 năm liên tiếp ông chỉ ăn mì gói và làm việc hăng say với niềm tin tạo ra sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.
“Bạn chỉ có thể thành công khi bạn thực sự muốn tạo ra giá trị cho cuộc đời, muốn thay đổi bất cập nào đó trong xã hội”, ông Nam nói.
Bên cạnh đó, các startup cần đủ tỉnh táo để nhận ra vòng tròn cơ hội và không hoang tưởng về nó. Theo doanh nhân này, cơ hội chỉ đến với những người đủ giỏi và đủ chịu khó trong công việc. “Có những người thành công khi còn rất trẻ, có những người thành công khi đã về già. Vấn đề không phải ai giỏi hơn ai. Vấn đề là cơ hội đến với họ lúc nào”, ông Nam lưu ý.
Phản đối những quan điểm của các startup trong việc quá đề cao ý tưởng, ông Nam cho rằng, chỉ nên xếp ý tưởng là thứ yếu bởi ai cũng có thể nghĩ ra được. Theo ông Nam, ý tưởng tốt chỉ có thể xuất phát từ kiến thức chuyên ngành tốt, đó mới là nền tảng để những ý tưởng hữu ích nhất ra đời.
“Tôi nghĩ rằng khởi nghiệp không chỉ là ý tưởng. Khởi nghiệp là tích lũy kiến thức, tìm ra những điểm bất cập để khám phá ra cơ hội. Đó mới là cách chúng ta cần suy nghĩ khi bước chân vào khởi nghiệp”, ông Nam kết luận.
Nguồn: CafeF