Công nghệ nano đang tạo thêm nhiều ứng dụng gần gũi cuộc sống
Việc tiếp cận, phát triển công nghệ nano rộng rãi, thiết thực sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Sáng 17/11, Hội nghị Quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao TP.HCM lần thứ IV – năm 2016 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano” đã chính thức được khai mạc.
Hội nghị thu hút được 28 diễn giả trình bày tham luận chuyên đề, trong đó có 11 diễn giả đến từ các quốc gia phát triển về công nghệ nano của thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đặc biệt, còn có sự tham dự của Giáo sư Munir Nayfeh (Đại học Illinois Hoa Kỳ), là nhà phát minh của quá trình tạo hạt nano silicon phát quang RGB và nhiều công trình nghiên cứu khác.
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 17 – 18/11 với các phiên thảo luận chuyên đề về nano trong điện tử và thiết bị, nano tổng hợp và ứng dụng, công nghệ nano trong lĩnh vực sinh học cùng với đó là các sự kiện giao lưu kết nối. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trưng bày hơn 20 sản phẩm liên quan đến công nghệ nano do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và sản xuất.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, trong những năm qua, TP.HCM đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ công nghệ nano như pin mặt trời, dầu diesel sinh học, vi mạch bán dẫn, tế bào gốc… với kỳ vọng nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Thông qua hội nghị lần này, sẽ đem lại một góc nhìn tương đối toàn diện về xu hướng nghiên cứu, phát triển của công nghệ nano trên thế giới và cơ hội phát triển công nghệ nano tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định, hội nghị với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano” sẽ mở ra nhiều cơ hội cho TP.HCM tiếp cận công nghệ, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ nano rộng rãi, thiết thực và đi vào đời sống xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng, hiện nay, công nghệ nano đã tương đối phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc làm chủ công nghệ này trong ứng dụng, sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế.
Việc kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp để tìm cơ hội hợp tác phát triển công nghệ nano là rất cần thiết, đồng thời từ đó giúp cơ quan quản lý có thể nắm bắt thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp về phát triển công nghệ nano và vật liệu nano.
Thiện An (Khám Phá)