Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Sớm thành lập Trung tâm khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực để sớm hình thành Trung tâm khởi nghiệp, làm đầu mối tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố và điều phối các đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố (HOSE) về khởi nghiệp chiều 24/10.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trung tâm này giữ vai trò là đầu mối thống nhất về phát triển khởi nghiệp, phối hợp các đơn vị, tránh tình trạng chồng chéo, kết nối hệ thống đào tạo với khởi nghiệp…

Về cơ chế chính sách, ông Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh, để có kế hoạch và cơ chế chính sách cụ thể, hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp, thành phố cần sự tham mưu của các sở, ngành, trong đó có HOSE.

Đối với phát triển khởi nghiệp, trách nhiệm của Nhà nước là xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện khuyến khích nhiều đối tượng tham gia, riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ định hướng vào các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm.

Ông Phong chia sẻ, khởi nghiệp là đổi mới sáng tạo khác với lập nghiệp, cần xác định rõ để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Do đó, lãnh đạo thành phố sẽ gặp gỡ để nắm bắt những yêu cầu của các đơn vị khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ đúng đối tượng.

Báo cáo với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc thường trực HOSE, cho biết, với khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách tạo môi trường tối ưu để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhưng đến thời điểm này, các Bộ, ngành chưa có hướng dẫn thi hành cụ thể về một số cơ chế chính sách. Trong năm 2015, tại Việt Nam chỉ có 67 doanh nghiệp đã huy động được vốn thành công.

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE, cho rằng, hiện không chỉ Bộ, ngành mà kể cả các địa phương đều bàn về vấn đề khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi địa phương có chủ trương chính sách riêng, thiếu sự liên kết để tạo động lực cũng như môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp.

Trước tình hình trên, lãnh đạo HOSE kiến nghị, Thành phố Hồ Chí Minh nên hướng đến thành lập Sàn chứng khoán cho Star-up; trong đó, HOSE sẽ hỗ trợ thành phố trong việc định hình, nối kết các thành phần tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Star-up.

Bên cạnh đó, với tiềm lực cơ sở hạ tầng sẵn có, HOSE cam kết hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh nghiệm, nghiên cứu và đề xuất những cơ chế chính sách liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam có 1.800 doanh nghiệp start-up, hình thành 21 vườn ươm khởi nghiệp, 7 tổ chức tăng tốc khởi nghiệp và 20 không gian làm việc. Đồng thời, có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đã mở văn phòng tại Việt Nam.

Theo Vietnamplus