Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Phần Lan muốn đổi mới, sáng tạo cùng Việt Nam

Đoàn chuyên gia của Phần Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Chiều 9/3, Sở KHCN TP.HCM đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN, TP.HCM là thành phố lớn nhất cả nước với dân số hơn 8 triệu người. Đây cũng là nơi tập trung của khoảng 240.000 doanh nghiệp (chiếm 30% cả nước). Tuy nhiên, 99% trong số này là doanh nghiệp vừa, nhỏ hoặc rất nhỏ.

Trong tổng kết quá trình 30 năm đổi mới vừa qua, lãnh đạo TP cho rằng, TP.HCM cần phải có những bước đột phá mới để có thể trở thành trung tâm kinh tế - xã hội không chỉ của cả nước mà còn vươn lên tầm khu vực trong tương lai.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chuyên môn, Sở KHCN đã có những tham mưu với lãnh đạo TP trong  việc đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hướng tới xây dựng TP khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.

Để làm được điều đó, TP đã có nhiều bước triển khai đúng đắn, bước đầu thu lại một số hiệu quả đáng ghi nhận.

Có thể kể đến là việc xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của đời sống như giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học... nhằm thay đổi cách nghĩ của thế hệ trẻ. Kích thích tinh thần khởi nghiệp gắn kết với tinh thần đổi mới sáng tạo hay có những chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của TP...

Theo ông Dũng, dự kiến TP sẽ có thêm những hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng. Cùng với đó, TP cũng có nhiều biện pháp để phát triển doanh nghiệp, hy vọng trong 5 năm tới, số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP có thể tăng gấp đôi, lên con số 500.000.

Để thực hiện được mục tiêu đó, TP sẽ thiết kế những chính sách hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển của DN vừa và nhỏ gắn liền với trường ĐH, viện nghiên cứu; Hỗ trợ về nhận thức đổi mới sáng tạo cũng như các phương pháp, kỹ năng đi kèm;

Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất cũng như phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ...

Theo ông Dũng, với 99% các doanh nghiệp là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp không thể chủ động về năng lực tài chính hay công nghệ để đổi mới sáng tạo, do đó, cần phải có cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.

Về hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Dũng cho biết, hiện Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã hình thành một số cộng đồng khởi nghiệp nhưng vẫn còn nhỏ lẻ.

Điều này xuất phát từ việc cơ chế, chính sách cho hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa thực sự rõ ràng. “Hiện tại, Sở đang tiến hành tham mưu cho TP và Chính phủ để thúc đẩy thị trường đầu tư mạo hiểm phát triển tại TP.HCM”.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, đại diện Phần Lan cho biết, đất nước Phần Lan nổi tiếng với lĩnh vực giáo dục và hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua quá trình chuyển giao tri thức giữa giảng viên, giáo sư (vốn là những người vừa có kinh nghiệm thực tế bên ngoài, vừa kiêm luôn công việc giảng dạy) với các tầng lớp trẻ.

Ngay từ các bậc học như tiểu học, mẫu giáo cho đến đại học, sau đại học... các em luôn được làm quen và tạo điều kiện để phát huy tối đa sức sáng tạo của mình.

Trong buổi chia sẻ lần này, đoàn Phần Lan với thành phần là các nhà quản lý, nhà khoa học và các công ty khởi nghiệp, hy vọng có thể tìm kiếm được cơ hội hợp tác với Việt Nam nói chung và TP.HCM trong nhiều lĩnh vực có liên quan.

Thiện An - Phương Thư (theo Khampha)