Phát động phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học

Ngày 19/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020.

Đây là một trong những nội dung quan trọng bên cạnh Lễ tuyên dương học sinh, giáo viên tiêu biểu năm học 2015-2016 do Bộ tổ chức sáng nay, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện, là động lực vươn lên của mỗi cá nhân, tập thể.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày để việc làm hôm nay hiệu quả hơn hôm qua, là hành động thiết thực nhất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên góp phần chuyển biến giáo dục nước nhà.

Đổi mới sáng tạo trong dạy và học phải được thực hiện bằng những sản phẩm, được minh chứng cụ thể thiết thực, hiệu quả, được bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập và làm theo.

“Các thầy cô giáo, học sinh hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện,” ông Nhạ nói.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới giáo dục gắn với đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hội nhập quốc tế, ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy học quản lý giáo dục.

Các biện pháp cụ thể như tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc.

Phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng đây là hoạt động thiết thực để ngành thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh những điểm ngành giáo dục cần lưu ý khi thực hiện đổi mới.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trên toàn hệ thống. Trong đó, đặc biệt chú trọng gắn đổi mới với hội nhập quốc tế sâu rộng, chuẩn hóa chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học. Cần quan trọng kết quả thực chất, không chạy theo thành tích.

Thứ hai, ngành giáo dục cần coi trọng và chuyển biến hơn nội dung và phương pháp giảng dạy để khơi dậy tinh thần tự học và tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành, kể cả khả năng ngoại ngữ, đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Thứ ba là coi trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, có chính sách khuyến khích giáo viên có tâm huyết, năng lực, có đạo đức nghề nghiệp.

“Bên cạnh đó, với tư cách Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, tôi cũng đề nghị Bộ cần quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành theo hướng thực chất và thực sự tiêu biểu, để đội ngũ thầy giáo, các em học sinh không chỉ là người thầy giỏi, học sinh xuất sắc mà còn là tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội,” Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói./.

Theo Phạm Mai (Vietnamplus)

Tin tứcGuest Usertin tức