“Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công”
TP.HCM xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) trong nội dung trả lời phỏng vấn Tạp chí Khám phá nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM (1976 – 2016).
Thưa Chủ tịch, ông đánh giá thế nào về vai trò của Sở KH&CN đối với sự phát triển của thành phố trong suốt 40 năm qua?
Sở KH&CN là một trong những đơn vị được thành lập sớm nhất trong bộ máy chính quyền Thành phố. Điều này khẳng định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là ưu tiên hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trong suốt 40 năm qua, Sở KH&CN đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước; đã xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy, bản lĩnh và đầy sáng tạo; phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ;
Gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh; tham mưu, đóng góp tích cực các luận cứ khoa học cho thành phố trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết được một số vấn đề lý luận và thực tiễn cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề bức xúc trên lĩnh vực quản lý đô thị, y tế, nông nghiệp, môi trường...
Đặc biệt, Sở KH&CN đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thương mại hóa các thành quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đưa TP.HCM trở thành đơn vị tiên phong của cả nước thúc đẩy thị trường hóa các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ.
Mỗi giai đoạn phát triển của TP.HCM đều gắn với một mục tiêu cụ thể về KH&CN. Ở thời kỳ mới thống nhất đất nước (1976-1985), việc tập hợp đội ngũ trí thức để khôi phục sản xuất là ưu tiên hàng đầu, ở giai đoạn bước vào đổi mới (1986-1996), khoa học, kỹ thuật được xác định phải gắn chặt với sản xuất và đời sống… Vậy thưa Chủ tịch, ở giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, định hướng của TP.HCM đối với KH&CN là gì?
Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố tập trung phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Xây dựng TP.HCM sớm trở thành một trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực, trong đó, Thành phố tập trung vào chỉ số đổi mới sáng tạo và một số lĩnh vực KH&CN trọng điểm của thành phố đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, chuyển đổi 100% tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xây dựng ít nhất 2 tổ chức KH&CN có mô hình tiên tiến thế giới.
Xin Chủ tịch có thể cho biết các giải pháp cụ thể mà TP.HCM hướng tới để đạt được mục tiêu này?
Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Huy động nguồn vốn xã hội, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các tổ chức KH&CN trọng điểm theo mô hình tiên tiến; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp KH&CN;
Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ KH&CN, dịch vụ chuyển giao công nghệ; xây dựng định chế Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực triển khai ứng dụng công nghệ mới, khuyến khích và hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo công nghệ đối với cá nhân các nhà khoa học, đồng thời khuyến khích hình thành các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, vườn ươm công nghệ cao thương mại điện tử v.v…
Và chú trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ trong chuyển giao công nghệ, tạo bước phát triển mới của thị trường khoa học - công nghệ; đẩy mạnh công tác thống kê khoa học và công nghệ, xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ; thúc đẩy các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng hoạt động của các đơn vị ở cơ sở, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Khoa học và công nghệ thế giới đang bước vào thời kỳ gắn liền với đổi mới sáng tạo. Tại Việt Nam,Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, vậy TP.HCM đã chuẩn bị thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?
Thành phố xác định tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay, khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ đầy sáng tạo lập nghiệp và làm giàu cho chính mình và đóng góp cho sự thịnh vượng của thành phố.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp là “mồi lửa” để châm ngòi sức sáng tạo. Việc thôi thúc “ngọn lửa” khởi nghiệp bùng cháy đang là quyết tâm chung của toàn xã hội, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của thành phố.
Để chuẩn bị cho khởi nghiệp sáng tạo theo đề án của Chính phủ, Thành phố tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách khởi nghiệp đã đề ra.
Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo thành lập Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thành phố để hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trước, trong và sau thành lập doanh nghiệp, kể cả hàng hóa tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước;
Chuẩn bị ra mắt Cổng thông tin điện tử về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; bố trí gói đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ;
Bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN; tích cực phối hợp Bộ KH&CN triển khai mô hình VietNam Silicon Valley hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Tôi tin tưởng rằng những biện pháp nói trên sẽ tạo được một nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ, thúc đẩy hiệu quả khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố, đồng thời tạo hiệu ứng lan rộng ra cả nước.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lý (theo Khampha)