Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Vietnam ICT Summit 2016, vừa khai mạc tại Hà Nội sáng nay (24/9/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần phải hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vietnam ICT Summit là diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác doanh nghiệp qui mô quốc gia và quốc tế do VINASA tổ chức thường niên từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Diễn đàn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ về tầm nhìn, xu thế phát triển và đặc biệt là đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển, ứng dụng CNTT để tạo lập phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa đất nước trên tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Tại diễn đàn, Thủ tướng chỉ đạo cần phải hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Đồng thời Thủ tướng chỉ ra tầm quan trọng của việc tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia với 6 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm:
– Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội
– Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo KHCN trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội
– Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp;
– Phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế
– Tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh
– Đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao. Từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh và toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số”.
Cách mạng Số đang và sẽ tạo ra những khả năng hoàn toàn mới tác động và làm biến đổi toàn diện, sâu sắc mọi mặt của đời sống con người, mọi hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới.
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi nhà lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số. Có như vậy, Việt Nam – một nước đi sau mới có thể bắt kịp chuyến tàu siêu tốc của cuộc cách mạng số”.
Diễn đàn sẽ tiếp tục diễn ra với các tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội từ Cách mạng Số:
– Toạ đàm 1: Cách mạng Số và Quốc gia khởi nghiệp
– Toạ đàm 2: Cách mạng Số và Phát triển hạ tầng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin
– Toạ đàm 3: Phát triển nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4
– Toạ đàm 4: IoT và Smartcity.
Các phiên tọa đàm dự kiến có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao các Bộ, Ngành, Cơ quan quản lý và chuyên gia đầu ngành như: Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung;
Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Văn Tùng; GS TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước; TS. Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương;
PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA; cùng đại diễn của các chuyên gia CNTT, doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, FPT, IBM, Microsoft, Amazon, CMC, MISA…
Theo kế hoạch, vào 17h15 chiều cùng ngày 24/9, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, ban tổ chức diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn năm nay.
Vân Ly (theo Khampha)