Lý do 90% startup công nghệ ‘chết sớm’
Nhiều hãng công nghệ lớn hiện nay bắt nguồn từ những công ty khởi nghiệp (startup) nhỏ bé, tuy nhiên số thành công đó chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những startup “chết yểu”.
CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới, vừa thực hiện khảo sát về nguyên nhân thất bại của startup nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng.
Kết quả cho thấy thực tế không mấy tích cực. Tỷ lệ startup công nghệ thất bại ngay từ trong trứng nước dao động trong khoảng 75-90%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại này. Dưới đây chỉ là một trong số những nguyên nhân cốt lõi mà CB Insights đưa ra.
Làm ra sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường
Khảo sát của CB Insights cho thấy 42% startup công nghệ thất bại do sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Công nghệ có thể rất tốt nhưng nếu bạn không có lộ trình rõ ràng với startup khi “bơi” trên thương trường thì thất bại là thấy rõ. Về cơ bản, nếu không có kế hoạch kinh doanh cụ thể và rõ ràng thì ý tưởng với startup nên bỏ qua.
George Northcott, phụ trách phát triển kinh doanh của tổ chức tăng tốc khởi nghiệp Founders Factory, London cho biết nhiều startup công nghệ làm ra những sản phẩm không ai muốn sở hữu và thị trường không hề có nhu cầu.
Vì vậy, bạn hãy chắc rằng startup của mình có thể giải quyết nhu cầu thị trường và nhu cầu đó phải đủ lớn để đáng để đầu tư công sức và tiền bạc.
Mô hình kinh doanh tồi
Đây cũng là nguyên nhân thất bại hay gặp phải của startup công nghệ. Khi nhảy vào một lĩnh vực quá mới, mô hình kinh doanh thường không hiệu quả do thiếu kiến thức thị trường.
Chẳng hạn, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học trở nên thông dụng, các sáng lập startup thường tìm cách gắn công nghệ mới mẻ này vào những sản phẩm cụ thể nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Do quá mới nên các startup thường có rất ít khách hàng, thành thử mô hình kinh doanh của họ thiếu hiệu quả, muốn học hỏi kinh nghiệm tương tự của ai đó cũng không có.
Mô hình kinh doanh không đơn thuần chỉ là việc trả lời các câu hỏi bạn kinh doanh gì, khách hàng là ai hay làm thế nào để kiếm tiền.
Thiếu tiền
“Tỉ lệ đốt cháy” là cụm từ các công ty tại Silicon Valley rất hay sử dụng. Đó là tỷ lệ mà một startup cần phải “đốt tiền” trước khi kiếm được lợi nhuận.
“Tỉ lệ đốt cháy” không nhất thiết đứng đầu danh sách những việc startup cần ưu tiên cao nhất, nhưng cũng không thể bỏ qua nó.
Khi bắt đầu vận hành doanh nghiệp, những chi phí cho trả lương, dịch vụ, thuê luật sư hoặc thuê mướn hạ tầng sẽ ngốn của bạn cả núi tiền. Kể cả bạn có tiềm lực tài chính vững chắc, nhưng nếu không cẩn thận, cả núi tiền đó sẽ thành tro bụi.
Uber từng có tốc độ đốt tiền kinh hoàng, nhưng họ đã gặt hái được rất nhiều thành công và hiện là doanh nghiệp tầm cỡ thế giới.
Chọn nhầm người
Startup có cơ hội thành công hơn nếu tuyển được người tài, và ngược lại chọn không đúng người có thể giết chết doanh nghiệp.
Việc tuyển dụng cũng quan trọng như sa thải. Khi phát hiện nhầm người, bạn nên dũng cảm để những người đó ra đi và chọn ứng viên phù hợp khác, dù cho việc thay thế có khó khăn tới mức nào.
Các startup thường có quy mô rất nhỏ. Làm việc trong môi trường này đồng nghĩa với các nhóm nhỏ, tại các văn phòng chật hẹp và trong môi trường áp lực.
Thế nên, mối quan hệ giữa nhân viên, sự năng động của nhóm thường không được lãnh đạo startup quan tâm sát sao. Chính những yếu tố này lại làm startup suy yếu.
Thiếu cẩn trọng
Bạn là chủ startup và nghĩ rằng mình đã tạo ra một sản phẩm độc đáo, thông minh nhưng thực tế thành công không chỉ dựa vào mỗi tính năng sản phẩm.
Nhiều startup chủ quan không cho dùng thử giải pháp, sản phẩm của mình để xem khách hàng đánh giá thế nào mà đã vội tung ra thị trường. Kết quả là họ đã thất bại.
Vậy bài học với các startup công nghệ ở đây là gì? Hãy mạnh dạn “dùng thử trước khi mua”, nghĩa là bạn cần có đánh giá và phản hồi của người dùng trước khi tung loạt sản phẩm ra thị trường.
Thất hứa
Một câu chuyện lan truyền năm ngoái tại Silicon Valley về Elizabeth Holmes và startup chuyên về công nghệ y tế Theranos đang bị các nhà chức trách điều tra.
Khi lập ra Theranos năm 2003, Elizabeth Holmes mới chỉ 19 tuổi. Cô đã hứa hẹn với khách hàng rằng sản phẩm của mình có thể tạo ra nhiều khả năng đột phá, nhưng thực tế chẳng ai thấy sự đột phá đó ở đâu.
Dính dáng tới pháp lý
Pháp lý luôn là vấn đề đau đầu với các startup nhỏ, thiếu kinh nghiệm lẫn tiềm lực và nguồn lực. Chính vì vậy, khi dính tới kiện tụng, họ thường lúng túng, mất nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết.
Lấy Yieldify, một startup công nghệ tại Anh, làm ví dụ cụ thể. Yieldify bị công ty Bounce Exchange của Mỹ cáo buộc đánh cắp mã nguồn. Vụ việc được đưa ra tòa.
Việc kiện tụng khiến Yieldify tốn nhiều thời gian và nguồn lực giải quyết. Cũng dễ hiểu khi Yieldify không thể tập trung tốt cho các hoạt động kinh doanh chính, khiến họ sa sút thấy rõ.