Không đổi  mới công nghệ, doanh nghiệp sẽ trì trệ

Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật đã và đang tạo ra các sản phẩm có giá trị thấp, thiếu ổn định và thiếu cạnh tranh do giá thành sản xuất cao. Đây là hệ quả việc sử dụng các công nghệ tụt hậu từ hai, ba thế hệ và chưa làm chủ được công nghệ nguồn.

Đó là nhận định của ông Trần Quang Thắng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam.

Hiện cả nước có khoảng 535.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, chiếm tỉ lệ 97% số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Ông Phạm Ngọc Minh, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, "vòng đời" của công nghệ ngày càng rút ngắn, do đó việc đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường, bảo đảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp.

Tp Hồ Chí Minh là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu, GDP, đồng thời là một trung tâm về khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tại 700 doanh nghiệp hoạt động tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cho thấy, có 51% doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu, chỉ 25% đơn vị có công nghệ đạt khá trở lên.

Hiện tổng đầu tư xã hội dành cho khoa học và công nghệ chỉ đạt khá thấp, trong đó ngân sách nhà nước chiếm đến 2/3; trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ đầu tư của khu vực ngoài nhà nước thường lớn hơn so với ngân sách.

Theo ông Trần Quang Thắng, thực trạng nước ta hiện nay là "chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh" của các doanh nghiệp trong việc phát huy vai trò của khoa học công nghệ.

Do vậy, cần khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.

Kinh nghiệm thành công từ Hàn Quốc cho thấy, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc không ngần ngại đầu tư cho khoa học công nghệ, đóng góp của họ chiếm tới 70% tổng kinh phí cho khoa học công nghệ của quốc gia này mỗi năm.

Thay vì hỗ trợ cho cho các tập đoàn kinh tế như trước đây, hiện Hàn Quốc ưu tiên hàng đầu cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ứng dụng công nghệ mới.

Theo ông Park Jun Ho, Giám đốc Văn phòng Đại diện Kitech tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kitech có nhiều dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, về hạ tầng, kỹ thuật, khắc phục khó khăn trong phát triển.

Việt Nam có nhiều Viện nghiên cứu khá phát triển và đang hợp tác chặt chẽ với Kitech. Thông qua hợp tác với các đối tác này, Kitech có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển.

Vũ Tiến Lực

Tin tứcQuântin tức