Thiếu truyền thông, thị trường khoa học công nghệ khó phát triển
Nhà báo khoa học và công nghệ (KH&CN) cần phải "biến" những yếu tố khô khan từ nghiên cứu khoa học thành sản phẩm hướng tới nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường KH&CN.
Sáng ngày 23/12, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Thị trường KH&CN và truyền thông”. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà báo, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp với nội dung xoay quanh những hạn chế ở khâu trung gian của thị trường KH&CN, trong đó có truyền thông.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: Tại TP.HCM, KH&CN là 1 trong 5 thị trường nổi bật, bên cạnh bất động sản, tiêu dùng... Điều này chứng tỏ KH&CN đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với thị trường KH&CN, sẽ có 3 đối tượng chính là bên cung (người cung cấp giải pháp công nghệ), bên cầu (người sử dụng giải pháp công nghệ, thường là doanh nghiệp) và bên trung gian (người hỗ trợ kết nối bên cung và cầu). Muốn thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, phải tác động đến cả 3 đối tượng, đặc biệt phải hướng đến bên cầu.
Hoạt động truyền thông để kết nối bên cung và bên cầu có vai trò hết sức quan trọng để phát triển thị trường KH&CN.
“Truyền thông phải thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin các cơ chế chính sách mà nhà nước ban hành đến các doanh nghiệp, đối tượng trung gian. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các cơ chế hỗ trợ, chính sách thúc đẩy KH&CN của nhà nước.
Truyền thông cần thực hiện việc tìm hiểu phản ứng, nhu cầu của doanh nghiệp. Liệu các cơ chế chính sách đó có phù hợp với doanh nghiệp hay không?”, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhấn mạnh.
Theo khảo sát mới đây của Viện Chiến lược phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), chỉ có 9,3% doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Trong bối cảnh yêu cầu cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thua trên sân nhà nếu không thay đổi. Chính vì thế, doanh nghiệp chỉ có thể đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao được năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Theo đó, truyền thông phải xây dựng nội dung thiết thực, có phương pháp, công cụ hỗ trợ, giúp KH&CN trở nên thu hút hơn, tác động tới số đông doanh nghiệp và cộng đồng.
Ngoài yếu tố truyền thông, ngay những chủ nhân của sản phẩm công nghệ cũng rất hạn chế trong các chiến lược marketing. Họ giỏi chuyên môn nhưng chưa biết cách để giới thiệu sản phẩm của mình sao cho hấp dẫn.
“Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Nhật Quang - người sở hữu công nghệ gạch âm dương, sản phẩm rất hữu ích nếu ứng dụng cho ngành xây dựng. Trong một triển lãm về thị trường KH&CN cách đây 2 năm, gian hàng của anh Nam được rất nhiều người chú ý.
Ai cũng băn khoăn tại sao một sản phẩm tốt như thế lại không phổ biến được? Anh Nam đã đến gặp tôi cách đây 2 năm, mong có cách nào hỗ trợ, nhưng 2 năm qua tôi vẫn chưa có được câu trả lời”, ông Lương Tú Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN (Sở KH&CN TP.HCM) chia sẻ.
Có mặt tại tọa đàm, chính ông Nam cũng thừa nhận, mình rất lúng túng khi tiếp xúc với giới truyền thông.
Tổng biên tập Tạp chí Khám phá, bà Lương Bích Ngọc, đề xuất ông Nam thử “tiếp thị” sự ưu việt trong sáng chế gạch âm dương... Tuy nhiên, nhà khoa học này trình bày khá nhiều nhưng rốt cuộc cả hội trường dường như không hứng thú vì khó hiểu.
Đại diện ĐH Bách khoa, ĐH quốc gia TP.HCM - bà Bùi Thị Kim Nhung, nêu ý kiến: “Ông Nam trình bày về nguyên lý sản phẩm, nhưng chúng tôi muốn biết sự ưu việt của viên gạch này so với các sản phẩm khác như thế nào.
Các nhà sáng chế thường tâm đắc về sáng chế của mình, nhưng khi giới thiệu, thông tin chủ yếu mang tính học thuật, hàn lâm, khách hàng khó tiếp cận”.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đặng Vỹ - Thư ký tòa soạn Tạp chí Người quản lý, cho rằng dù thông tin về bất cứ mảng gì, kể cả là khô khan như KH&CN, người làm báo phải hướng đến những giá trị cho cuộc sống.
Nhà khoa học thường có xu hướng chia sẻ nhiều đến các giải pháp kỹ thuật đòi hỏi chuyên sâu. Nhiệm vụ của nhà báo là phải biến những cái khô khan đó thành tác phẩm truyền thông có nội dung đi vào cuộc sống, thu hút sự quan tâm của người đọc, mang giá trị cụ thể cho cộng đồng.
Hà Thế An - Khám phá