Vườn ươm phải kết nối mật thiết startup với hệ sinh thái khởi nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn Vườn ươm là đơn vị kết nối mật thiết với các quỹ đầu tư, chuyên gia…, đặc biệt là cơ quan nhà nước để hỗ trợ đến cùng cho startup.

Tại sự kiện do Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM (ITP) tổ chức ngày 22.12 nhằm lắng nghe ý kiến, nguyện vọng các startup đang ươm tạo tại các Vườn ươm TP.HCM, nhiều ý kiến của đại diện các startup đã được chia sẻ.

Tự tin hơn khi được quan tâm

PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM đề nghị, đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp cần chia sẻ những điều tâm đắc nhất khi nhận được sự hỗ trợ từ Vườn ươm và những trăn trở, đề xuất để hoạt động hỗ trợ startup tốt hơn.

Anh Tống Vũ Thân Dân, CEO startup Kodimo cho biết, dự án khởi nghiệp của anh khi ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp, Khu công nghệ cao TP.HCM đã rất được quan tâm hỗ trợ. Vườn ươm hỗ trợ dự án của anh tiếp cận các chính sách, chương trình của nhà nước.

Ngoài ra, Vườn ươm doanh nghiệp, Khu công nghệ cao TP.HCM cũng hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Theo đó, mỗi khi doanh nghiệp ra sản phẩm mới, Vườn ươm đều tổ chức các sự kiện giúp startup quảng bá tới thị trường Việt Nam, mời các đơn vị tuyền thông đến quảng bá.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, CEO startup Bút Chì Màu, cho biết trước khi khởi nghiệp, chị làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty phần mềm. Sau khi có ý tưởng kinh doanh, chị cũng tự mình thử sức khởi nghiệp.

Doanh nghiệp Bút Chì Màu có thời gian tham gia Vườn ươm của Hàn Quốc. Theo chị Hương, khi ươm tạo tại Hàn Quốc, chị có điều kiện hệ thống lại kiến thức kinh doanh căn bản như kỹ năng thuyết trình, gọi vốn....

“Chúng tôi thật sự cảm kích khi từ cơ quan nhà nước, ngân hàng đến các giáo viên đều đối xử với tinh thần trọng thị, hỗ trợ hết mình dù doanh nghiệp của tôi còn rất non trẻ. Điều này khiến tôi cảm thấy tự tin làm việc cũng như các mối quan hệ”, chị Hương bày tỏ.

Chia sẻ cùng câu chuyện của chị Hương, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, cho biết: Ở ITP, các startup được xem là trung tâm, là khách hàng “thượng đế”. "Thứ 7, chủ nhật nếu các doanh nghiệp cần hỗ trợ, chúng tôi luôn sẵn sàng trong khả năng của mình”, TS Thi nói.

Đối với Phạm Tấn Phúc, đồng sáng lập startup GCALL Việt Nam, khi vào Vườn ươm các startup sẽ có môi trường để chia sẻ kinh nghiệm. Vì tất cả mọi người đều bắt đầu từ con số không. Chính điều này sẽ tạo điều kiện để các startup dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp khởi nghiệp khác.

Vườn ươm phải là Hub hỗ trợ cho startup

Bên cạnh những thuận lợi, các startup đang gặp phải một số vấn đề vướng mắc cần được hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, hiện nay startup đang gặp phải một số vấn đề khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo thuế định kỳ 3 tháng/lần. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp với tính chất non trẻ, chưa có doanh thu nên việc làm này tạo ra những hạn chế cho họ.

Cũng theo chị Hương, các startup hiện nay khó tiếp cận với chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học của các cơ quan nhà nước bởi lý do, các doanh nghiệp này thường được cho là rất non trẻ, thiếu kinh nghiệm.

“Chúng tôi cho rằng, các Vườn ươm nên kết nối mật thiết với cơ quan nhà nước để hỗ trợ startup giải quyết vấn đề vướng mắc. Vườn ươm nên là cầu nối để nhà nước có đánh giá đúng khả năng của doanh nghiệp khởi nghiệp”, chị Hương chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Tống Vũ Thân Dân cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó tiếp cận với hoạt động chuyển giao công nghệ. Các cơ quan nhà nước thường ưu tiên việc chuyển giao các công trình nghiên cứu cho các doanh nghiệp có chỗ đứng. Doanh nghiệp khởi nghiệp dường như vẫn chưa được tin tưởng để tham gia hoạt động này.

Tiếp tục chia sẻ những khó khăn, anh Dân cho biết, các Vườn ươm đang thiếu diện tích cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phần cứng có nhu cầu mặt bằng để sản xuất. Vì vườn ươm không hỗ trợ mặt bằng nên doanh nghiệp tốn chi phí thuê ngoài.

Theo anh Phạm Tấn Phúc, các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tốt nghiệp xong thường “đường ai nấy đi”, thiếu sự kết nối với vườn ươm và các doanh nghiệp khác.

“Do đó, cần có sự kết nối với các doanh nghiệp đi trước và đi sau. Doanh nghiệp đi trước truyền lại những kinh nghiệm hoạt động cho doanh nghiệp đi sau học tập. Điều này sẽ tạo thành hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, Phúc đề xuất.

Hà Thế An - Khám phá

Tin tứcQuântin tức