"Đầu tàu” các Vườn ươm phải có tư duy doanh nhân
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, "đầu tàu" các Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam phải có tư duy và tầm nhìn như của một doanh nhân mới phát huy tính hiệu quả hoạt động của các Trung tâm này.
Vừa qua, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức khóa học nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (gọi tắt là Vườn ươm) dành cho các nhà quản lý có liên quan trong lĩnh vực khởi nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM (ITP) đã có cuộc trao đổi với PV Khampha.vn về vấn đề này.
- Thưa ông, được biết ITP hiện nay đang thực hiện ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp, quan điểm của ông thế nào về năng lực hoạt động các Vườn ươm hiện nay tại Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Việt Nam hiện có 43 Vườn ươm, trong đó TP.HCM có 9. Tuy nhiên, đến nay chưa có một nghiên cứu định lượng nào thực hiện đánh giá năng lực hoạt động các Vườn ươm. Theo quan sát của tôi, điểm yếu hiện nay tại các Vườn ươm là hoạt động theo nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và thiếu tầm nhìn lâu dài.
Bản thân các Vườn ươm không có chiến lược, tầm nhìn cụ thể thì không thể thu hút những nhân tố tốt vào làm việc và cống hiến. Tôi coi Vườn ươm cũng là một startup. Một startup ở giai đoạn đầu tiên cần phải có tầm nhìn lâu dài. Nhưng hiện nay, hầu như các Vườn ươm không thực hiện tốt việc đó. Ví dụ, cần phải xây dựng tầm nhìn đến năm 2020 đạt mục tiêu gì, chiến lược để đạt được mục tiêu đó như thế nào.
Trường hợp nhà nước dừng các nguồn ngân sách hỗ trợ, Vườn ươm sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Việc huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho startup của Vườn ươm đang rất thiếu.
- Vậy theo ông, để nâng cao năng lực hoạt động bằng cách xây dựng tầm nhìn dài hạn, các Vườn ươm phải làm gì?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Tôi cho rằng, người đứng đầu Vườn ươm muốn thành công cần phải có tư duy của một doanh nhân. Người này phải có khả năng thiết kế những mô hình chiến lược dài hạn.
Các nguồn lực hỗ trợ cho startup như nhà đầu tư, cố vấn, mạng lưới quan hệ… phải được xây dựng một cách lâu dài, có định hướng rõ ràng. Nếu làm tốt điều này sẽ giúp cộng hưởng các nhân tố để thành công hướng đến sự phát triển bền vững của Vườn ươm.
Cùng với đó, tố chất doanh nhân như khát vọng, tư duy phá cách, sáng tạo trong thực thi và kiên trì thực hiện dù gặp phải khó khăn của người đầu tàu Vườn ươm sẽ "truyền lửa" rất tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang được ươm trong vườn.
- Ông có thể nói rõ hơn tư duy doanh nhân của người đứng đầu Vườn ươm được thể hiện như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Người đứng đầu phải luôn luôn tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp đang ươm tạo và các nhân tố khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Những giá trị phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp mà Vườn ươm đang hỗ trợ. Từng dịch vụ Vườn ươm cung cấp phải gắn với hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Tôi ví dụ, một doanh nghiệp khởi nghiệp ươm tạo trong Vườn ươm đang có nhu cầu tìm nhà đầu tư để thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ của mình, Vườn ươm sẽ phải hỗ trợ doanh nghiệp tìm được nhà đầu tư tốt. Nhà đầu tư tốt không chỉ cung cấp tài chính mà còn là người cố vấn, đỡ đầu, định hướng đúng cho doanh nghiệp phát triển.
Những giá trị đó phải sáng tạo thường xuyên và phù hợp với nhu cầu thiết thực của từng doanh nghiệp. Tư duy doanh nhân là không dựa dẫm vào những nguồn lực nhà nước. Vườn ươm phải tự tìm cho mình nguồn thu để tạo ra sự phát triển bền vững.
- Bằng cách nào để tìm được những người đầu tàu có tố chất doanh nhân cho các Vườn ươm, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Anh Thi: Theo tôi có 2 cách. Một là phát triển những người đứng đầu các Vườn ươm thành người có tố chất doanh nhân bằng các chương trình đào tạo. Song hành với quá trình đào tạo, người đứng đầu các Vườn ươm cần có các chương trình hành động dựa trên thực tế công việc của mình.
TP.HCM hoàn toàn có thể đặt ra các điều kiện để Vườn ươm xây dựng chiến lược phát triển nếu muốn được hỗ trợ. Vườn ươm muốn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, cần phải thỏa mãn tiêu chí trong chiến lược phát triển.
Hai là tìm kiếm nhân sự thay thế để đổi mới hoạt động của Vườn ươm. Hiện nay, các nước phát triển chủ yếu thực hiện việc tìm kiếm nhân tố bên ngoài vào Vườn ươm. Cụ thể, Vườn ươm ở các trường ĐH nên tìm một doanh nhân có tiếng bên ngoài vào làm việc.
Để tìm những người có tố chất doanh nhân vào Vườn ươm, chúng ta không thể cạnh tranh bằng chế độ lương bổng, vì thế, Vườn ươm cần phải xây dựng được những giá trị khác, không phải đến từ tiền bạc.
Ngay tại ITP chúng tôi, những nhân sự làm việc tại đây khi đến xin việc, chúng tôi luôn đặt một câu hỏi: Bạn có bị áp lực về mặt tài chính không? Nhiều nhân sự của chúng tôi hoàn toàn có thể có mức thu nhập cao gấp nhiều lần ở bên ngoài nhưng họ vẫn chấp nhận cống hiến và chia sẻ tầm nhìn với chúng tôi.
Các Vườn ươm phải tìm được những người như vậy cùng tham gia, để Vườn ươm thật sự là một nơi hấp dẫn cho mọi người cùng chia sẻ giá trị, hỗ trợ các startup tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông.
Hà Thế An - Khám phá