Kỳ vọng từ SpeedUp

Sáng 28-12, Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp) giai đoạn 2016 - 2020 đã ra mắt cộng đồng khởi nghiệp TPHCM, sau hơn 2 tháng UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp hỗ trợ.

Doanh nghiệp (DN), trường, viện, nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ… đặt nhiều kỳ vọng: chính sách sẽ là đòn bẩy giúp TPHCM đạt mục tiêu 500.000 DN vào năm 2020.

Vai trò của vườn ươm

Theo đó, thông qua chương trình SpeedUp 2017, Sở KH-CN TPHCM được UBND TP ủy quyền tiến hành tuyển chọn để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Lĩnh vực được tuyển chọn hỗ trợ trong giai đoạn này là không giới hạn, ưu tiên xem xét các dự án khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực:

Cơ khí - tự động hóa; Hóa - hóa dược - nhựa - cao su; Điện tử - Công nghệ thông tin; Chế biến tinh lương thực thực phẩm và Công nghệ sinh học; nhất là các dự án có vốn đầu tư từ các đối tác khác. 

Các cá nhân, DN đăng ký kinh doanh tại TP trong vòng 5 năm trở lại đây, nay có dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà chưa từng nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, sẽ là đối tượng của chương trình.

Tùy thuộc vào quy mô của mỗi dự án, và căn cứ theo kết luận của hội đồng tuyển chọn mà cộng đồng khởi nghiệp sẽ nhận được các mức hỗ trợ khác nhau, tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án, trong thời gian không quá 24 tháng. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ 1-1-2017.

Ông Đỗ Nam Trung, Trưởng phòng Quản lý công nghệ - Điều phối chính của chương trình cho biết, 11 vườn ươm sẽ tham gia đồng hành trong chương trình SpeedUp 2017. Vườn ươm chịu trách nhiệm tuyển chọn bước đầu, quản lý và cấp vốn trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp, thông qua nguồn vốn từ sở.

Từ danh sách bước đầu, hội đồng khoa học của sở sẽ xét duyệt, lựa chọn những dự án khả thi nhất để hỗ trợ. Đồng thời, dự án sẽ chịu sự kiểm tra về tính hiệu quả trong suốt 2 năm trong vườn ươm.

Song song với chương trình SpeedUp 2017, sở cũng có nhiều hoạt động khác nhau để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, như: Hỗ trợ gián tiếp thông qua các lớp đào tạo kỹ năng; thiết lập mạng lưới chuyên gia tư vấn để giúp cho các dự án, DN khởi nghiệp trong giai đoạn đầu; tổ chức các sự kiện để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, qua đó DN khởi nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, kết nối với các nhà đầu tư…

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc không gian khởi nghiệp sáng tạo TP (SIHUB) cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của TP đang dần hình thành.

Bên cạnh SIHUB, mới đây Trung tâm dịch vụ Phân tích thí nghiệm TPHCM (CASE) đã ra mắt Open Lab phục vụ các bạn trẻ đam mê nghiên cứu. Nền tảng Hệ sinh thái khởi nghiệp số - Digital Start-up Eco-system cũng hình thành kết nối cộng đồng khởi nghiệp thế giới.

Chờ bước đột phá

Tại buổi ra mắt, cộng đồng khởi nghiệp TP khá hồ hởi và kỳ vọng vào SpeedUp 2017. Anh Hồ Huy Vũ, Trưởng dự án V-Food chia sẻ, thanh niên, trong đó có sinh viên, thừa nhiệt huyết nhưng bắt đầu khởi nghiệp phần lớn đều gặp khó khăn và chưa thành công ngay từ lần đầu.

Đặc biệt là gặp khó khăn về việc huy động vốn để triển khai các dự án khởi nghiệp. SpeedUp 2017 mở ra cơ hội để thanh niên TP hiện thực hóa ý tưởng ủa mình.

Trước băn khoăn của Hồ Huy Vũ về việc các bạn trẻ sẽ phải “trả lại gì” cho TP sau khi hỗ trợ, ông Đỗ Nam Trung khẳng định, mục tiêu của TP không nằm ngoài hỗ trợ và giữ chân các ý tưởng kinh doanh, đặc biệt của thanh niên Việt Nam, nên giai đoạn đầu TP tạo ra nguồn vốn mồi để kích thích.

Sau khi dự án khởi nghiệp thành công, có lợi nhuận, chỉ phải hoàn trả 10% của mức hỗ trợ ban đầu để TP tái đầu tư cho các dự án khác.

Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ cao - Khu Công nghệ cao TP cho rằng, các vườn ươm trong các viện - trường gặp khó khăn do thiếu cơ chế pháp nhân độc lập, không được phép đầu tư, cổ phần trong các dự án tư nhân.

Do đó, SpeedUp 2017 như một cánh cửa mở ra cơ hội để vườn ươm lớn mạnh. Tuy nhiên, cơ hội cũng là trách nhiệm, đòi hỏi các vườn ươm phải đầu tư cho nguồn nhân lực cũng như nâng chất các dịch vụ ươm tạo để cạnh tranh. 

Để hoạt động khởi nghiệp tại TPHCM bứt phá, Sở KH-CN TP đặt ra mục tiêu cụ thể. Theo đó, phấn đấu có 50% hệ thống trường phổ thông có CLB đổi mới sáng tạo; 20 trường đại học hình thành chương trình đào tạo, có giảng viên, giáo trình giảng dạy về khởi nghiệp;

30 trung tâm sáng tạo cộng đồng tại các trường đại học; xây dựng 40.000m2 mặt bằng sàn hỗ trợ khởi nghiệp; 2 cơ sở ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế… để đạt được 2000 dự án khởi nghiệp và 300 sản phẩm mới trong tương lai.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP khẳng định, thông qua chương trình này, Sở KH-CN TPHCM mong muốn hỗ trợ hiệu quả hơn cho các ý tưởng khởi nghiệp mang tính đột phá, sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao cũng như giải quyết các vấn đề xã hội.

Các dự án được chọn hỗ trợ nhằm thực hiện mục tiêu hướng tới việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức, xây dựng TPHCM sớm trở thành TP thông minh, một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực.

11 Vườn ươm tham gia SpeedUp 2017

Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ - Đại học Bách Khoa TPHCM; Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao - Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP; Công ty TNHH Ươm tạo DN phần mềm Quang Trung - Khu Công viên phần mềm Quang Trung;

Vườn ươm DN công nghệ cao - Khu Công nghệ cao TPHCM; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP (BSSC); Khoa Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM;

Trung tâm ươm tạo DN công nghệ - Đại học Quốc gia TPHCM; Vietnam Silicon Valley Accelerator - Bộ Khoa học và Công nghệ; Công ty Cổ phần Tăng tốc Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VIISA); Dragon Capital Private Equity Management Ltd. (DCPE); Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ - Đại học Nông Lâm TPHCM

Gia Quảng - SGGP

Tin tứcQuântin tức