SpeedUp 2017: "Bước đi" mới hỗ trợ khởi nghiệp TP.HCM

Sáng nay (28/12), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức lễ công bố Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu của chương trình nhằm kết nối cộng đồng các doanh nghiệp, trường, viện, nhà đầu tư, cơ sở ươm tạo, các tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ… để hình thành và thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM.

Một trong các công cụ hỗ trợ của chương trình này được cộng đồng khởi nghiệp hết sức quan tâm là chương trình SpeedUp 2017. Theo đó, Sở sẽ tiến hành tuyển chọn để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo ngay từ đầu năm tới.

Đối tượng tham gia chương trình là các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh tại TP.HCM trong vòng 5 năm trở lại đây, có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà chưa nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Lĩnh vực được tuyển chọn hỗ trợ trong giai đoạn này là không giới hạn, ưu tiên xem xét các dự án khởi nghiệp bao gồm: Cơ khí - tự động hóa; Hóa - hóa dược - nhựa - cao su; Điện tử - Công nghệ thông tin; Chế biến tinh lương thực thực phẩm và Công nghệ sinh học cùng các dự án có đồng đầu tư từ các đối tác khác.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đánh giá rất cao chương trình này của Sở.

“Mục tiêu của thành phố là đến năm 2020 có khoảng 500.000 doanh nghiệp hoạt động. Để làm được điều này, mỗi năm thành phố cần có khoảng 50.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Không chỉ là số lượng, các doanh nghiệp này cần phải hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là hoạt động thiết thực của Sở Khoa học&Công nghệ thành phố để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra”, ông Liêm nói.

Song song với Chương trình SpeedUp 2017, hiện Sở đang triển khai nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp như:

Hỗ trợ gián tiếp thông qua các lớp đào tạo kỹ năng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia tư vấn để giúp cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu;

Tổ chức các sự kiện để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm, kết nối với các nhà đầu tư…

Nằm trong khuôn khổ chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiến hành ký kết Bản Ghi nhớ phối hợp thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP. HCM với 11 tổ chức ươm tạo trên địa bàn TP như vườm ươm doanh nghiệp ĐH Bách khoa, vườm ươm doanh nghiệp ĐH Nông Lâm, vườm ươm doanh nghiệp Khu Công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp Khu Nông nghiệp Công nghệ cao...

Đánh giá về chương trình Speedup 201, ông Võ Phi Vũ – người sáng lập Vinafood phấn khởi: Các nội dung hỗ trợ dự án khởi nghiệp của SpeedUp 2017 rất hữu ích, hứa hẹn mang lại động lực rất lớn cho những startup.

Qua đó có thể thấy nhà nước, mà cụ thể hơn là TP.HCM đang rất quan tâm, sẵn sàng rót nguồn vốn, tạo ra hệ sinh thái, sân chơi để hỗ trợ cho các startup.

“Chúng tôi hiện đang rất cần kinh nghiệm, kĩ năng và nguồn vốn ban đầu để phát triển, do đó tôi tin chắc rằng, chương trình này sẽ cung cấp được chúng tôi những thứ đó”, ông Vũ nói.

Cần nêu rõ đối tượng cụ thể được SpeedUp hỗ trợ

Nêu ý kiến về các đối tượng được hỗ trợ từ chương trình SpeedUp, ông Phạm Tấn Phúc – người sáng lập Gcall cho rằng: Tôi vẫn chưa thấy được tiêu chí lựa chọn đối tượng cụ thể trong chính sách hỗ trợ của TP.

Chẳng hạn, startup giai đoạn đầu chắc chắn cần hỗ trợ nhưng những bạn làm ra sản phẩm rồi cũng cần hỗ trợ, những bạn làm ra sản phẩm nhưng gặp khó khăn trong vấn đề bán hàng, marketing cũng cần hỗ trợ...

Bản thân tôi, mặc dù đã bán được sản phẩm nhưng công ty cần tăng trưởng hơn nữa thì tôi cũng cần hỗ trợ… nhưng các tiêu chí hỗ trợ cụ thể thế nào, tôi vẫn chưa thấy chính sách nhắc đến.

Hiện tại, các lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe, Fintech cũng chưa được phân mảng… điều này sẽ khiến các startup băn khoăn không biết có nên nộp đơn xin hỗ trợ hay không? Hoặc nộp đơn rồi liệu có được chọn hay không vì các tiêu chí chưa rõ ràng. Tôi nghĩ, cần có danh sách phân loại cụ thể đối tượng và mức độ hỗ trợ để chúng tôi tự tin tiếp cận chương trình hơn.

Thiện An - Bích Trâm - Khampha

Tin tứcQuântin tức