Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

SpeedUp 2017: Vườn ươm startup càng thành công càng được hỗ trợ

Chính những kết quả ươm tạo của các Vườn ươm là thước đo lớn nhất để đánh giá năng lực của họ. Vườn ươm nào có nhiều doanh nghiệp thành công, kêu gọi vốn thành công, Vườn ươm đó có điểm càng cao và được hỗ trợ nhiều hơn.

TP.HCM vừa công bố Chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, gói hỗ trợ có thể lên đến tối đa 2 tỉ đồng/dự án khởi nghiệp.

Vườn ươm là đơn vị được Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) TP.HCM chọn để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp (SpeedUp).

PV Khampha.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nam Trung - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM để làm rõ vai trò của Vườn ươm – đơn vị thực hiện hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

- Thưa ông, vì sao Sở KH&CN TP.HCM chọn Vườn ươm là đơn vị thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp?

Ông Đỗ Nam Trung: Vườn ươm là một lồng ấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ giai đoạn sơ khai, đặc biệt đối với những doanh nghiệp phát triển dựa trên những kết quả nghiên cứu KH&CN.

Doanh nghiệp KH&CN chỉ biết phát triển sản phẩm sao cho tốt, phù hợp với yêu cầu thị trường. Tuy nhiên vấn đề quảng bá để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nhà đầu tư, họ hoàn toàn họ chưa có kinh nghiệm.

Vườn ươm là nhân tố có khả năng kết hợp với mạng lưới hệ thống chuyên gia, quỹ đầu tư để cung cấp các dịch vụ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp.

Vườn ươm được xem là đơn vị kết nối tất cả các nguồn lực phù hợp cho doanh nghiệp.

- Dựa vào cơ sở nào Sở KH&CN TP.HCM chọn 11 Vườn ươm tham gia vào hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp lần này, thưa ông?

Ông Đỗ Nam Trung: Sở KH&CN TP.HCM đã tiến hành chọn lọc các cơ sở ươm tạo có đủ điều kiện theo Thông tư 16 (Thông tư về quy chế hoạt động của các tổ chức trung gian trong thị trường công nghệ). Các đơn vị được ký kết lần này đều là cơ sở ươm tạo đạt các yêu cầu của thông tư.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, tìm kiếm thêm những nhân tố mới đạt tiêu chí để mời tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp mà TP.HCM đưa ra.

- Ông có thể cho biết, để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp mang lại hiệu quả, Sở KH&CN TP.HCM đã thực hiện những đánh giá, đo lường về năng lực của các Vườn ươm này thế nào?

Ông Đỗ Nam Trung: Để đánh giá hiệu quả hoạt động các Vườn ươm, Sở KH&CN TP.HCM đang xây dựng kế hoạch đánh giá các Vườn ươm có cơ sở khoa học chặt chẽ.

Sở đã gửi một nhóm chuyên gia, tham dự khóa tập huấn ở Canada để tiếp nhận các kiến thức, phục vụ thực hiện đánh giá chính xác, hiệu quả các hoạt động ươm tạo nói riêng và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nói chung.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu, Sở sẽ xây dựng lại hệ thống đánh giá hiệu quả của hoạt động ươm tạo.

Chính những kết quả ươm tạo của các Vườn ươm là thước đo lớn nhất để đánh giá năng lực của họ. Vườn ươm nào có nhiều doanh nghiệp thành công, kêu gọi vốn thành công, Vườn ươm đó có điểm càng cao và được hỗ trợ nhiều hơn.

Ngược lại, Vườn ươm nào không hoàn thành nhiệm vụ, không có doanh nghiệp thành công sẽ bị đào thải. Phải có sự canh tranh để có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển lớn mạnh hơn.

- Được biết, TP.HCM sẽ hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng/dự án khởi nghiệp. Cách thức hỗ trợ cho startup thế nào và vai trò của Vườn ươm ra sao thưa ông?

Ông Đỗ Nam Trung: Đây là nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ngân sách sẽ không rót trực tiếp vào doanh nghiệp khởi nghiệp, điều này đã được quy định của Luật ngân sách. Vai trò của Vườn ươm là cực kỳ quan trọng, vì đây là đơn vị tiếp nhận nguồn hỗ trợ này.

Từ nguồn hỗ trợ, Vườn ươm sẽ cung cấp hoặc liên kết với các đơn vị khác để cung cấp dịch vụ tương ứng với số tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Vậy Vườn ươm sẽ có những cam kết như thế nào với Sở KH&CN TP.HCM để sử dụng minh bạch, hiệu quả nguồn hỗ trợ này?

Ông Đỗ Nam Trung: Giữa Vườn ươm và Sở KH&CN TP.HCM sẽ ký 2 bản hợp đồng thực hiện. Thứ nhất là hợp đồng nguyên tắc, trong đó hai bên sẽ thống nhất các điều khoản chung, các điều khoản về phân chia quyền sở hữu tài sản phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (chính là nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp). Chúng tôi đang hoàn thiện hợp đồng nguyên tắc này để ký kết với các Vườn ươm trong thời gian tới.

Thứ hai là nhóm dự án khởi nghiêp và Vườn ươm sẽ ký kết hợp đồng hỗ trợ lấy kinh phí từ TP.HCM. Nội dung hợp đồng sẽ nói rõ các chương trình hỗ trợ, các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp cụ thể, tương ứng với số tiền nhất định. Số tiền hỗ trợ tùy thuộc vào đánh giá của một Hội đồng chuyên môn. Tùy thuộc doanh nghiệp khởi nghiệp đang ở giai đoạn nào sẽ có những mức hỗ trợ tương ứng.

Sau khi doanh nghiệp tốt nghiệp có khả năng gọi vốn đầu tư từ bên ngoài, các đối tác đầu tư sẽ định giá lại doanh nghiệp đó.

Ví dụ doanh nghiệp trước kia được định giá 1 tỉ đồng, sau khi gọi vốn được định giá 10 tỉ đồng. Định giá xong, trừ hết mọi chi phí hoạt động, vận hành, lợi nhuận đó sẽ được doanh nghiệp hoàn lại bằng đúng với kinh phí mà Vườn ươm bỏ ra để hỗ trợ.

Nhà nước sẽ giữ lại 10% lợi nhuận, 90% còn lại Vườn ươm sẽ giữ lại để phục vụ cho hoạt động ươm tạo. Như vậy, mô hình hoạt động của Vườn ươm như một doanh nghiệp. Năng lực của Vườn ươm càng tốt thì càng ươm tạo được nhiều doanh nghiệp thành công và có nguồn thu để hoạt động độc lập.

Nguồn hỗ trợ của Nhà nước dành cho các startup không quá 24 tháng. Trường hợp những doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng nguồn lực hỗ trợ không hiệu quả, sau 24 tháng không gọi vốn được, lúc đó quyền quyết định thuộc về Vườn ươm. Các Vườn ươm có thể hỗ trợ tiếp, ươm tạo tiếp, hoặc bắt buộc các doanh nghiệp phải ra ngoài.

Trường hợp xấu nhất, các doanh nghiệp ra ngoài bị phá sản thì tài sản Nhà nước vẫn còn giữ lại. Vì nguồn kinh phí từ Nhà nước có thể hỗ trợ cùng lúc nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp thành công.

- Xin cảm ơn ông!

11 Vườn ươm đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Sở KH&CN TP.HCM trong chương trình SpeedUp trong năm 2017 gồm:

1. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa TP.HCM

2. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM

3. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Khu công viên phần mềm Quang Trung

4. Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao, Khu Công nghệ cao TP.HCM

5. Khoa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM

6. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM

7. Vietnam Silicon Valley Accelerator, Bộ KH&CN

8. Công ty cổ phần tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VISSA)

9. Dragon Capital Private Equity Management Ltd (DCPE)

10. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH nông lâm TP.HCM

11. Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Thành đoàn TP.HCM

Các đơn vị này sẽ trực tiếp thực hiện việc chọn lọc và ươm tạo các dự án khởi nghiệp dựa trên nguồn lực hỗ trợ của TP.HCM. Trong gian đoạn 2016-2020, dự kiến TP.HCM sẽ hỗ trợ, ươm tạo 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hà Thế An - Khampha