Kế hoạch làm bao bì cho na dai Lục Nam: Để quà quê thành quà quý

Để nâng giá trị và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho na dai Lục Nam, chính quyền địa phương và Hợp tác xã (HTX) na dai Lục Nam đang nỗ lực sản xuất thử nghiệm loại hộp carton có in logo nhãn hiệu tập thể với hình thức đẹp, kích thước vừa phải, phù hợp làm quà biếu.

Na-Luc-Nam.jpg

Kéo dài vụ thu hoạch lên 8 tháng

Ấn tượng về huyện Lục Nam là những vườn na xanh mướt trải dài trên diện tích lớn, đặc biệt là các xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh... Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp giúp na có hương vị thơm ngon, ngọt mát, quả to đều. Sản vật này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Na dai Lục Nam” từ năm 2014.

Theo ông Bùi Văn Quang - Chủ nhiệm HTX na dai Lục Nam, na là cây chủ lực của địa phương. Cây khỏe và chống sâu bệnh tốt nên bà con không bao giờ lo mất mùa. Mỗi hécta trồng na có thể cho thu hoạch khoảng 7 tạ quả, giá bán bình quân khoảng 25.000- 30.000 đồng/kg. Nguồn thu từ na đã giúp đời sống của bà con địa phương đổi thay rõ rệt.

Nếu như cách đây khoảng 3 năm, mỗi vụ na của Lục Nam chỉ diễn ra trong 1 tháng thì nay đã có thể kéo dài 8 tháng (đợt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, đợt thứ hai từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11). Đây là kết quả của phương pháp trồng rải vụ (cho na ra quả trái mùa) bằng cách tỉa cành vào những thời điểm nhất định và sử dụng chất dinh dưỡng hợp lý để na có thể ra quả ngay trên thân cây.

Ông Vũ Văn Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Nam - cho biết: “Diện tích trồng na rải vụ của toàn huyện Lục Nam là 1.700ha. Từ khoảng tháng giêng, người dân bắt đầu tỉa cành để tháng 6 có na thu hoạch. Với cách làm này, những khu vườn na đang thu hoạch sẽ xen lẫn với những vườn bắt đầu ra hoa. Quả na ra trái vụ vẫn giữ được những đặc điểm riêng có của na dai Lục Nam”.

Theo ông Sơn, với kỹ thuật canh tác này, na chống chịu được thời tiết, hạn chế giập nát quả do va chạm; không tốn chất dinh dưỡng để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung trên thân và cành nên dễ thụ phấn và thu hoạch hơn.

Ngoài ra, bà con còn áp dụng một số kỹ thuật khác để cây đủ lực ra mầm, ra hoa sớm, quả đẹp. Đó là cách chăm bón, phục hồi sau khi thu hoạch với lượng phân thích hợp giúp tăng tỷ lệ đậu, nuôi quả và phòng, chống các loại sâu bệnh như sáp sên, bọ nhảy, muội đen, sâu đục quả, bệnh vàng lá...

Ông Quang phấn khởi: “Gia đình tôi có 10 sào na, tuy phải bỏ nhiều công chăm sóc nhưng bù lại không phải đầu tư chi phí lớn. Quả na Lục Nam 100% được bọc túi nylon trước khi thu hoạch 20 ngày để không bị xấu mã hay sâu bệnh. Chúng tôi bón cây bằng phân chuồng, phân hữu cơ nên chất lượng na được đảm bảo tuyệt đối. Sản phẩm được thương lái đến tận nơi thu mua và đã có mặt ở nhiều thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế...”.


Thành quả quý nhờ bao bì

Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề thị trường. Thực tế, địa phương vẫn chưa ký kết hợp đồng kinh doanh, thu mua với bất kỳ doanh nghiệp hay một đơn vị nào nên khó kiểm soát được đầu ra. Sản phẩm ra thị trường vẫn chưa gắn nhãn hiệu. Nhiều khi sản phẩm được khách hàng đặt và gửi vào tận Cà Mau nhưng vẫn không có bao bì, mà mới đóng gói thủ công.

Ông Ngô Anh Hoàng - Phó phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang - cho biết: “Từ khi có nhãn hiệu tập thể, giá trị của cây na ở địa phương cũng được nâng lên; thế nhưng na chỉ mới bán được cho các vùng xung quanh theo hình thức tự phát. Na chín theo giờ nên việc vận chuyển xa bị hạn chế, để lâu dễ bị thâm”.

Ông Hoàng cho rằng cần đưa các biện pháp khoa học kỹ thuật vào khâu bảo quản sau thu hoạch và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để kết nối với thị trường tốt hơn.

Để giải quyết vấn đề đầu ra và phát huy giá trị thương hiệu cho sản vật này, ông Quang cho biết HTX na dai Lục Nam và UBND huyện đang cùng thực hiện kế hoạch sản xuất hộp đựng bằng vật liệu carton có logo nhãn hiệu tập thể “Na dai Lục Nam”. Dự kiến mỗi thùng có thể chứa từ 10-20kg na. Với hình thức này, người mua có thể sử dụng để tặng quà và quảng bá cho loại đặc sản này.

“Hộp carton có bìa cứng, bên trong lót báo để đảm bảo na không bị giập nát khi vận chuyển. Loại hộp này được sử dụng cho các hộ trong vùng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. HTX đang đầu tư kinh phí để thử nghiệm xem khách hàng có đón nhận hay không, còn bà con chưa mạnh dạn lắm” - ông Quang nói và bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý đầu tư kinh phí, hỗ trợ để địa phương sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho na dai Lục Nam.

Lệ Hằng - Khoa học phát triển