Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Kỹ năng thứ 2 cho tương lai nghề nghiệp (1)

Bài 1: Nhìn từ Singapore

Trong cuộc cách mạng kĩ thuật số 4.0 này, kinh tế xã hội của mỗi nước đều thay đổi nhanh chóng theo trào lưu toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán chỉ đến năm 2030, rất nhiều ngành nghề sẽ biến mất, chẳng hạn như nhân viên ngân hàng hay nhân viên kế toán, do tất cả sẽ được thay thế bởi các phần mềm máy tính.

Để đáp ứng với những thay đổi trong tương lai, mỗi quốc gia cần có sự chuẩn bị cho lực lượng lao động của mình. Theo đánh giá của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU), Singapore đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng, xếp đầu trong các nước châu Á về chỉ số chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, trong khi Việt Nam hạng 28 trong tổng số 35 nước được nghiên cứu.  

Để có được điều này, ngoài một hệ thống giáo dục tốt từ mầm non đến bậc đại học, Singapore còn có chính sách đặc biệt khuyến khích những người đã tốt nghiệp đại học tiếp tục bồi dưỡng kĩ năng ngoài ngành nghề, nhằm đáp ứng tốt nhất cho những yêu cầu của công việc hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho những biến động về công việc trong tương lai.

Singapore có phương pháp tiếp cận tiên tiến trong việc đào tạo kĩ năng cho nguồn nhân lực. Chính phủ, công đoàn và các chủ doanh nghiệp đã cùng ngồi lại, thảo luận để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, đưa ra những mục tiêu chung nhằm phát triển kĩ năng cho nguồn nhân lực.

Mỗi bộ phận đều đóng vai trò quan trọng, cùng nêu ra những vấn đề đáng quan tâm từ các khía cạnh khác nhau. Mỗi cá nhân cần làm gì? Mỗi công ty cần có những trách nhiệm gì để tái tạo công việc, sáng tạo và hiệu quả hơn? Làm sao chính phủ có thể giúp công dân nhận ra tiềm năng của họ? Làm sao xã hội có thể hỗ trợ sự thay đổi trên khía cạnh mô hình chính trị và xã hội hiện có?

Họ có câu trả lời dựa trên việc đổi mới mô hình xây dựng kĩ năng nghề nghiệp

Mô hình xây dựng kĩ năng nghề nghiệp chữ T và π

Theo truyền thống, nghề nghiệp có những cột mốc mà bạn bước lên từng bậc để thăng tiến. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, công việc giống như đường băng chuyền. Bạn phải luôn đổi mới, liên tục học hỏi và cập nhật dù bạn đang nằm trong bất kì giai đoạn nào của nghề nghiệp.

Theo truyền thống, việc phát triển nghề nghiệp được ví như quỹ đạo hình chữ T. Mỗi một người được đào tạo để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể, như kế toán, hay kĩ sư cơ khí, hay nghiên cứu văn học. Kiến thức chuyên sâu này được bổ trợ thêm bởi những kĩ năng khác, ít quan trọng hơn như là kĩ năng giao tiếp, kĩ năng vi tính,…

Nhưng vài năm trước, một nghị sĩ quốc hội đồng thời là thành viên quan trọng của Ủy Ban Liên Đoàn Thương Mại Quốc gia Singapore (National Trades Union Congress), Patrick Tay đã vận động hành lang để đưa vào một mô hình phát triển nghề nghiệp mới, gọi là mô hình xây dựng kĩ năng nghề nghiệp hình  π.

Mô hình này bao gồm hai lĩnh vực nghề nghiệp chuyên sâu, được cân bằng bởi kiến thức và khả năng chung ở những lĩnh vực khác.

Được biết tới như là ‘kĩ năng thứ 2’, phương pháp tiếp cận này giúp xây dựng kĩ năng cho nghề nghiệp một cách bền bỉ và linh hoạt trong bổi cảnh kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Trong nền kinh tế mới, Patrick cho rằng bạn không nên chỉ hiểu biết một lĩnh vực. Nếu bạn nắm bắt từ 2 lĩnh vực trở lên, cho dù nhỏ, nó vẫn có giá trị hơn rất nhiều. Hiểu biết hai lĩnh vực mang lại cho bạn nhiều cơ hội và rộng rãi hơn trong lựa chọn công việc.

Trong nền kinh tế hiện đại, kĩ năng thứ 2 là điều vô cùng cần thiết để có được nghề nghiệp bền vững, nó cho bạn cơ hội và sự chọn lựa. Tất nhiên, nếu bạn đã có sẵn một kĩ năng nghề nghiệp chuyên sâu, như là nghề bác sĩ chẳng hạn, bạn không thể dễ dàng nhảy sang một lĩnh vực khác cũng đòi hỏi học hành chuyên sâu khác, ví dụ như luật sư.

Nhưng dù kĩ năng thứ nhất của bạn là gì đi nữa, bạn cũng vẫn nên tự bảo vệ mình bằng các kĩ năng chuyên sâu thứ 2. Ví dụ, những người làm việc trong ngân hàng, dù phải bỏ rất nhiều công sức để hiểu biết nghiệp vụ ngân hàng, thành thạo các phần mềm chuyên dụng, nhưng trong bối cảnh nhiều công việc ngân hàng bị tự động hóa hoặc bị đưa ra gia công ở nước ngoài, họ vẫn đứng trước nguy cơ cao bị thất nghiệp. Lúc đó, kỹ năng thứ 2 sẽ là một cứu cánh để họ tìm một công việc ở lĩnh vực khác thay thế.

Đỗ Thủy

See this gallery in the original post