Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Sàn thương mại điện tử hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp sạch

Sau khi thuyết phục nông dân vào chu trình sản xuất sạch, nhóm sẽ xây dựng cho mỗi xã một website thương mại điện tử. Từ website này có thể tạo ra nhiều website con khác nhau cho từng nông dân. Và mỗi nông dân sẽ có một kênh bán hàng online hoàn toàn miễn phí.

Các thành viên nhóm với sản phẩm sàn thương mại điện tử SharingFarming. Ảnh: Hà Thế An.

Đây là những gì mà dự án SharingFarming của 3 bạn trẻ Võ Phi Vũ, Nguyễn Văn Luýt, và Nguyễn Thị Vân Anh hướng tới. Mỗi nông dân có thể tạo ra một website thương mại điện tử rất đơn giản và hoàn toàn miễn phí để quảng bá sản phẩm của mình.

Đặc biệt, website của nông dân có thể kết nối với rất nhiều website khác, tạo ra một hệ sinh thái về nông nghiệp trên internet, giúp họ kết nối đầu tư, tìm kiếm khách hàng, đối tác…

Từ những trăn trở với nông nghiệp quê hương

Các thành viên dự án SharingFarming đều có những trăn trở với những câu chuyện rất riêng về nông nghiệp.

Võ Phi Vũ, trưởng nhóm dự án, sinh ra trong một gia đình làm cao su. Thuở nhỏ, Vũ đã theo cha mẹ mình phụ giúp công việc thu hoạch mủ cao su ở một nông trường tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Trực tiếp làm việc, Vũ mới thấu hiểu được công việc vốn dĩ vất vả nhưng rất long đong của những người làm thợ cao su.

Năm nào thương lái mua giá cao thì bà con vui. Còn năm nào rớt giá thì lại có những người bỏ cao su làm nghề khác. Số ít còn lại họ vẫn bám trụ cao su để mong ngày về hưu có được chế độ”- Vũ kể lại.

Đến khi rời quê hương lên Sài Gòn nhập học, Vũ luôn trăn trở câu chuyện đó.

Đó cũng là trăn trở của Nguyễn Văn Luýt, chàng trai đến từ mảnh đất Tây Nguyên với những ruộng cà phê, hồ tiêu bạt ngàn.

Gia đình Luýt trồng 5 héc ta tiêu. Ký ức buồn nhất của chàng trai này là những chuyến xe chở tiêu đi tiêu thụ bị trả lại. Nguyên nhân là do bà con đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Một vấn đề khác: khi tiêu được giá, bà con lại ồ ạt trồng. Đến mùa thu hoạch, thương lái ép giá khiến giá tiêu giảm mạnh và thua lỗ là điều không tránh khỏi.

Phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho nông dân. Phải hướng họ đến việc làm nông nghiệp sạch. Tôi đã tự mình học hỏi các kiến thức làm nông nghiệp từ sách vở, mạng internet để chia sẻ lại cho bà con. Nhưng xem ra, một mình tôi không làm nổi chuyện đó với hàng ngàn nông dân”- Luýt chia sẻ.

Đến sàn thương mại điện tử hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp sạch

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – câu tục ngữ đó dường như đúng với các thành viên dự án SharingFarming. Tham dự các sự kiện về nông nghiệp, các thành viên nhóm đã kết nối với nhau, cùng nhau xây dựng dự án.

Vũ cho biết, mong muốn lớn nhất của nhóm là tạo dựng tư duy làm nông nghiệp sạch cho nông dân. Nhóm sẽ tìm kiếm các đơn vị cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, các nhà sản xuất nhu yếu phẩm phục vụ nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, giống…) để giúp nhân dân có một quy trình sản xuất sạch.

“Nhóm sẵn sàng kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học để tổ chức các hội thảo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Chúng tôi cũng sẽ kết nối với các nhà sản xuất nông nghiệp sạch để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp xây dựng thói quen sản xuất sạch cho nông dân” - Vũ hào hứng nói.

Mục tiêu của nhóm là kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay với nông dân. Các doanh nghiệp này phải có những chính sách, chương trình hỗ trợ giúp nông dân làm nông nghiệp sạch.

Chúng tôi tìm kiếm những doanh nghiệp có tâm với nông dân để đồng hành cùng với mình. Vì hành trình để nông dân tiến đến văn hóa sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất là một hành trình dài và không phải ngày một ngày hai” - Nguyễn Thị Vân Anh, thành viên dự án, cho biết.

Khi đã lôi kéo nông dân vào chu trình sản xuất sạch, nhóm sẽ xây dựng cho mỗi xã một website thương mại điện tử. Từ website này có thể tạo ra nhiều website con khác nhau cho từng nông dân. Vì thế, mỗi nông dân sẽ có một kênh bán hàng online hoàn toàn miễn phí. Họ có thể cập nhật thông tin sản phẩm lên trang điện tử của mình và tìm kiếm khách hàng.

“Nhóm sẽ kết nối sản phẩm nông nghiệp của nông dân với các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng để đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm sạch. Nhóm cũng sẽ tổ chức các hội chợ để nông dân có thể tiếp cận với khách hàng của mình” - Vũ cho biết thêm.

Hiện nay, hệ thống sàn thương mại của dự án đã cơ bản hoàn thành. Các thành viên nhóm đang tỏa đi các vùng quê để chia sẻ dự án của mình và vận động nông dân tham gia. Vừa rồi, các thành viên nhóm đã có chuyến đi Bà Rịa-Vũng Tàu để đặt vấn đề hỗ trợ nông dân.

“Rất may mắn, nhóm đã nhận được sự hợp tác nhiệt tình của các hội nông dân xã. Đây là những kết quả bước đầu để nhóm vươn ra các địa phương khác, tiếp tục các bước tiếp theo của dự án”- Vũ vui mừng chia sẻ.

Hà Thế An - Báo Khám phá

See this gallery in the original post