Nhiều công nghệ xử lý nước hiện đại được giới thiệu tại Vietwater 2017
Hơn 480 doanh nghiệp đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ đã trưng bày, giới thiệu những công nghệ mới, giải pháp tiên tiến nhất hiện nay về công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại triển lãm Vietwater 2017.
Vietwater 2017 - triển lãm quốc tế về cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam - diễn ra từ ngày 8/10 - 10/11 tại TPHCM.
Các sản phẩm, công nghệ, giải pháp tiên tiến được giới thiệu tại triển lãm được kể đến như công nghệ bơm chìm tiên tiến, máy lọc nước RO không dùng bình áp, giải pháp xử lý nước thải công nghiệp, thiết bị màng phân ly bùn hoạt tính, bể lọc cát và rửa ngược hoạt động liên tục, máy ép bùn,…
Trong đó giải pháp xử lý nước thải công nghiệp, mạng lưới cấp nước thông minh, xử lý nước trong việc làm sạch thực phẩm đã được doanh nghiệp đến từ nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) giới thiệu.
Theo đó, để giảm lượng Nitơ trong nước thải thấp nhất, cần phải thêm quá trình xử lý yếm khí và hiếu khí. Ngoài ra, trong quá trình xử lý nước thải, chi phí xử lý tách bùn khá cao. Để giảm chi phí này cần chọn máy sấy bùn bằng bơm nhiệt. Công nghệ này giống như máy điều hòa không khí, dựa trên độ ẩm để tách nước trong bùn.
Ngoài ra, phía doanh nghiệp Đài Loan còn giới thiệu tại triển lãm máy lọc nước RO không phải dùng bình áp nhờ công suất cao và màng lọc lớn. Máy này có thể vừa đẩy và hút và chìm được trong nước; Máy ép bùn tự động, không gây độc hại cho môi trường, lọc nhanh…
CleartecR Biotextile được làm từ Polypropylene (PP) là vật liệu dùng cho các vi sinh vật bám vào trong các hệ thống xử lý nước thải đô thị và công nghiệp cũng được giới thiệu tại triển lãm.
Đây là công nghệ từ Cộng hòa Liên bang Đức, với vô số sợi vòng xoắn được dệt xung quanh một sợi dây, tạo cấu trúc ba chiều, độ thô bề mặt cao, là môi trường lý tưởng cho vi sinh vật sinh trưởng. Sử dụng vật liệu này có thể tăng hiệu suất xử lý sinh học lên đến 99% mà không cần xây dựng lại hoặc nới rộng thể tích của bể hiếu khí và bể lắng thứ cấp.
Bể phản ứng, lắng, lọc dựa trên công nghệ MDAF kết hợp cả 3 quá trình: keo tụ tạo bông, lắng và tuyển nổi bằng vi bọt khí trong 1 bể duy nhất) của Áo có thể làm sạch tảo từ sông ngòi, kênh rạch để cung cấp nước cho đô thị.
Đồng thời, công nghệ này còn khử được các kim nặng và xử lý nước mặt đạt chất lượng nước sinh hoạt. Quy trình vận hành lọc và rửa lọc diễn ra liên tục nên không cần ngừng hệ thống rửa lọc như các công nghệ truyền thống.
Trong khuôn khổ triển lãm, nhiều hội thảo kỹ thuật, hội thảo chuyên đề cũng đã được tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự như: Quản lý hiệu quả chất lượng nước, Phát triển ngành nước theo hướng bền vững - Bài học kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam - Đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững, Ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý ngành nước của Singapore…
Kiều Anh - Khoa học phát triển